Trị bệnh 'nhất ngồi lỳ, nhì biểu quyết'

Thực tế cho thấy, c ác chi, đảng bộ và các đồng chí trong cấp ủy đều mong muốn thường xuyên tổ chức được các buổi sinh hoạt chi bộ chất lượng, hiệu quả, có tác dụng tích cực với từng đảng viên. Tuy nhiên, trong các buổi sinh hoạt chi bộ không phải là không còn tình trạng nhiều đảng viên 'mũ ni che tai', 'an phận thủ thường' theo kiểu 'nhất ngồi lỳ, nhì biểu quyết' rất cần phải góp ý, phê bình và lên án...

Nhiều đảng viên tham dự sinh hoạt chi bộ ít phát biểu, chủ yếu... đồng ý suông. Kết thúc sinh hoạt, đảng viên không được truyền thêm cảm hứng, lúng túng trong việc cụ thể hóa thành các nhiệm vụ, hành động có tác dụng tích cực cho bản thân, tổ chức. Vẫn còn một số nơi trong mỗi kỳ sinh hoạt chi bộ phần thảo luận còn trầm lắng, ít ý kiến hoặc chỉ tập trung vào một số đảng viên tích cực. Không ít đảng viên có tâm lý ngại phát biểu, ngại va chạm, dĩ hòa vi quý, chưa thể hiện rõ chính kiến của mình.

Qua trao đổi, mạn đàm cho thấy: Ở một số chi bộ, tinh thần tự phê bình và phê bình vẫn còn hạn chế, chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của đảng viên, tính đấu tranh, phê bình của đảng viên còn yếu, nhiều đảng viên né tránh, không dám góp ý, phê bình đảng viên là cán bộ lãnh đạo. Có tình trạng, nhiều đảng viên trẻ ít tham gia phát biểu ý kiến, một số chi bộ còn chưa khơi dậy được tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ, còn nể nang, ngại va chạm. Trong sinh hoạt chi bộ, các ý kiến tham gia thảo luận vẫn chỉ tập trung vào một số gương mặt quen thuộc, những đảng viên khác ngại phát biểu, e dè, chưa thể hiện rõ quan điểm, chính kiến của mình...

Nguyên nhân tình trạng “nhất ngồi lỳ, nhì biểu quyết” của không ít đảng viên tựu trung lại vẫn là do lười nghiên cứu, học tập nghị quyết, các tài liệu, văn bản liên quan đến nội dung sinh hoạt chi bộ hoặc nghiên cứu chưa sâu về nội dung sinh hoạt chi bộ, thiếu trách nhiệm trong tham gia ý kiến xây dựng với chi bộ. Có đảng viên mang tâm lý góp ý thì sợ sai, sợ người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị và còn do chính nhận thức của đảng viên chưa đầy đủ về việc tham gia ý kiến đóng góp với chi bộ, về nội dung chi bộ bàn bạc, thảo luận.

Nhằm đảm bảo tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu trong sinh hoạt chi bộ, mỗi đảng viên trong chi bộ cần phải nêu gương và có trách nhiệm đóng góp ý kiến, tích cực thảo luận “hiến kế” với chi bộ trong các kỳ sinh hoạt, đồng thời kiên quyết chống bệnh thành tích, nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh. Từ đó giúp chi bộ phát huy được sức mạnh, trí tuệ của cả tập thể, ban hành các nghị quyết, kết luận lãnh đạo các nhiệm vụ chính trị có trọng tâm, sát thực tế, góp phần trị tận gốc căn bệnh nguy hiểm “nhất ngồi lỳ, nhì biểu quyết” của nhiều đảng viên hiện nay.

Minh Tự

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/tri-benh-nhat-ngoi-ly-nhi-bieu-quyet-218871.htm