Trên tuyến đầu chống dịch (kỳ cuối)

Cán bộ y tế xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa) hướng dẫn người dân khai báo y tế tại Trạm Y tế. Ảnh: YÊN LAN

Kỳ cuối: “Thành trì” tuyến cơ sở và chuyện từ các khu cách ly

Đến thời điểm này, Phú Yên chưa có ca bệnh trong cộng đồng. Kết quả đó có công sức rất lớn của lực lượng y tế tuyến cơ sở - những người đã làm việc bất kể ngày đêm, bất kể nắng mưa để nhà nhà, người người được bình an trước đại dịch.

Thầm lặng giữ vững “thành trì”

Theo thông tin từ Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Phú Yên, tính đến 17 giờ ngày 26/2, đã có hơn 75.800 người được giám sát y tế. Riêng từ ngày 4/2 (23 tháng Chạp) đến 16/2 (mùng 5 Tết), trong hàng vạn người đi học, đi làm ở các tỉnh thành trở về Phú Yên đón Tết, hơn 45.700 người được giám sát y tế. Con số đó phần nào cho thấy khối lượng công việc “khủng” của y tế tuyến cơ sở trong giai đoạn cao điểm phòng chống COVID-19 vừa qua. Vất vả hơn cả có lẽ là lực lượng y tế TP Tuy Hòa - địa phương đông dân cư, đầu mối giao thông, có nhiều cơ sở lưu trú…; huyện Tây Hòa - nơi có rất nhiều người đi mưu sinh tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương; huyện Sơn Hòa - địa phương giáp ranh với tỉnh Gia Lai - nơi đã có những ổ dịch…

Tại Tây Hòa, lực lượng y tế miệt mài làm việc khi xuân về Tết đến. Theo Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tây Hòa Nguyễn Văn Hiên, có thời điểm, trong một ngày đêm, gần 200 người đến bót sàng lọc của trung tâm khai báo y tế. Đêm 29 tháng Chạp, hơn 100 người đến khai báo. Mùng 1, mùng 2 Tết vẫn có người đến khai báo sau khi vượt mấy trăm cây số về quê bằng xe máy. Chính vì vậy, trong dịp Tết, bót sàng lọc và các trạm y tế đều phân công trực 24/24 để hướng dẫn bà con khai báo. Các tổ phản ứng nhanh, tổ xử lý dịch lưu động, y bác sĩ khám sàng lọc… luôn trong tư thế sẵn sàng, nếu phát hiện trường hợp có yếu tố dịch tễ hoặc có triệu chứng nghi ngờ thì kịp thời xử trí.

Vào một ngày giáp Tết, có hai người dân Tây Hòa từ TP Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) trở về, đi khai báo y tế. Hai ngày sau, hệ thống CDC báo rằng những người này đã tiếp xúc gần với một ca bệnh ở Thủ Dầu Một. Họ lập tức được đưa vào khu cách ly tập trung của huyện; lực lượng phòng chống dịch nắm danh sách F2 gồm hơn 20 người đi cùng xe khách từ TP Hồ Chí Minh về Phú Yên và hơn 10 người trong gia đình, tiến hành cách ly tại nhà. Trung tâm Y tế huyện lập hai tổ giám sát việc tuân thủ cách ly tại nhà, đảm bảo công tác phòng chống dịch. Khi hai trường hợp trên có kết quả xét nghiệm âm tính lần 2, việc cách ly tại nhà mới kết thúc.

Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Tây Hòa, từ cuối tháng 1 đến ngày 23/2, trong vòng chưa đầy một tháng, trên địa bàn huyện có 9.355 người được giám sát y tế, gồm 71 người cách ly tập trung, 229 người cách ly tại nhà, hơn 9.000 người tự theo dõi sức khỏe hàng ngày. “Vất vả nhất là nhân viên y tế làm việc tại bót sàng lọc và lực lượng y tế xã trong thời điểm bà con tấp nập về quê vào những ngày cận Tết”, BSCKI Nguyễn Văn Hiên cho biết.

Tại Hòa Đồng, có những ngày trạm y tế xã có đến 250-300 người tới khai báo y tế. 9 cán bộ, nhân viên trạm y tế luân phiên trực, hướng dẫn bà con khai báo và tiếp nhận thông tin. Những người không tự giác thì nhân viên y tế phối hợp với các lực lượng khác đến nhà, vận động bà con khai báo. “Vì lo lắng về dịch bệnh, nhiều bà con đi về quê bằng xe máy, đến nơi không có giờ giấc cố định nên nhân viên y tế làm việc cũng không theo giờ giấc, ban ngày cũng như ban đêm đều có người trực. Thêm vào đó, trong những ngày giáp Tết, nhiều người tranh thủ đến trạm y tế khám bệnh để tránh phải đi khám lúc đầu năm. Trạm bố trí nhân lực, vừa khám chữa bệnh cho bà con vừa thực hiện công tác phòng chống dịch”, Trạm trưởng Hà Thị Huệ cho biết. Tính ra, trong dịp Tết vừa rồi, tại Hòa Đồng có 1.410 trường hợp được giám sát y tế, trong đó có 11 trường hợp cách ly tập trung, 33 trường hợp cách ly tại nhà. Gắn bó với nghề y từ năm 1992, y sĩ Hà Thị Huệ nói rằng Tết Tân Sửu là cái tết vất vả nhất. “Càng về cuối năm, bà con về quê càng đông, lo nhất là có ca dương tính. Vất vả nhưng vui là đa số bà con nhận thức được nên tự giác đến khai báo y tế, chúng tôi nắm bắt thông tin kịp thời về các trường hợp cần cách ly”, chị Huệ chia sẻ.

Chuyện bây giờ mới kể

Trở lại với hai ca F1 về từ Thủ Dầu Một, bác sĩ Hiên cho biết đến sáng 23/2, sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính lần thứ tư, việc cách ly mới kết thúc và tổ y tế làm việc tại khu cách ly tập trung của huyện được “xả trại”.

Y sĩ Vũ Hoàng Cưng (Khoa Khám bệnh, Trung tâm Y tế huyện Tây Hòa), một trong những nhân viên y tế vừa đón Tết trong khu cách ly tập trung, chia sẻ: “Tham gia chống dịch, mình cảm thấy tự hào nhưng cũng rất nhớ nhà khi không được ăn Tết ở nhà. Được giao nhiệm vụ thì phải làm cho tốt”.

Y sĩ này mới kết hôn; sau khi cưới vợ khoảng 10 ngày thì nhận nhiệm vụ chống dịch. Đêm giao thừa, anh gọi điện về nhà. Vợ nói “Tưởng đâu Tết này được đi dạo phố, xem chợ hoa với chồng, ai ngờ vừa mới cưới xong thì chồng “bỏ đi”. Anh Cưng động viên vợ, nói hoàn thành nhiệm vụ thì về.

Hiểu được cảm giác của các nhân viên y tế làm nhiệm vụ trong những thời khắc đặc biệt nên ngoài nguồn của UBND huyện, Trung tâm Y tế huyện cũng rất quan tâm, động viên anh em. Đặc biệt, cán bộ, nhân viên ở trung tâm đã tự nguyện đóng góp, khích lệ tinh thần các đồng nghiệp đang ở tuyến trước.

Trong dịp Tết vừa qua, không chỉ tổ của y sĩ Cưng mà một số thầy thuốc khác cũng có những kỷ niệm khó quên. Bác sĩ Trình Quốc Tín (sinh năm 1995, làm việc tại Khoa Ngoại tổng quát, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên) đón Tết ở nơi rất đặc biệt: khu cách ly y tế điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 (khu dương tính). Đêm giao thừa, bác sĩ Tín trực tại đây cùng điều dưỡng Ngọc Hiền và hộ lý Vinh. Từ Hòa Thắng (huyện Phú Hòa), ba mẹ bác sĩ Tín gọi điện cho con trai, nói “Ở nhà đã chuẩn bị bánh trái, giờ con đi… Bánh trái không biết để cho ai”. Và họ nhắc con tự chăm sóc sức khỏe. “Lúc đó rất nhiều cảm xúc, không thể nào diễn tả thành lời”, bác sĩ Tín chia sẻ. Sáng mùng 1 Tết, ê kíp của bác sĩ Tín giao ca trực cho ê kíp khác, lên xe cứu thương, trở về khách sạn để cách ly.

Thầm lặng trong cuộc chiến với SARS-CoV-2, những người làm nhiệm vụ ở khu dương tính rất nhớ nhà khi không thể ở bên người thân trong khoảng thời gian đặc biệt. Con trai đậu đại học, hộ lý Đặng Thị Thu (Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, đã 2 đợt nhận nhiệm vụ tại khu dương tính) không thể về nhà chuẩn bị cho con trước khi con vô TP Hồ Chí Minh nhập học. “Lúc đó buồn lắm. Trước khi lên xe, con đến khách sạn (nơi chị Thu cùng kíp trực cách ly - PV). Con đứng ở ngoài, mẹ đứng ở trong, khóc”, chị Thu kể, mắt đỏ hoe. Khi con chị về thăm nhà cũng không thể gặp mẹ.

BSCKII Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch tỉnh Phú Yên nói rằng lực lượng y tế ở tuyến đầu, trong đó có các bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý ở khu dương tính đã thầm lặng hy sinh cho công cuộc phòng chống đại dịch. “Những sự kiện quan trọng của gia đình, họ không có mặt. Đơn cử như bác sĩ Nguyễn Thành Lãm. Khi con đi thi, anh ấy không có mặt để động viên; con đi học cũng không tiễn được, vì đã nhận nhiệm vụ ở khu dương tính”, bác sĩ Mộng Ngọc cho biết. Thời gian qua, những người như bác sĩ Lãm, hộ lý Thu… có rất ít thời gian dành cho gia đình. Thấu hiểu sự hy sinh đó, lãnh đạo bệnh viện luôn quan tâm, động viên. Vào dịp sinh nhật bác sĩ Lãm, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên Phạm Hiếu Vinh đã mang hoa của Ban Giám đốc và quà sinh nhật đến, đứng bên ngoài khu cách ly dương tính. Khi bác sĩ Lãm xuất hiện, từ khoảng cách hơn 2m, bác sĩ Vinh chúc mừng đồng nghiệp của mình…

*

Khi tôi thực hiện loạt bài này, Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2) đã cận kề. Đây là năm thứ hai các thầy thuốc gác lại ngày lễ trọng của mình, của nghề, dốc sức phòng chống đại dịch COVID-19. Loạt bài thay lời cảm ơn của tôi, của nhân dân Phú Yên vừa được đón cái Tết an toàn bên người thân, bên gia đình gửi đến những người thầy thuốc bình dị, tận tụy và quả cảm trên tuyến đầu chống dịch.

PHƯƠNG TRÀ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/252786/tren-tuyen-dau-chong-dich-ky-cuoi.html