Trẻ phù cơ thể do tự ý sử dụng thuốc nam thay phác đồ từ bệnh viện

Mong muốn con khỏi bệnh nhanh, nhiều gia đình quyết định bỏ qua khuyến cáo từ bác sĩ và tự ý điều trị, vô tình đặt trẻ vào nguy hiểm.

 Nhiều gia đình đặt con vào nguy hiểm sau khi tự ý sử dụng thuốc nam. Ảnh: katherine_hanlon.

Nhiều gia đình đặt con vào nguy hiểm sau khi tự ý sử dụng thuốc nam. Ảnh: katherine_hanlon.

Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương mới đây, cơ sở y tế này vừa tiếp nhận 2 trường hợp rơi vào tình trạng nguy kịch, đe dọa tính mạng sau khi tự ý sử dụng thuốc nam.

Người phù nề, trẻ suy thận nặng

Trường hợp đầu tiên là bé trai T.X.H. (6 tuổi, trú tại Hà Nội) vào Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng phù nề ở vùng chân và mặt, có nguy cơ quá tải dịch.

Qua khai thác tiền sử, suốt 2 tháng qua, gia đình không cho trẻ đi khám khi con có biểu hiện sưng phù mắt, tay, chân. Thay vào đó, cha mẹ bé H. tự ý điều trị cho con bằng thuốc nam và châm cứu với phương pháp dân gian truyền miệng.

Tuy nhiên, bệnh tình của trẻ không thuyên giảm, thậm chí ngày một nặng hơn. Trẻ mệt mỏi, tiểu ít, tăng cân nhanh bất thường đến 6-7 kg, tức khoảng 20% cân nặng trong một thời gian ngắn.

 Trẻ phù toàn thân sau khi dùng thuốc nam. Ảnh: Lê Hiếu.

Trẻ phù toàn thân sau khi dùng thuốc nam. Ảnh: Lê Hiếu.

Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đã chẩn đoán lâm sàng và làm một số xét nghiệm. Qua đó, bệnh nhi được chẩn đoán mắc hội chứng thận hư tiên phát và được chuyển đến điều trị tại khoa Thận và Lọc máu. Tại đây, các bác sĩ đã điều trị cho trẻ theo phác đồ của hội chứng thận hư tiên phát không đơn thuần. Sau 2 ngày, tình trạng trẻ dần ổn định.

Không may mắn như trường hợp trên, N.A. (15 tuổi, ở Thanh Hóa) được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng nguy kịch do suy hô hấp, suy thận mạn.

Trước đó, từ tháng 2, bố mẹ của A. phát hiện chân con bị phù nên cho con đi khám tại 2 bệnh viện ở Hà Nội. Tại đây, bệnh nhi được chẩn đoán mắc hội chứng thận hư.

Gia đình sau đó đưa con về điều trị tại bệnh viện địa phương. Tuy nhiên, do thấy kết quả chưa được như mong muốn, gia đình này đã không tuân thủ phác đồ của bác sĩ và tự ý chuyển sang dùng thuốc nam.

Sau khoảng 2 tháng, sức khỏe của N.A. yếu dần, chân phù nặng hơn, cơ thể mệt mỏi.

Tới đầu tháng 12 vừa qua, N.A. có tình trạng suy hô hấp, tăng huyết áp, phải thở oxy để chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị. Ngay khi tiếp nhận, bệnh nhi đã được các bác sĩ khoa Thận và Lọc máu làm các xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm tim, điện tim và chạy thận cấp ngay trong đêm để đảm bảo tính mạng.

BS Nguyễn Thị Bích Ngọc, khoa Thận và Lọc máu, cho biết: “Do bệnh nhi N.A. đã suy thận mạn 3 tháng nay nhưng không uống thuốc đều và dùng thuốc nam, tình trạng rất nặng, phải chạy thận nhân tạo trong khoảng 5 ngày, sau đó sẽ chuyển sang thẩm phân phúc mạc (lọc màng bụng)”.

Vị chuyên gia nhận định N.A. vẫn có cơ hội được chữa trị nhưng sẽ là một cuộc chiến lâu dài và cần được thay thế thận.

Tỉnh táo để bảo vệ con

Trên thực tế, đây chỉ là 2 trường hợp điển hình trong số rất nhiều gia đình đã cho con sử dụng các loại thuốc bắc, thuốc nam không rõ nguồn gốc để điều trị các bệnh về thận như suy thận mạn, thận hư, viêm cầu thận… gây ra nhiều nguy cơ tới tính mạng cho trẻ.

Theo các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương, nếu được điều trị kịp thời và đúng cách, 80% trẻ thận hư có thể hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, phác đồ điều trị bệnh thận hư cần được tuân thủ từ 3 đến 6 tháng mới đem lại hiệu quả.

 Bệnh nhi A. phải chạy thận nhân tạo ngay trong đêm nhập viện sau khi gia đình tự ý cho bé sử dụng thuốc nam. Ảnh: Lê Hiếu.

Bệnh nhi A. phải chạy thận nhân tạo ngay trong đêm nhập viện sau khi gia đình tự ý cho bé sử dụng thuốc nam. Ảnh: Lê Hiếu.

Mặt khác, cha mẹ nên tìm hiểu để nắm được một số biểu hiện của hội chứng thận hư, từ đó đi khám ngay nếu nghi ngờ bệnh, đồng thời khám đúng lịch hẹn định kỳ để biết được diễn biến bệnh, sớm điều trị khỏi.

Phụ huynh không nên vì quá sốt ruột mà nghe những lời mách bảo, quảng cáo về các loại thuốc không rõ nguồn gốc, tác dụng điều trị, khiến con gặp nhiều biến chứng khôn lường.

Về mặt lý thuyết, hội chứng thận hư là tình trạng lượng lớn albumin bị mất qua nước tiểu. Lượng albumin mất này đủ để gây ra giảm albumin trong máu.

Trong đó, albumin có tác dụng giữ nước trong lòng mạch. Khi lượng albumin trong máu đủ thấp, nước sẽ thoát ra mô kẽ và gây ra phù. Tình trạng phù có thể xảy ra ở các vùng khác nhau của cơ thể và tại nhiều thời điểm trong ngày. Những vùng này gồm mắt, bụng, 2 chi dưới và bìu.

Biểu hiện đặc trưng của hội chứng thận hư là tình trạng phù: Đầu tiên xuất hiện ở mi mắt, mặt, sau đó lan đến toàn thân, gây tràn dịch màng phổi, màng bụng và tràn dịch tinh hoàn. Ngoài ra, trẻ có thể kèm theo:

Tiểu ít, nước tiểu đục có nhiều bọt.
Tiểu ra máu
Tăng huyết áp, tăng cân nhanh
Ho, khó thở, đau bụng, sốt...

Quốc Toàn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tre-phu-co-the-do-tu-y-su-dung-thuoc-nam-thay-phac-do-tu-benh-vien-post1384539.html