Trào lưu sử dụng các ứng dụng y tế trực tuyến ở Nhật Bản

Tại nhiều khu vực thiếu bác sĩ nhi khoa nghiêm trọng, chính quyền địa phương ở một số tỉnh của Nhật Bản đã tìm ra giải pháp phù hợp là khuyến khích người dân tải các ứng dụng di động để được tư vấn y tế kịp thời.

(SGTT) – Tại nhiều khu vực thiếu bác sĩ nhi khoa nghiêm trọng, chính quyền địa phương ở một số tỉnh của Nhật Bản đã tìm ra giải pháp phù hợp là khuyến khích người dân tải các ứng dụng di động để được tư vấn y tế kịp thời.

Giao diện bằng tiếng Nhật của ứng dụng Leber. Ảnh: Leber.

Giao diện bằng tiếng Nhật của ứng dụng Leber. Ảnh: Leber.

Trong xu hướng gia tăng số lượng người bệnh tìm kiếm tư vấn y tế trực tuyến thông qua các cuộc gọi video, các ứng dụng đã dần trở nên phổ biến không chỉ với những người bệnh muốn tìm kiếm lời khuyên nhanh chóng mà còn hữu ích với cả các bác sĩ vì họ có thể tận dụng tối đa thời gian rảnh rỗi.

Thử nghiệm được đón nhận nồng nhiệt

Một ứng dụng phổ biến ở Nhật Bản là Leber, được phát triển bởi Agree Inc., một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Tsukuba, tỉnh Ibaraki, vào đầu năm 2018 đã được đưa vào sử dụng.

Một số thành phố ở Ibaraki, nơi số lượng bác sĩ nhi khoa tính trên 100.000 cư dân là thấp nhất trong cả nước, đã giới thiệu dịch vụ tư vấn y tế trực tuyến dưới hình thức các đợt thử nghiệm.

Vào tháng 5-2019, thành phố Ishioka thuộc tỉnh Ibaraki, nơi các phòng khám nhi khoa không mở cửa vào các buổi tối, đã bắt đầu thử nghiệm ứng dụng tư vấn y tế trực tuyến. Mục đích của việc làm này là để giúp cha mẹ có con nhỏ dưới ba tuổi có thể sử dụng chức năng trò chuyện để được tư vấn miễn phí bất kỳ lúc nào trong ngày.

Ứng dụng này đã được người dân hưởng ứng nhiệt tình, với hơn 30% gia đình trong khu vực thử nghiệm đã có đăng ký và sử dụng. Từ thành công này, thành phố Ishioka có kế hoạch sẽ đưa vào sử dụng chính thức dịch vụ khám bệnh từ xa qua ứng dụng trong năm 2020.

Theo công ty phát triển ứng dụng Leber, 87 bác sĩ từ 26 khoa ở các bệnh viện trên cả nước, bao gồm cả nội khoa và phụ khoa, đã sẵn sàng tư vấn trực tuyến cho bệnh nhân qua nền tảng ứng dụng. Phần lớn trong số này đang sinh sống phân tán ở khắp nơi trên đất nước Nhật Bản. Vài người trong số họ còn đang nghỉ thai sản hoặc đang chăm sóc em bé. Tất cả các bác sĩ đều đã xuất trình bằng cấp y tế để đảm bảo về mặt chuyên môn trong quá trình đăng ký.

Phí tư vấn là từ 100 yen (22.000 đồng) trở lên đối với người dùng cá nhân. Một nửa số tiền sẽ được trả cho các bác sĩ.

Sử dụng dịch vụ “tư vấn y tế từ xa” này, người dùng sẽ nhận được sự tư vấn từ những bác sĩ tham gia vào ứng dụng. Tùy theo từng trường hợp, người dùng sẽ nhận được lời khuyên nên sử dụng các loại thuốc không cần kê đơn phù hợp với các triệu chứng bệnh.
Mặc dù khi tư vấn trực tuyến, các bác sĩ không thực hiện chẩn đoán hoặc kê đơn thuốc. Tuy nhiên, một số người dùng đã đánh giá cao sự tư vấn qua ứng dụng vì nhanh chóng và thuận tiện.

“Ứng dụng thật hữu ích vì tôi đang đi nghỉ ở quê nhà và không thể gặp bác sĩ gia đình của mình”, một người dùng nhận xét.

Khuyến cáo từ chính quyền

Đối với chính quyền ở một số địa phương, việc ngăn chặn các vấn đề phát sinh từ tư vấn y tế trực tuyến và hỗ trợ các công dân không có điện thoại thông minh là một thách thức xử lý tình huống.

“Các bác sĩ tư vấn trực tuyến trên ứng dụng sẽ không phải chịu trách nhiệm về lời tư vấn của mình. Do vậy, chúng tôi kêu gọi cư dân hãy tìm hiểu kỹ trước khi sử dụng dịch vụ”, ông Kagoshima Prefecture, một quan chức của Kinko, tỉnh Kagoshima phát biểu. Thị trấn này đã phối hợp với Kids Public, công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ có trụ sở tại Tokyo, để giới thiệu một dịch vụ tư vấn nhi khoa tương tự vào năm ngoái.

Lý do của lời khuyên này là do có nhiều người dân vẫn chưa sử dụng thành thạo các chức năng của ứng dụng, làm phát sinh nhiều sự nhầm lẫn và phàn nàn. Ngoài ra, chính quyền cũng muốn duy trì các dịch vụ tư vấn trực tiếp và các dịch vụ thông thường khác.

Còn ông Tomohiro Kuroda, Trưởng khoa Công nghệ thông tin y tế của bệnh viện Đại học Kyoto, cho biết ông hoàn toàn ủng hộ dịch vụ tư vấn y tế trực tuyến.

Lý do mà ông đưa ra là có nhiều người do dự không muốn đi khám bác sĩ nhưng lại cần được tư vấn về tình hình sức khỏe và giải pháp tư vấn trực tuyến là phù hợp với họ. Nhờ có ứng dụng này, tình trạng bệnh nhân đông đúc ở các bệnh viện sẽ bớt và cũng giảm tải gánh nặng cho các bác sĩ chăm sóc y tế.

Ứng dụng thực sự phát huy hiệu quả vì sẽ tạo cơ hội để các bác sĩ có thể tương tác với bệnh nhân ngay cả khi đi nghỉ phép. Họ có thể tận dụng được những khoảng thời gian rảnh rỗi để làm việc và sẽ cảm thấy thích nghi nhanh với công việc sau một kỳ nghỉ dài.

Tâm Anh

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/trao-luu-su-dung-cac-ung-dung-y-te-truc-tuyen-o-nhat-ban/