Trị 'bệnh' bảo thủ ở Quản Bạ
Để chữa trị 'bệnh' bảo thủ, trông chờ, ỷ lại, các cấp ủy đảng, chính quyền huyện vùng cao Quản Bạ (Hà Giang) sử dụng hình thức tuyên truyền đa dạng, phù hợp với phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng thời phát huy vai trò đi trước, mở đường, nêu gương, làm mẫu của cán bộ, đảng viên.
Tuyên truyền từ chợ phiên đến hộ gia đình
Thứ ba hằng tuần là đến chợ phiên xã Lùng Tám. Chị Đào Thị Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã dậy sớm hơn thường lệ, cùng đội tuyên truyền của xã chuẩn bị sân khấu nhỏ tại chợ. Mùa hè, người dân ở đây đi chợ rất sớm, khoảng 5 giờ sáng chợ đã đông nghịt. Đến 7 giờ, bà con các xã lân cận như Thái An, Đông Hà, Bát Đại Sơn, Cán Tỷ đều có mặt. Lựa lúc chợ đông nhất, nhóm tuyên truyền viên xã Lùng Tám tổ chức tuyên truyền, hôm thì về phòng, chống nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, hôm khác về chính sách hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19, toàn những vấn đề “nóng” mà người dân quan tâm. Chương trình có những tiết mục văn nghệ, tiểu phẩm và đố vui có thưởng, không khí rất náo nhiệt. Phần thưởng chủ yếu là sim, card điện thoại do các công ty viễn thông tài trợ. Còn văn nghệ “cây nhà lá vườn” nên kinh phí không đáng là bao.
Từ khi Huyện ủy Quản Bạ chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chị Hà trở thành tuyên truyền viên nòng cốt của xã Lùng Tám. Là người dân tộc H’Mông, chị hiểu rõ phong tục, tập quán, suy nghĩ của người dân bản địa, cho nên cách nói, cách làm của chị rất được lòng người dân. Chị Hà cho biết, từ ngày đổi mới hình thức tuyên truyền, vận động, nhận thức của người dân miền núi thay đổi rất nhiều. Xã Lùng Tám có hơn 90% dân số là người H’Mông, nhiều người đã biết vay vốn ngân hàng, nuôi trâu, bò nhốt, uống rượu ít hơn. Xã còn ba thôn trên núi cao chưa có điện lưới là Lùng Hóa, Lùng Tám Cao và Mỏ Nhà Cao, người dân bảo nhau góp tiền kéo điện từ thôn vùng thấp lên đến từng nhà.
“Bệnh” bảo thủ, trông chờ, ỷ lại cùng thói lười biếng, trì trệ ở vùng cao đã nói nhiều nhưng chuyển biến rất ít. Xác định rõ điều đó, trong nhiệm kỳ 2015-2020, Huyện ủy Quản Bạ ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, coi việc đả thông tư tưởng cán bộ và nhân dân là khâu đột phá để thay đổi tình hình. Năm 2016, Huyện ủy thông qua Đề án nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền giai đoạn 2016 - 2020. Năm 2018, Ban Thường vụ Huyện ủy ra Chỉ thị yêu cầu đảng viên phải gương mẫu, tiên phong phát triển kinh tế, tuân thủ pháp luật, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, yêu cầu mỗi đảng viên phải đăng ký ít nhất một mô hình để thực hiện; đảng viên là hộ nghèo phải phấn đấu sớm thoát nghèo. Cùng năm, Huyện ủy ban hành nghị quyết về nâng cao nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân, xóa bỏ tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại với nhiều chỉ tiêu. Cụ thể như: Hằng năm giảm từ 6% số hộ nghèo trở lên; đến năm 2020 có 99% số hộ đảng viên không nằm trong diện hộ nghèo và 95% không nằm trong diện hộ cận nghèo. Kiên trì thực hiện chủ trương này, năm 2019, Huyện ủy tiếp tục ban hành Đề án nâng cao hiệu quả tuyên truyền thực hiện các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới và chống tư tưởng bảo thủ, bằng lòng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân giai đoạn 2019 - 2024.
Các cấp ủy đảng, chính quyền tăng cường tuyên truyền chống “bệnh” bảo thủ, trông chờ, ỷ lại, bằng lòng với hiện tại, không nỗ lực vươn lên. Các buổi tuyên truyền và loa phát thanh sử dụng nhiều thứ tiếng như tiếng phổ thông, tiếng H’Mông, tiếng Dao. Trong thời gian giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19, không được tụ tập đông người, các xã, thôn chuyển sang tuyên truyền trên loa và đến từng nhà dân. Anh Dương Đức Thắng, Bí thư Chi bộ - Trưởng thôn Nà Sài, xã Đông Hà nhớ lại: Thôn Nà Sài có 158 hộ chủ yếu là người H’Mông, thiếu đất sản xuất, thiếu lao động, thiếu nước, nghĩ mãi không biết lấy cái gì để đột phá. Cái khó ló cái khôn, thanh niên trong thôn rủ nhau “đi công ty” (đi làm ăn xa ở các khu công nghiệp ngoài tỉnh), khi về nhiều người có tiền, biết nghĩ xa hơn. Đến nay thôn có hơn 100 người đi làm ăn xa. Những người ở lại thôn cũng nghĩ cách làm ăn mới. Đất trồng ngô thì trồng xen bí và dưa, đất trồng lúa thì trồng xen khoai tây, rau, đậu. Đời sống của người dân tốt hơn trước nhiều. Xã Đông Hà đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2015 và đặt mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao trong nhiệm kỳ tới. Nếu không tuyên truyền mạnh về ý thức tự lực, không chủ động tìm tòi cách làm kinh tế thì xã khó có kết quả tốt như thế.
Cán bộ, đảng viên nêu gương làm trước
Chống “bệnh” bảo thủ, trì trệ là công việc vô cùng khó ở vùng cao, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Chu Thị Mai Yên rút ra điều này sau nhiều năm gắn bó với vùng đất Quản Bạ, nơi chung sống của 14 dân tộc anh em. Quản Bạ có tới 60% dân số là người H’Mông, 14% là người Dao, 11% là người Tày. Nhiều phong tục, tập quán lâu đời được duy trì đến ngày nay, tạo nên bản sắc văn hóa không thể pha trộn. Song, bên cạnh đó, tư tưởng trông chờ, ỷ lại, thụ động, không muốn thay đổi khiến cho Quản Bạ vẫn là một trong những địa phương nghèo nhất nước. Nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý và đảng viên yếu kém về năng lực quản lý, tham mưu, thực hiện. Một bộ phận dân cư lười lao động, không muốn thay đổi tập quán canh tác, chăn nuôi. Thậm chí có những hộ dân không muốn thoát nghèo, để được hưởng hỗ trợ hộ nghèo.
Mục tiêu đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền được ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ qua. Các xã, thôn áp dụng nhiều kiểu tuyên truyền như họp thôn, sân khấu hóa tại chợ, phát thanh trên loa, phát tờ rơi và nhất là sử dụng “loa kéo” (cách nói của người dân vùng cao để chỉ những chiếc xe máy chở loa không dây luồn lách vào từng ngõ xóm). Xe loa dừng ở đâu, người lớn, trẻ nhỏ quây lại đến đó, tuyên truyền viên tranh thủ giải đáp thắc mắc của người dân. Đối với những hộ dân sống rải rác trên triền núi cao thì tuyên truyền viên đến tận nhà hướng dẫn, giải thích, vận động. Huyện và xã cũng tranh thủ hơn 100 người có uy tín vận động nhân dân chống thói lười lao động, uống rượu say. Những người lao động đi làm ăn xa, học sinh phổ thông dân tộc bán trú cũng trở thành những tuyên truyền viên ở thôn và gia đình. Tài liệu, sách, báo được luân chuyển giữa các trường THCS. Nhờ tuyên truyền tốt, người dân đã thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Đồng chí Yên mong muốn huyện có thêm kinh phí để duy tu, sửa chữa, nâng cấp hệ thống phát sóng phát thanh FM không dây, lắp đặt thêm bảng điện tử và in ấn tờ rơi. Tất cả các hộ gia đình vùng cao đều có điện thoại thông minh thì việc tuyên truyền, thông tin sẽ kịp thời hơn, nhất là khi xảy ra thiên tai, cháy rừng.
Huyện ủy rất chú trọng tuyên truyền qua mô hình cụ thể, qua hướng dẫn “cầm tay chỉ việc” và nhất là sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Mỗi cơ quan, đơn vị trong huyện đều đăng ký giúp một đến hai hộ dân thoát nghèo. Văn phòng Huyện ủy Quản Bạ giúp thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu, xây dựng nông thôn mới. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giúp đỡ các xã, hợp tác xã triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm… Thứ bảy hằng tuần cán bộ, công chức huyện về sinh hoạt, lao động với dân, hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, cách làm du lịch, giúp các xã, thôn xây dựng nông thôn mới. Đến nay, xã nào cũng xuất hiện những mô hình sản xuất mới, những cách làm hiệu quả. Khu vực nông thôn xuất hiện nhiều đảng viên làm kinh tế giỏi như ông Hạng Mí Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Cán Tỷ nuôi nhiều bò, ông Sùng Cồ Sinh, xã Tùng Vài nuôi gà đen, bà Vũ Thị Châm, xã Quyết Tiến trồng sau sạch trong nhà lưới, hay đảng viên trẻ Sùng Mí Giàng, xã Thái An nuôi chim, nuôi dê số lượng lớn. Những đoàn thể đi đầu trong “cuộc chiến” chống bảo thủ, trông chờ là Hội Cựu chiến binh và Hội Phụ nữ. Cựu chiến binh Ly Mí Sì ở thôn Sán Trồ, xã Bát Đại Sơn không những thành công với mô hình nuôi bò vỗ béo mà còn hỗ trợ vốn giúp các hộ nghèo phát triển kinh tế...
Nhìn lại kết quả sau bốn năm vừa tuyên truyền, vừa tập trung xây dựng các mô hình sản xuất, Bí thư Huyện ủy Quản Bạ Hoàng Đình Phới tâm đắc: Nhận thức đã chuyển biến rõ, người dân chủ động, chăm chỉ hơn và năng động hơn. Trước đây, mỗi khi gió bão nhiều ngôi nhà lợp prô-xi-măng bị tốc mái, dân cứ kệ, chờ chính quyền đến sửa. Thậm chí khi xảy ra lũ ống, có cặp vợ chồng cứ ngồi trên giường chờ người khác đến khiêng đi. Từ khi huyện ra nghị quyết, tuyên truyền mạnh, yêu cầu cán bộ, đảng viên làm trước thì tình hình khác hẳn. Cán bộ, công chức chủ động hơn trong công việc, tích cực tham mưu và tham mưu có hiệu quả hơn. Nhiều hộ dân tự mua vật tư về chằng chống nhà cửa, khơi thông cống rãnh, khi gió bão không còn lo sập nhà. Người lao động đi làm việc ở các khu công nghiệp ngoài tỉnh cũng tác động mạnh đến nhận thức của người dân, nhất là cách nghĩ, cách làm, tư duy công nghiệp. Nay nhiều người dân biết trồng cỏ nuôi bò, trồng ngô lai, dược liệu. Năm 2015, thôn Nặm Đăm ở xã Quản Bạ chỉ có một nhà làm homestay, nay có đến 58 nhà homestay.
Nhờ đổi mới công tác tuyên truyền, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng đã đi vào lòng dân Quản Bạ, đem lại hiệu quả thiết thực về kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng biên. Các chương trình, phong trào do huyện phát động đều nhận được sự đồng tình hưởng ứng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, qua đó củng cố đoàn kết trong mỗi cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Từ thành công ban đầu nhưng rất quan trọng này, Đảng bộ huyện Quản Bạ được chọn tổ chức đại hội điểm cấp huyện của tỉnh Hà Giang, như là minh chứng cho những nỗ lực, quyết tâm vượt khó đi lên của cán bộ và nhân dân ở vùng phên dậu của Tổ quốc.