Trên 22 tỷ đồng hỗ trợ chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo

Ngày 22/9 tại tỉnh Đồng Tháp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Tổ chức Dự án 'Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long (TRVC)'. Đồng thời, công bố chính thức dự án tại tỉnh Đồng Tháp được viện trợ 1.425.220 AUD, tương đương 22 tỷ đồng, do Tổ chức Phát triển Hà Lan viện trợ thông qua Dự án TRVC. Lộ trình của dự án năm 2023-2027.

Thu hoạch lúa Đông Xuân tại tỉnh Hậu Giang. Ảnh (tư liệu): Duy Khương/TTXVN

Thu hoạch lúa Đông Xuân tại tỉnh Hậu Giang. Ảnh (tư liệu): Duy Khương/TTXVN

Dự án TRVC hỗ trợ quá trình chuyển đổi sản xuất và kinh doanh lúa gạo theo hướng tăng trưởng xanh, đa giá trị và đáp ứng các nhu cầu cấp thiết cho sự phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời, hiện thực hóa mục tiêu quốc giá về giảm phát khí thải nhà kính.

Bà Trần Thu Hà - Giám đốc Dự án TRVC chia sẻ, thông qua dự án và sự vào cuộc của các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị lúa gạo, Dự án TRVC tạo ra các chất xúc tác hữu hiệu, mang tính tiên phong để thúc đẩy doanh nghiệp tổ chức vùng nguyên liệu lúa gạo liên kết theo hướng bền vững, đa giá trị. Từ đó, mang lại lợi ích kinh tế-xã hội và môi trường cho khoảng 200 nghìn nông hộ. Cùng đó, tạo tiền đề cho việc chứng nhận tín chỉ carbon, sẵn sàng cho giao dịch khi thị trường tín chỉ carbon tự nguyện được vận hành thí điểm năm 2025 và chính thức hoạt động từ năm 2028.

Ông Nguyễn Văn Vũ Minh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết: việc phát triển ngành hàng lúa gạo thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải là xu hướng tất yếu trong thời gian tới và nâng cao năng lực cạnh tranh của lúa gạo Việt Nam. Do đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp đã chủ động phối hợp Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV tại Việt Nam trình UBND tỉnh phê duyệt tiếp nhận Dự án TRVC.

Đồng Tháp có tổng diện tích đất nông nghiệp là 277.122 ha, chiếm 81,93% tổng diện tích tự nhiên; là tỉnh trọng điểm về sản xuất nông nghiệp với sản lượng lúa gạo đứng trong nhóm dẫn đầu cả nước.

Ngành hàng lúa gạo là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực của tỉnh, có diện tích gieo trồng khoảng 494 nghìn ha; sản lượng hàng năm khoảng 3,3 triệu tấn; tỷ lệ nhóm giống chất lượng cao đạt 69,6%. Để cụ thể hóa mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, tỉnh Đồng Tháp đã đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham gia Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long” với diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao đến năm 2025 là 70.000 ha, đến năm 2030 là 163.000 ha. Riêng vụ Đông Xuân 2023 - 2024, tỉnh Đồng Tháp đảm bảo các tiêu chí tham gia đề án với tổng diện tích là 40.955 ha.

Trong thời gian tham gia Dự án TRVC, các doanh nghiệp được tham gia giải thưởng của dự án trong sản xuất, kinh doanh chuỗi giá trị lúa gạo; ứng dụng quy mô lớn các công nghệ sản xuất lúa tiến bộ mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho các nông hộ nhỏ và tác nhân trong chuỗi, nâng cao chất lượng lúa gạo, giảm phát thải khí nhà kính.

Nguyễn Văn Trí (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/tren-22-ty-dong-ho-tro-chuyen-doi-chuoi-gia-tri-lua-gao-20230922182604010.htm