Trẻ từ mầm non sang lớp 1 dễ bị 'sốc', Hiệu trưởng gợi ý những điều quan trọng sau đây
Cô Kiều cho rằng, tình yêu thương và sự động viên của cha mẹ là nhân tố quan trọng nhất giúp trẻ hình thành sở thích học hỏi và nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới.
Trẻ bước vào lớp 1 không nhiều thì ít đều gặp những hụt hẫng và khó khăn nhất định, phần lớn do sự khác biệt về môi trường và yêu cầu học tập.
Cô Đinh Thị Kiều, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thần Sa (Võ Nhai, Thái Nguyên) nhận định: Trẻ mầm non sang lớp 1 là một bước chuyển lớn. Ở mầm non trẻ được chơi, được chạy nhảy, được vui vẻ với nhiều hoạt động. Vào cấp tiểu học, lượng kiến thức phải tiếp thu khá nhiều, trẻ thường phải ngồi cố định và tập trung trong khoảng thời gian dài hơn... khiến nhiều trẻ thấy bỡ ngỡ và nhút nhát.
Những khó khăn của trẻ có thể kể đến như: Trẻ ngại giao tiếp, ngại nói chuyện với giáo viên và bạn học; Bỡ ngỡ với không gian lớp học, cách giao tiếp, cách học chữ, làm Toán…; Trẻ không thể hoàn thành tốt các bài tập về nhà, dễ chán nản; Trẻ hay bị tác động bởi các yếu tố xung quanh, chỉ cần nghe được một tiếng động nhỏ bên ngoài cũng khiến cho quá trình học tập bị gián đoạn...
Muốn con thoải mái, trước tiên cha mẹ đừng quá áp lực
Tuy có khó khăn nhất định nhưng theo cô Kiều, trẻ em rất nhanh tiếp cận và làm quen, nhất là lứa tuổi vào lớp 1. Một số ít trẻ thiếu nhanh nhạy hơn các bạn khác thì có những hành động và kĩ năng chậm hơn nhưng một thời gian ngắn cũng sẽ "vào guồng".
Nữ hiệu trưởng chia sẻ, để giúp trẻ có tinh thần tích cực và chuẩn bị cho một chặng đường dài thật tốt, ngoài nhà trường và giáo viên, vai trò của phụ huynh cũng vô cùng quan trọng. Trước hết bố mẹ phải hiểu tâm lí của trẻ, tạo cho trẻ cảm giác thoải mái nhất, không gây áp lực trước khi đến trường để con có hứng thú học hỏi trước những kiến thức có phần mới mẻ.
"Cha mẹ có thể cùng trẻ làm những hoạt động khi bước vào lớp 1 như học số, học chữ, ghép vần để trẻ không quá bỡ ngỡ. Lưu ý, các hoạt động phải hướng đến việc vừa chơi, vừa học để trẻ hứng thú và vui vẻ. Bên cạnh đó, hướng dẫn con các kỹ năng cần thiết như đi vệ sinh, mang giày, thắt dây giày... cho con hoàn toàn tự lập trong các sinh hoạt cơ bản nhất.
Sau khi con vào học, cha mẹ có thể động viên các con mình chia sẻ các hoạt động tại trường, cùng thảo luận, xem lại bài học trong không khí thoải mái. Không áp đặt thành tích cũng không nên bao bọc trẻ.
Khi trẻ ở lớp đã mệt mỏi, về nhà cần được vui chơi, chia sẻ để cân bằng, nếu lại bị nhồi nhét, thúc ép thêm... các em sẽ càng thêm nản chí. Hãy kiên nhẫn với con. Luôn luôn khích lệ, động viên trẻ trong mọi hoạt động", cô Kiều nói.
Theo cô, tình yêu thương và sự động viên của cha mẹ là nhân tố quan trọng nhất giúp trẻ hình thành sở thích học hỏi và nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới.
Khuyến khích con tự học, tự làm lấy mọi việc liên quan đến con
Cô Kiều cho biết, nhiều phụ huynh có con học lớp 1 thường than thở bé thông minh, hiếu động nhưng khi phải tập trung học văn hóa thì bé luôn tìm cách né tránh và hay quên bài học. Điều này không phải là cá biệt.
Để cải thiện sự tập trung và khơi dậy niềm yêu thích học tập ở lứa tuổi này, phụ huynh không nên áp đặt trẻ vào khuôn khổ. Việc học tập cần lồng ghép các trò chơi giúp trẻ sáng tạo hơn, trẻ sẽ vận dụng sự thông minh nhanh nhạy có hiệu quả, đặc biệt sẽ ghi nhớ lâu hơn.
Học sinh ở trường Tiểu học Thần Sa được tham gia các hoạt động đa dạng.
Phụ huynh nên động viên con tự học, tự làm lấy mọi việc liên quan đến con. Cha mẹ không làm thay, cũng không ngồi kèm con học quá nhiều, chỉ khuyến khích và kiểm tra kết quả. Hãy cố gắng nới lỏng sự kiểm soát và chỉ giúp nếu con cần. Trong trường hợp con hỏi, cha mẹ nên giải thích cho đứa trẻ những gì không hiểu nhưng không nên làm thay để tránh con ỷ lại.
Thêm vào đó, nhiều cha mẹ thấy con viết chưa đúng ô, thiếu tập trung là la mắng nên càng làm con không thoải mái. Cho con tự làm có thể vài lần đầu kết quả không như mong đợi nhưng từ từ, trẻ sẽ tiến bộ hơn khi được cha mẹ động viên, khen thưởng kịp thời.
"Nếu có thời gian biểu thì sẽ giúp trẻ có các mốc cụ thể hơn trong các hoạt động, tuy nhiên quan trọng hơn, bố mẹ cần có không gian học tập tích cực cởi mở, sắp xếp thời gian học tập cố định, tạo ra thói quen cho trẻ, động viên khích lệ trẻ.
Lúc đó dù không có thời gian biểu cụ thể nhưng trẻ vẫn sẽ ghi nhớ được chính thời gian trẻ cần phải làm gì. Trẻ sẽ tự ý thức, trách nhiệm với nhiệm vụ mà không bị gò bó hay ép buộc. Sau một thời gian, trẻ sẽ học được cách sắp xếp kế hoạch học tập hợp lý; và rèn thói quen làm việc tập trung, nghiêm túc dù không có ai giám sát", cô Kiều cho biết.
Đối với trẻ lớp 1, ngoài việc học, nếu có điều kiện, phụ huynh cũng nên cho con tham gia các lớp học về kỹ năng xã hội, về kỹ năng sống, về âm nhạc, hội họa, các câu lạc bộ thể dục, thể thao. Lưu ý bố mẹ nên sắp xếp thời gian cho con phù hợp. Đồng thời, để giảm bớt căng thẳng bố mẹ nên hỏi ý kiến con để biết được nguyện vọng cũng như ý muốn của con.