Trên 2.500 tỷ đồng đầu tư cơ sở vật chất trường lớp tại Tiền Giang

Toàn tỉnh Tiền Giang hiện có 4.134 phòng học với 4.097 lớp; trong đó có 2.767 phòng học trên cấp 4; 1.313 phòng học cấp 4; 46 phòng học tạm và 8 phòng học mượn.

Trường Tiểu học Song Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, khang trang trước thềm năm học mới. (Ảnh: Hữu Chí/TTXVN)

Trường Tiểu học Song Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, khang trang trước thềm năm học mới. (Ảnh: Hữu Chí/TTXVN)

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tiền Giang Nguyễn Phương Toàn cho biết để chuẩn bị cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới trong năm học 2020-2021, tỉnh Tiền Giang đã đầu tư cơ sở vật chất trường học, với tổng kinh phí trên 2.500 tỷ đồng.

Toàn tỉnh hiện có 4.134 phòng học với 4.097 lớp; trong đó có 2.767 phòng học trên cấp 4; 1.313 phòng học cấp 4; 46 phòng học tạm và 8 phòng học mượn.

Tiền Giang có 6/11 địa phương có đủ số lượng phòng học để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho 100% học sinh từ khối 1 đến khối 5.

Các đơn vị còn thiếu phòng học như huyện Cai Lậy (7 phòng), huyện Cái Bè (55 phòng), thị xã Cai Lậy (14 phòng), huyện Châu Thành (15 phòng) và thị xã Gò Công (3 phòng).

Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) Phạm Hùng Thái, toàn huyện có 79 trường học (28 trường Mầm non, 28 trường Tiểu học và 23 trường Trung học cơ sở).

Để chuẩn bị cho năm học mới, bằng nguồn ngân sách của ngành Giáo dục, huyện Cái Bè đã tiến hành đầu tư sửa chữa các hạng mục như: Làm hàng rào, sơn sửa trường lớp, sân trường, nhà vệ sinh… tại các trường học với tổng kinh phí khoảng 18 tỷ đồng.

Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia trên địa bàn huyện đạt được rất nhiều kết quả khả quan. Toàn huyện có 36/79 đơn vị trường học đạt chuẩn. Huyện Cái Bè hiện đang đầu tư xây dựng 7 trường Mầm non, 1 trường Tiểu học, 1 trường Tiểu học - Trung học cơ sở, 2 trường Trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia.

Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tiền Giang, bên cạnh những thuận lợi thì khó khăn về cơ sở vật chất vẫn là vấn đề còn tồn tại của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh trong nhiều năm qua.

Để giải quyết những khó khăn, trong mỗi năm học, Phòng Giáo dục và Đào tạo các địa phương sẽ lập báo cáo, xem xét ưu tiên đầu tư đối với những trường học khó khăn về cơ sở vật chất để đầu tư trước.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã tăng cường công tác xã hội hóa, kêu gọi các cá nhân, tập thể, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội ủng hộ, đóng góp để xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học đồng bộ với lộ trình xây dựng các trường đạt chuẩn quốc gia.

Ông Nguyễn Phương Toàn đánh giá, một trong những điểm nổi bật của ngành Giáo dục tỉnh Tiền Giang thời gian qua là tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đã tăng dần qua các năm học.

Theo đó, ở bậc học mầm non có 91/186 trường đạt chuẩn; bậc học Tiểu học có 140/187 trường đạt chuẩn; bậc học Trung học cơ sở có 58/124 trường đạt chuẩn và bậc học Trung học phổ thông có 17/38 trường đạt chuẩn.

Một trong những nhiệm vụ then chốt của ngành Giáo dục tỉnh Tiền Giang đặt ra trong năm học 2020-2021 là tiếp tục thực hiện tốt việc rà soát hệ thống trường lớp, xây dựng kế hoạch duy tu, bảo dưỡng, đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đối với các trường thực hiện dạy 2 buổi/ngày; đồng thời tiếp tục thực hiện Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên./.

Hữu Chí (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/tren-2500-ty-dong-dau-tu-co-so-vat-chat-truong-lop-tai-tien-giang/661129.vnp