Tri ân bằng những việc làm thiết thực

Thể hiện đạo lý 'Uống nước nhớ nguồn' và giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, tỉnh tranh thủ nhiều nguồn lực từ Trung ương đến địa phương xây dựng, trùng tu, sửa chữa các di tích lịch sử, nghĩa trang liệt sĩ (NTLS), nhà bia ghi tên liệt sĩ,...

Một góc Nghĩa trang Liệt sĩ liên huyện Vĩnh Hưng - Tân Hưng

Một góc Nghĩa trang Liệt sĩ liên huyện Vĩnh Hưng - Tân Hưng

Nâng cấp, tu bổ nghĩa trang liệt sĩ

Năm 1990, NTLS liên huyện Vĩnh Hưng - Tân Hưng, tỉnh Long An được xây dựng tại thị trấn Vĩnh Hưng. Hàng năm, nơi đây tiếp nhận hàng trăm hài cốt liệt sĩ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế. Cụ thể, trải qua 17 giai đoạn tìm kiếm, cất bốc, tỉnh quy tập, cất bốc được hơn 2.000 bộ hài cốt liệt sĩ. Đến nay, NTLS là nơi an nghỉ của hơn 3.000 liệt sĩ, trong đó có nhiều liệt sĩ là chiến sĩ tình nguyện Việt Nam chiến đấu và hy sinh trên nước bạn Campuchia. Dự kiến thời gian tới, NTLS liên huyện Vĩnh Hưng - Tân Hưng sẽ đón thêm nhiều hài cốt liệt sĩ nên cần được trùng tu, mở rộng. Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng - Trần Văn Cường cho biết: “Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh về nâng cấp, cải tạo NTLS, UBND huyện triển khai, thực hiện đầu tư nâng cấp tượng đài; ốp đá các khu mộ A, B, C, D, E, F, G, H với trên 3.000 mộ; cải tạo hệ thống sân, đường thoát nước; cổng, hàng rào, hồ nước, hệ thống điện chiếu sáng; chỉnh trang hệ thống cây xanh và khuôn viên phía trước nghĩa trang với tổng kinh phí trên 44,8 tỉ đồng. Việc chỉnh trang nhằm thể hiện sự tri ân của thế hệ hôm nay đối với những người đã ngã xuống cho nền hòa bình, độc lập dân tộc và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả”.

Thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay, toàn tỉnh có 10 NTLS với 25.659 ngôi mộ. Ngoài NTLS liên huyện Vĩnh Hưng - Tân Hưng được trùng tu, sửa chữa, năm 2021, UBND tỉnh còn phân bổ kinh phí công tác mộ và NTLS, với tổng số tiền 13,5 tỉ đồng, trong đó cải tạo, nâng cấp Đài tưởng niệm huyện Thủ Thừa 1 tỉ đồng; Nhà bia ghi tên liệt sĩ xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường 200 triệu đồng,… Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Hồng Mai chia sẻ: “Hiện nay, tất cả NTLS trên địa bàn tỉnh đều được trùng tu, sửa chữa khang trang, sạch đẹp. Hàng năm, các NTLS đón hàng ngàn lượt người đến thăm viếng, thắp nhang. Việc trùng tu, sửa chữa các NTLS không chỉ thể hiện sự tri ân mà còn góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ”.

Nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cơ quan chính trị Quân khu (QK) 8 tập hợp nhiều cán bộ, trí thức, văn nghệ sĩ nổi tiếng vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, bám sát chiến trường, đơn vị, đóng góp vào thành tích chung của QK và cả nước. Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, năm 1976, theo chỉ thị của cấp trên, QK8 và QK9 sáp nhập, lấy phiên hiệu QK9. Nhằm đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, Ban Liên lạc Cơ quan Chính trị QK8 xây dựng Nhà bia truyền thống và Nhà truyền thống Cơ quan Chính trị QK8 với diện tích gần 150m2 tại ấp Chánh A, xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh, trưng bày hàng trăm hình ảnh, hiện vật của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp từ năm 1946-1954 và chống đế quốc Mỹ từ năm 1954-1975, xuất bản sách lịch sử Cơ quan Chính trị QK8 giai đoạn 1946-1976, với tổng kinh phí gần 2 tỉ đồng từ nguồn xã hội hóa. Sau khi xây dựng hoàn thành, Nhà truyền thống Cơ quan Chính trị QK8 được công nhận là Khu di tích lịch sử cấp tỉnh.

Nhà truyền thống Cơ quan Chính trị Quân khu 8 là nơi sinh hoạt của đoàn viên, thanh niên xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh. (Ảnh tư liệu)

Nhà truyền thống Cơ quan Chính trị Quân khu 8 là nơi sinh hoạt của đoàn viên, thanh niên xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh. (Ảnh tư liệu)

Từ khi Nhà truyền thống Cơ quan Chính trị QK8 được đưa vào sử dụng, cứ đều đặn mỗi tháng 1 lần, đoàn viên, thanh niên xã Nhơn Ninh đến dọn vệ sinh và tổ chức các buổi sinh hoạt Đoàn. Hoạt động này không chỉ giúp đoàn viên, thanh niên tìm hiểu về lịch sử của địa phương mà còn đa dạng hình thức sinh hoạt Đoàn. Bí thư Đoàn xã Nhơn Ninh - Võ Tiền Phong thông tin: “Ngoài tổ chức sinh hoạt chi đoàn tại khu di tích, Đoàn xã còn tổ chức cho chi đoàn 4 trường học trên địa bàn luân phiên đến tham quan, tìm hiểu về truyền thống tại khu di tích. Tùy theo điều kiện cụ thể từng trường mà các trường đăng ký thời gian, số lượng đoàn viên, học sinh tham gia viếng khu di tích để Đoàn xã chủ động sắp xếp. Học sinh, đoàn viên, thanh niên rất hứng thú với hoạt động này”.

Việc đầu tư kinh phí xây dựng, sửa chữa, tu bổ các khu di tích lịch sử, NTLS, nhà bia ghi tên liệt sĩ,… là việc làm thiết thực, vừa thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, vừa giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ./.

Kim Ngọc

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tri-an-bang-nhung-viec-lam-thiet-thuc-a119947.html