Trẻ tiêu chảy, đau bụng, nôn: Xử trí thế nào cho đúng?

Gần đây, tại một số phòng khám Nhi, thường gặp tình trạng trẻ bị tiêu chảy, đau bụng, nôn... đến khám. Vậy, ứng phó với các tình trạng này như thế nào?

1. Vì sao trẻ tiêu chảy, đau bụng và nôn?

Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng này. Một số trẻ bị nhiễm virus đường ruột như rotavirus, adenovirus… gây nên tình trạng viêm dạ dày ruột. Trẻ thường có biểu hiện nôn nhiều trong vòng 12-24h sau đó mới xuất hiện tiêu chảy. Tình trạng nôn sẽ giảm khi trẻ bắt đầu đi ngoài được (do khi đi ngoài sẽ thải bớt virus, vi khuẩn ra khỏi cơ thể làm độc tố và tải lượng virus giảm xuống nên nôn sẽ giảm).

Ngoài ra trẻ cũng có thể bị đau bụng, nôn do ăn uống quá no, dị ứng thức ăn, hoặc dùng thuốc quá liều, lồng ruột, viêm ruột thừa, tắc ruột…

Vì thế để biết nguyên nhân con nôn do đâu, phụ huynh nên đưa con đi khám để bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác, tránh những nhầm lẫn đáng tiếc dẫn đến điều trị sai có thể xảy ra.

Trẻ mắc viêm dạ dày ruột thường nôn nhiều trong vòng 12-24h sau đó mới xuất hiện đi ngoài phân lỏng.

Trẻ mắc viêm dạ dày ruột thường nôn nhiều trong vòng 12-24h sau đó mới xuất hiện đi ngoài phân lỏng.

2. Nên làm gì khi trẻ tiêu chảy, đau bụng, nôn?

- Bù đủ nước điện giải: Điều trị tiêu chảy quan trọng nhất là bù đủ nước để tránh mất nước, rối loạn điện giải. Lưu ý, pha oresol theo hướng dẫn trên bao bì của nhà sản xuất.

- Chế độ ăn: Trẻ bị tiêu chảy vẫn nên ăn chế độ ăn đủ chất như bình thường. Giai đoạn này trẻ hay biếng ăn, thay vì ép con ăn, phụ huynh nên chia nhỏ và tăng số bữa cho ăn trong ngày để trẻ dễ hấp thu hơn.

- Bổ sung thêm kẽm: Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc bổ sung kẽm khi tiêu chảy có thể giúp giảm thời gian điều trị, hồi phục sức khỏe đường ruột. Nên bổ sung kẽm kéo dài 2 tuần sau khi khỏi tiêu chảy. Lưu ý, bổ sung kẽm theo tùy từng trường hợp và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

- Men vi sinh: Men vi sinh giúp tăng lợi khuẩn trong đường ruột. Tuy nhiên cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng.

3. Khi nào cần cho trẻ đến bệnh viện?

Khi bé nôn nhiều, không thể bù nước bằng đường uống được.
Nôn hoặc tiêu chảy kèm sốt trên 39 độ C.
Trẻ nhỏ bỏ bú, li bì.
Trẻ khát, biểu hiện là đưa cốc nước cho uống thì uống nhiều, đòi lại cốc để uống tiếp
Trẻ tiêu chảy nhiều, phân có nhầy máu.

Nếu có những dấu hiệu trên cha mẹ cần đưa con đến bệnh viện vì đó là những dấu hiệu trẻ có thể gặp tình trạng nặng, nguy hiểm.

4. Những sai lầm thường gặp khi chăm sóc trẻ bị nôn, tiêu chảy

4.1. Uống không đủ nước

Khi trẻ nôn thì cơ thể sẽ bị mất nước, nếu bù nước không đủ trẻ dễ bị nặng hơn. Tuy nhiên khi trẻ nôn thì không nên cho trẻ uống lượng nước nhiều một lúc vì làm dạ dày trẻ bị đầy và dễ gây nôn tiếp.

Do đó, nên chia nhỏ uống từng ngụm, uống từ từ trẻ sẽ đỡ nôn hơn. Ưu tiên uống nước oresol nếu trẻ bị nôn hoặc tiêu chảy nhiều, nếu nôn hoặc tiêu chảy ít có thể thay bằng nước trắng hay nước quả dừa.

4.2. Pha oresol sai cách

Khi pha oresol cần tuân thủ đúng tỷ lệ theo hướng dẫn trên bao bì. Nhiều trường hợp pha quá đậm đặc do nồng độ natri cao làm trầm trọng hơn tình trạng mất nước của cơ thể, khiến trẻ có thể gặp nguy kịch: Hoa mắt, chóng mặt, tim đập nhanh, rối loạn tri giác, co giật, thậm chí hôn mê…

4.3. Uống thuốc cầm tiêu chảy

Lựa chọn thuốc cầm tiêu chảy loperamid cho trẻ uống là một sai lầm dễ gặp ở nhiều gia đình. Loperamid là thuốc không được khuyến cáo dùng thường quy cho trẻ bị tiêu chảy. Không nên dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi hoặc trẻ dưới 6 tuổi.

Việc uống thuốc cầm tiêu chảy không những không giúp điều trị nguyên nhân gây tiêu chảy mà còn làm giảm đào thải nguyên nhân và độc tố gây bệnh. Độc tố gây bệnh không đào thải được ra ngoài, ứ trệ tại đường tiêu hóa sẽ khiến trẻ bệnh nặng hơn, khó điều trị hơn, kéo dài thời gian điều trị, tăng nguy cơ nhiễm độc.

Uống thuốc cầm tiêu chảy có thể khiến trẻ bệnh nặng hơn, thậm chí tăng nguy cơ nhiễm độc...

Uống thuốc cầm tiêu chảy có thể khiến trẻ bệnh nặng hơn, thậm chí tăng nguy cơ nhiễm độc...

4.4. Uống thuốc chống nôn

Tương tự như thuốc cầm tiêu chảy, việc cho trẻ uống thuốc chống nôn như domperidon khi không có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa có thể gây cho trẻ bệnh nặng hơn. Nôn cũng là một cách cơ thể đào thải độc tố. Việc uống thuốc chống nôn khiến độc tố không thoát được ra ngoài, mà ở lại trong cơ thể, gây tác dụng ngược.

Nhiều nước đã nghiêm cấm dùng thuốc này cho trẻ dưới 12 tuổi.

4.5. Cho trẻ uống kháng sinh khi tiêu chảy

Nhiều người cho trẻ dùng kháng sinh ngay khi thấy con tiêu chảy, đau bụng, nôn. Tuy nhiên, việc uống kháng sinh chưa rõ nguyên nhân có thể dẫn đến những mối nguy cho sức khỏe của trẻ, có thể gây tiêu chảy nặng hơn, thậm chí làm gia tăng nguy cơ vi khuẩn kháng thuốc.

4.6. Cho trẻ truyền nước

Khi thấy trẻ tiêu chảy, nhiều gia đình đã cho con truyền nước tại nhà. Mặc dù việc truyền nước nhằm bổ sung nước và điện giải để điều trị và phục hồi sức khỏe nhưng nếu tự ý truyền dịch tại nhà dễ gây nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu chỉ định không đúng như trẻ bị quá tải dịch hoặc sốc phản vệ...

Chỉ nên truyền dịch tại các cơ sở y tế chuyên khoa và có chỉ định của bác sĩ.

4.7. Cho trẻ uống nước ngọt

Trẻ tiêu chảy thường dễ mất nước, khát nước... các bậc cha mẹ nên tránh cho trẻ uống nước ngọt vì có thể làm trẻ đi ngoài nhiều hơn, và mất nước nhanh hơn.

4.8. Ăn uống kiêng khem

Cho trẻ ăn uống kiêng cữ quá mức khi bị tiêu chảy sẽ làm trẻ bị suy dinh dưỡng, lâu hồi phục sức khỏe.

Răng khôn nguy hiểm như thế nào? Tại sao cần phải nhổ răng khôn?

BS. Nguyễn Hữu Thảo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tre-tieu-chay-dau-bung-non-xu-tri-the-nao-cho-dung-169230417104909492.htm