Trao đổi kinh nghiệm triển khai chương trình OCOP

Đoàn công tác của tỉnh đã tới tỉnh Hà Tĩnh trao đổi, học tập kinh nghiệm trong triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Tham gia đoàn có gần 40 đồng chí đại diện các sở: Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Công thương; cán bộ quản lý Chương trình OCOP cấp tỉnh, cấp huyện, thị xã, thành phố.

Tham quan vườn mẫu tại xã nông thôn mới Tượng Sơn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh).

Tham quan vườn mẫu tại xã nông thôn mới Tượng Sơn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh).

Các thành viên đoàn công tác đã được chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay về triển khai chương trình OCOP của Hà Tĩnh cũng như Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Sau gần 2 năm triển khai, chương trình OCOP Hà Tĩnh đã có 72 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao trở lên. Năm 2020, có 180 ý tưởng đăng ký tham gia chương trình. Thực tế, các sản phẩm sau khi tham gia OCOP phát triển tốt, chuyển biến rõ về chất lượng, mẫu mã, hệ thống nhận diện thương hiệu; doanh thu sản phẩm OCOP được xếp hạng tăng từ 10% - 25%. Ở Hà Tĩnh có 14 điểm trưng bày, kinh doanh các sản phẩm OCOP, nổi bật như: Cu đơ Phong Nga, nước mắm Phú Khương, gạo mầm chất lượng cao Cẩm Thành, nhung hươu Hương Sơn…

Hà Tĩnh là tỉnh đầu tiên trong cả nước tiến hành đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thông qua phần mềm chấm điểm hoạt động trên máy tính hoặc điện thoại thông minh, dễ sử dụng, độ chính xác cao.

Các dự án OCOP được chọn làm điểm đều bố trí hệ thống camera giám sát toàn bộ khâu sản xuất, an toàn, minh bạch về nguồn gốc. Đồng thời, Hà Tĩnh đã xây dựng bộ chính sách với nguồn kinh phí ưu tiên dồi dào. Năm 2020, dự kiến kinh phí hỗ trợ Chương trình OCOP hơn 40 tỷ đồng/năm.

Trong khuôn khổ chương trình học tập, trao đổi kinh nghiệm, đoàn công tác tỉnh Lào Cai đã tham quan, tìm hiểu thực tế cách thức xây dựng một số điểm trưng bày giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của tỉnh Hà Tĩnh.

Nguyễn Hữu Trường

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/nong-thon-moi/trao-doi-kinh-nghiem-trien-khai-chuong-trinh-ocop-z36n20200721090204052.htm