Trào lưu tập yoga 'ra đường': nâng cao tinh thần rèn luyện sức khỏe… hay phản cảm?
Nhiều bộ môn rèn luyện sức khỏe, sự dẻo dai của cơ thể như yoga, aerobic bỗng dần xấu đi bởi những hình ảnh có phần phản cảm của người tập tại nơi công cộng.
Ái ngại với những hình ảnh chưa phù hợp
Mới đây, hình ảnh một người phụ nữ tạo dáng yoga phản cảm ngay trước cung điện Gyeongbokgung của Hàn Quốc đã gây bức xúc cho cộng đồng. Rất nhiều tranh cãi, chỉ trích về hành động “kém duyên” của người phụ nữ trên mạng xã hội.
Giữa thời điểm từ khóa “yoga” tràn ngập mạng xã hội, sáng 4/11, cư dân mạng lại tiếp tục truyền tay nhau clip một người phụ nữ đang tập yoga ngay trên con đường cao tốc có nhiều phương tiện qua lại.
Cùng với đó, hình ảnh 17 người phụ nữ mặc quần áo tập yoga, nằm trên những chiếc thảm giữa đường để chụp ảnh với hoa bằng lăng, bất chấp các phương tiện đang lưu thông tại thị trấn Kiến Xương (tỉnh Thái Bình) hay sự việc 5 phụ nữ đứng trước đầu ôtô màu đen nhảy nhót theo nhịp điệu tại TP Đà Lạt hồi tháng 5/2024 được dịp “đào” lại. Đa số ý kiến phản đối về hành động tập yoga, nhảy nhót giữa đường gây cản trở giao thông nghiêm trọng.
Trước đó, lực lượng chức năng thị trấn Kiến Xương đã có chế tài xử phạt hành chính, lập biên bản xử lý hành vi tập trung đông người trái phép, nằm ngồi trên đường bộ gây cản trở giao thông, quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 11, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có 16 người bị xử phạt. Dường như, nhiều người vẫn “bất chấp” quy định cấm.
Chị Ngọc Anh (29 tuổi) đã gắn bó với yoga được 4 năm chia sẻ: “Yoga là một bộ môn cần tập ở không gian yên tĩnh, thậm chí là chỉ có một mình. Tôi cũng ái ngại với những hình ảnh được lan truyền thời gian qua. Ai cũng muốn lưu giữ những khoảnh khắc đẹp, những thay đổi về sức khỏe của bản thân sau thời gian tập luyện. Nhưng nên chụp ở không gian nào để lan tỏa tình yêu với bộ môn mới là điều quan trọng”.
Từng đỏ mặt, thậm chí thấy mệt mỏi khi quãng đường về nhà bỗng chốc ầm ầm tiếng nhạc phát ra từ chiếc loa thùng, kèm theo những bộ đồ ngắn của nhóm các cô, các chị tập aerobic ngay ở vị trí dừng đèn đỏ, anh Nguyễn Hưng (Long Biên) bức xúc: “Công viên chỉ cách vị trí đèn đỏ này chưa đến 1 cây số, thậm chí khuôn viên của chung cư ở đối diện ngay bên đường, có thể đi bộ sang được. Tại sao mọi người không chọn một nơi phù hợp hơn để tập, mà lại cứ phải chọn vị trí nhiều xe cộ đang tham gia giao thông?”.
Đẹp nhưng nên có sự phù hợp và tôn trọng
Cô Dương Kiều Anh (Hà Nội) là một giáo viên gắn bó với bộ môn yoga nhiều năm. Chia sẻ quan điểm của mình, cô Dương Kiều Anh cho biết, yoga vốn là một bộ môn tâm linh, cải thiện được sức khỏe, vẻ đẹp, tuổi tác cho người tập.
“Về mặt nghệ thuật, yoga có nhiều động tác rất đẹp, thể hiện được hình thể, độ dẻo dai của cơ thể. Vì vậy, bất cứ một người tập nào khi chinh phục được một động tác trong bộ môn yoga cũng đều muốn lưu lại những khoảnh khắc đó”, cô Anh cho biết.
Bất cứ một bộ môn vận động nào cũng là để cải thiện sức khỏe và đều có một nét đẹp riêng. Tuy nhiên, những hình ảnh gần đây làm nhiều người đang có những cái nhìn ái ngại, thậm chí là không mấy thiện cảm với bộ môn này khiến những người huấn luyện viên như cô hoặc những người tập yoga lâu năm cảm thấy trăn trở.
“Mỗi bộ môn đều có những trang phục phù hợp, thuận tiện cho việc tập. Nhưng thoải mái trong khuôn khổ cho phép, thoải mái nhưng vẫn phải có sự tôn trọng với người xung quanh và môi trường mà mình định thể hiện những động tác hay bộ trang phục”, cô Dương Kiều Anh nói.
Thực tế, ở nhiều không gian mang tính tâm linh hoặc trang trọng, nhiều chị em đã “bất chấp” thể hiện hình ảnh của bản thân bằng những trang phục không phù hợp, những động tác gập ngược gập xuôi, để lộ những phần nhạy cảm và không mang tính xây dựng hay lan tỏa tinh thần rèn luyện sức khỏe. Cuối cùng, dù tập yoga hay trong bất kỳ hoạt động thể chất nào, không nên đặt mục đích để khoe với ai hay "sống ảo", mà cần tập trung rèn luyện kỹ năng và nội tâm của chính mình.