Trẻ em 'lớn' hơn chúng ta nghĩ

Cách đây ít ngày, tôi chứng kiến cuộc tranh luận của một cặp vợ chồng. Anh chồng càu nhàu: 'Một mình mình thay đổi thì được bao nhiêu. Lại mất công mất việc. Người ta vẫn dùng túi ni-lông đầy ra đấy', khi cô vợ chuyển sang dùng làn và các hộp nhựa để dựng thức ăn khi đi chợ. Chị vợ phản bác: 'Nếu ai cũng như anh thì bao giờ bớt được túi ni-lông. Anh không nhìn núi rác khắp nơi à'.

Cách đây ít ngày, tôi chứng kiến cuộc tranh luận của một cặp vợ chồng. Anh chồng càu nhàu: “Một mình mình thay đổi thì được bao nhiêu. Lại mất công mất việc. Người ta vẫn dùng túi ni-lông đầy ra đấy”, khi cô vợ chuyển sang dùng làn và các hộp nhựa để dựng thức ăn khi đi chợ. Chị vợ phản bác: “Nếu ai cũng như anh thì bao giờ bớt được túi ni-lông. Anh không nhìn núi rác khắp nơi à”.

Cuộc tranh luận cho thấy “cuộc chiến chống túi ni-lông” và bảo vệ môi trường không bao giờ là dễ dàng. Đang suy nghĩ về những “điểm nghẽn” trong xây dựng lối sống xanh thì chợt nhiều tờ báo đưa tin, cô bé Nguyễn Nguyệt Linh, học sinh Trường Marie Curie (Hà Nội) viết thư gửi đến hơn 40 trường học, đề nghị các trường học dừng việc thả bóng bay nhân ngày khai giảng năm học bởi bóng bay có thể giết chết nhiều loài động vật. Thông điệp của cô bé rất rõ ràng, thả bóng bay “bay cao ước mơ của các học sinh - giết ước mơ của bao chú chim và rùa biển”.

Khai giảng, những dịp hội hè, lễ kỷ niệm..., những chùm bóng bay khổng lổ vẫn thường được thả lên trong tiếng vỗ tay, những nụ cười hoan hỉ. Thế nhưng, dù bóng bay có hại cho môi trường nhưng người lớn chúng ta vẫn vô tư sử dụng. Chuyện một cô bé học lớp 5 quan tâm đến vấn đề tưởng như chỉ của người lớn, “nhắc nhở” người lớn vì thế là một tin vui. Thế hệ trẻ đang quan tâm đến môi trường hơn như chính lời cô bé viết trong thư: “Hiện nay, thế hệ chúng con bắt đầu quan tâm đến các vấn đề liên quan đến môi trường. Con rất mong nhận được sự quan tâm và giúp đỡ của các thầy cô”. Tuy vậy, điều này cũng đặt ra nhiều vấn đề khác. Chẳng hạn như, có những trường hợp suy nghĩ, hành động của nhiều người lớn “thụt lùi” hơn trẻ. Chúng ta rõ ràng cần suy nghĩ, cân nhắc lại về những hành động của mìnn, nhất là những hành vi ứng xử. Và vấn đề không chỉ giới hạn trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Chúng ta thường hay nói: “Trẻ con bây giờ khôn hơn ngày xưa”. Điều đó hoàn toàn chính xác. Chưa nói thế hệ trước, thế hệ sinh ra trong thập niên 1970-1980 mãi mới biết cái ti-vi tròn, méo ra sao. Trẻ năm tuổi bây giờ nhiều bé đã sành công nghệ. Tất nhiên cũng có mặt trái, nhưng nhờ điện thoại thông minh, nhờ các phương tiện truyền thông mà trẻ em tiếp cận nhiều thông tin về thế giới, nâng cao nhận thức về xã hội, về cuộc sống. Không phải ngẫu nhiên một số nước trên thế giới thử nghiệm mô hình “Nghị viện trẻ em”. Ở đó, các em thảo luận, đề xuất nhiều vần đề giáo dục, y tế, môi trường... Đành rằng, góc nhìn của trẻ có thể còn khiếm khuyết về mặt nhận thức, hay chưa phù hợp thực tế, song sự thẳng thắn, vô tư, không vụ lợi trong nhiều vấn đề khiến chúng ta phải suy nghĩ về những chính sách của người lớn.

Trong cuộc sống hằng ngày, có vô vàn hành vi của người lớn nằm trong sự quan sát của trẻ em. Từ việc đối xử của chúng ta với cha mẹ, với hàng xóm; những câu chuyện về công việc, đồng nghiệp, xã hội ta đem về gia đình; ứng xử với môi trường, từ sử dụng các đồ đạc, dụng cụ cho đến xả rác; những hành vi của chúng ta khi đi đến nơi công cộng như siêu thị, công viên..., và nhất là những việc chúng ta làm liên quan đến học hành của chúng. Khi trẻ tiếp cận nhiều thông tin, khi chúng “khôn” hơn, những hành vi, suy nghĩ của chúng ta sẽ đều được các em nhìn nhận, đánh giá. Chúng sẽ học theo chúng ta, hay chúng “phản biện”, như cô bé Nguyệt Linh? Giả thiết như chuyện học hành. Thực tế hiện nay, có những vị phụ huynh “đầu năm chạy trường, cuối năm chạy điểm, giữa năm chạy quà”. Có những món quà, hay chiếc phong bì không thoát khỏi cặp mắt các em. Chúng ta mong muốn trẻ đồng thuận, hay phản ứng về những hành động ấy?

Có lẽ, chúng ta nên nhìn nhận bức thư “nói không với bóng bay” như một sự thức tỉnh. Trẻ em bây giờ lớn hơn chúng ta tưởng. Chúng ta cần tôn trọng con trẻ hơn. Bởi nếu mỗi chúng ta không gương mẫu, tự điều chỉnh hành vi của mình, hẳn sẽ còn bị con trẻ “nhắc nhở”, trong những lĩnh vực khác.

GIANG NAM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/41021702-tre-em-%E2%80%9Clon%E2%80%9D-hon-chung-ta-nghi.html