Trao niềm tin và cơ hội để phụ nữ khiếm thị vươn lên

Với sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự hỗ trợ từ hội người mù (HNM) các cấp, nhiều hội viên phụ nữ trong hội người mù đã có cơ hội tiếp cận và tham gia vào các hoạt động học chữ, học nghề để trang bị cho mình hành trang vững vàng trong cuộc sống. Nhờ đó, chị em đã từng bước khắc phục khó khăn về bệnh tật, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.

Nỗ lực vươn lên

Dù không được lành lặn như bao người khác, nhưng nhờ có sự hỗ trợ từ các cấp hội, cùng với sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của bản thân, nhiều chị em hội viên HNM trong tỉnh đã vượt qua mặc cảm để xây dựng cuộc sống hạnh phúc, ngày càng ổn định hơn về kinh tế.

Thời gian qua, nhiều phụ nữ khiếm thị được các tổ chức quan tâm, tặng quà, động viên

Chị Nguyễn Thị Mộng (sinh năm 1980), ngụ khu phố 1, phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát, là một trong những trường hợp như trên. Trước đây, khi còn ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, chị Mộng được vận động tham gia tổ chức hội, rồi được học văn hóa, học chữ braille, học vi tính, được đào tạo hướng nghiệp nghề xoa bóp. Sau này, chị chuyển vào Bình Dương sinh sống và xin vào làm việc tại cơ sở xoa bóp Rạng Đông thuộc HNM tỉnh. Tại quê hương thứ hai này, chị đã lập gia đình và cùng chồng mở cơ sở xông hơi - xoa bóp tại nhà riêng, mạnh dạn đầu tư trang thiết bị đúng quy định để tiếp tục phấn đấu vươn lên.

Ngoài ra, chị Mộng còn được HNM tỉnh hỗ trợ vay vốn từ nguồn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm để phát triển kinh tế gia đình. Bản thân chị còn liên hệ học hỏi thêm kinh nghiệm tại các cơ sở khác trong và ngoài tỉnh về cách thức quản lý, kỹ thuật xoa bóp trị liệu nhằm nâng cao tay nghề cho bản thân cũng như kỹ thuật viên đang làm việc tại cơ sở. Qua hơn 16 năm hoạt động, cơ sở xoa bóp của gia đình chị Mộng đã tạo việc làm ổn định cho nhiều người mù với mức lương bình quân hơn 5 triệu đồng/người/tháng.

Đến thăm cơ sở xoa bóp của chị Trần Thanh Thủy ở phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một, nghe chị kể về câu chuyện phấn đấu vươn lên của mình mới thấy việc HNM các cấp tạo điều kiện cho hội viên được học chữ, học nghề là sự hỗ trợ mang lại hiệu quả rất thiết thực với bản thân mỗi hội viên. Dù quy mô không lớn, nhưng cơ sở xoa bóp của chị Thủy hiện tại tạo việc làm cho 4 lao động. Chia sẻ với P.V, chị Thủy cho biết từ nhỏ đã bị khiếm thị nên chị hay mặc cảm về bản thân. Khoảng 14 tuổi, chị được vận động vào HNM, rồi được hội cho học chữ, học nghề bó chổi, sau đó tiếp tục đi học nghề xoa bóp.

Sau khi ra nghề, làm việc một thời gian tại cơ sở xoa bóp Rạng Đông thuộc HNM tỉnh, chị tích góp được chút ít rồi ra mở cơ sở riêng. Có cơ sở rồi, chị và chồng từng bước cố gắng để gầy dựng cuộc sống ngày càng tốt hơn. Điều hạnh phúc tiếp tục nhân lên trong gia đình nhỏ này đó là con gái đầu của vợ chồng chị Thủy năm nay đã vào đại học năm thứ nhất. Chia sẻ về cuộc sống của mình, chị Thủy nói: “Nhờ có hội hỗ trợ, tôi đã từng bước vượt qua mặc cảm ban đầu, tự tin hơn khi có nghề để có thể tự lo cho cuộc sống của bản thân cũng như lo cho gia đình. Dù không dư dả gì nhiều, nhưng hai vợ chồng cũng lo được cho gia đình, cho con ăn học là hạnh phúc lắm rồi”.

“Với sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành và các cấp hội, hầu hết các chị em đã khắc phục khó khăn về bệnh tật, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Chị em không trông chờ, ỷ lại, mà đã tự lập để xây dựng cuộc sống ngày càng tốt hơn”.

(Bà Huỳnh Thị Khuyên, Phó Chủ tịch, Trưởng ban Công tác phụ nữ - trẻ em HNM tỉnh)

Hỗ trợ tích cực

Ngoài tổ chức bồi dưỡng chữ braille, đào tạo nghề để họ có thể tự lập trong cuộc sống, để hỗ trợ phụ nữ khiếm thị vươn lên, thời gian qua, HNM tỉnh còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội giải quyết cho 455 lượt phụ nữ khiếm thị vay vốn từ nguồn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm theo kênh Trung ương hội và kênh địa phương. Theo HNM tỉnh, 100% người vay vốn đều làm ăn hiệu quả, hoàn trả vốn và lãi cho Nhà nước đúng thời hạn, đặc biệt không có trường hợp chậm trả, nợ quá hạn.

Những chị em hội viên khó khăn về nhà ở còn được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo, Hội Chữ thập đỏ và các nhà hảo tâm hỗ trợ xây nhà để họ có thêm điều kiện ổn định cuộc sống. Đã có 33 căn nhà đại đoàn kết được trao tặng cho phụ nữ khiếm thị với số tiền xây dựng hơn 1,3 tỷ đồng. Tính đến nay, cơ bản không còn phụ nữ khiếm thị khó khăn về nhà ở. Hội cũng đã đề xuất cho 100% phụ nữ được hưởng trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng theo chính sách của tỉnh. Ngoài ra, con của phụ nữ khiếm thị còn được miễn 100% học phí và tiền đóng góp cơ sở vật chất trường, lớp; 100% phụ nữ đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế khám bệnh miễn phí cùng hàng chục ngàn phần quà được trao tặng…

Trao đổi với P.V, bà Huỳnh Thị Khuyên, Phó Chủ tịch, Trưởng ban Công tác phụ nữ - trẻ em HNM tỉnh, cho biết nhằm hỗ trợ hội viên phụ nữ trong hội vươn lên trong cuộc sống, thời gian qua, Ban Công tác phụ nữ - trẻ em HNM tỉnh đã xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức các hoạt động dạy chữ, dạy nghề, tạo việc làm, chăm lo đời sống tinh thần và vật chất cho phụ nữ. Các nội dung hoạt động được ban triển khai thời gian qua sát và phù hợp với thực tế đời sống nên đã thu hút nhiều chị em tham gia, từ đó mang lại niềm vui và hạnh phúc cho phụ nữ khiếm thị.

Nhờ có sự hỗ trợ từ các cấp hội, cùng với sự nỗ lực cố gắng phấn đấu vươn lên của bản thân, nhiều chị em hội viên HNM trong tỉnh đã vượt qua mặc cảm để xây dựng cuộc sống hạnh phúc, ngày càng ổn định hơn về kinh tế.

Nhờ có sự hỗ trợ từ các cấp hội, cùng với sự nỗ lực cố gắng phấn đấu vươn lên của bản thân, nhiều chị em hội viên HNM trong tỉnh đã vượt qua mặc cảm để xây dựng cuộc sống hạnh phúc, ngày càng ổn định hơn về kinh tế.

HỒNG THUẬN

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/trao-niem-tin-va-co-hoi-de-phu-nu-khiem-thi-vuon-len-a305822.html