Trí 'hữu cơ' ươm mầm hy vọng ở Măng Đen

Ở xứ Măng Đen này, chẳng ai gọi anh là Nguyễn Trọng Trí, mọi người chỉ thích gọi là Trí 'hữu cơ'. Ở tuổi 35, gần 10 năm gắn bó với nông nghiệp sạch, kể từ ngày bỏ phố về quê, từng bị 'coi như là kẻ thất bại', Trí đã bước qua đủ sỏi đá, chông gai để có được thành công hiện tại.

Sương muối có lẽ là nỗi ám ảnh lớn nhất của những người làm nông nghiệp ở Măng Đen (Kon Plông, Kon Tum). Cả khu trồng rau củ đang xanh tốt, chỉ một trận sương muối là có thể “đi tong” vì cây bị bỏng lạnh. Chính vì thế, khi khởi nghiệp, Trí cùng nhóm cộng sự bắt đầu với mô hình thủy canh.

Chọn làm nông nghiệp sạch

Thủy canh trong nhà kính tránh được thời tiết xấu, giảm sâu bệnh, tăng năng suất, tuy nhiên rất tốn kém và đặc biệt là gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái (gây hiệu ứng nhà kính, giảm mực nước ngầm). Vì vậy, Trí quyết định chuyển hướng sau 2 năm thực hiện dự án.

“Trong 2 năm, dự án trồng rau bằng công nghệ thủy canh của nhóm chúng tôi từ một mô hình nhỏ có số vốn vỏn vẹn 20 triệu đồng (4 người, mỗi người góp 5 triệu đồng) đã có chuyển biến lớn, doanh thu mỗi năm trên 1 tỷ đồng. Nhưng tôi lờ mờ nhận ra nó không bền vững”, Trí kể.

Trong lúc mông lung, bước ngoặt khiến Trí quyết tâm thay đổi cách làm là khi tình cờ đọc được triết lý làm nông nghiệp của người Nhật trong cuốn sách "Cuộc cách mạng một cọng rơm". Không thể thuyết phục nhóm của mình từ bỏ mô hình cũ, Trí tách ra làm riêng.

Năm 2017, Trí một lần nữa xuất phát lại từ đầu. Dựa trên những triết lý làm nông nghiệp của người Nhật, cùng với kinh nghiệm trước đó, anh thiết lập kế hoạch tài chính, nghiên cứu tài liệu thêm rồi lập ra một dự án khả thi nhất theo hiểu biết của bản thân.

Nguyễn Trọng Trí chấp nhận thử thách lớn để làm nông nghiệp sạch thuần túy.

Nguyễn Trọng Trí chấp nhận thử thách lớn để làm nông nghiệp sạch thuần túy.

Trong 6 tháng cuối năm 2017, Trí thuê 2 ha đất để thực nghiệm phương pháp canh tác nông nghiệp thuận tự nhiên, với sự giúp đỡ của Avital - một chuyên gia về nông nghiệp bền vững. Avital là người bạn mà Trí quen trong một hội thảo về cách làm nông nghiệp theo công nghệ Israel.

Không có nhiều tiền để thuê mảnh đất đẹp, Trí mất nhiều ngày cùng người dân bản địa làm thuê hì hục cải tạo khu đất bỏ hoang, chằng chịt rễ cây bụi. Trực tiếp làm, nhìn bàn tay nổi mụn nước, bỏng rát, Trí bảo lúc đó mới thực sự thấu hiểu hết nỗi cơ cực của người nông dân.

Mọi thất bại đều có giá

Sau hơn nửa năm miệt mài, trang trại của Trí dần thành hình. Vùng đất từng “chó ăn đá, gà ăn sỏi” thành cánh đồng thẳng tắp, từng luống đất như bàn cờ, rau củ bắt đầu lớn, xanh dần lên. Tuy nhiên, từ lúc cây mọc mầm đến lúc được thu hoạch là cả một chặng đường dài đầy khó khăn.

Vì làm nông nghiệp thuận tự nhiên, không có hóa chất nên rau củ trở thành mồi ngon cho các loại sâu bệnh hại, chuột tàn phá. Trí kể có hôm chỉ sau đêm, vác cuốc ra vườn mà thấy ngã ngửa vì chuột phá gần như tan hoang. Anh phải cấp tốc thuê người làm lưới bao quanh, sử dụng bẫy để đuổi, bắt chuột.

Tuy nhiên, sự cố lớn nhất mà trang trại gặp phải là sau hơn 1 năm thành hình, đã bắt đầu cho thu hoạch, thì những chủ đất cho thuê muốn đòi lại. Có lẽ vì họ thấy Trí làm được, lợi nhiều quá, họ cũng muốn làm. Dù đã dùng đủ mọi lý lẽ để thuyết phục, Trí vẫn buộc phải trả lại vì hợp đồng không rõ ràng.

Đặc biệt, để gây áp lực buộc Trí phải đi, một ai đó đã lén thả đất đèn xuống hệ thống mương nước được Trí đào chạy quanh trang trại để đảm bảo tưới tiêu. Cá chết nổi lềnh phềnh, số lượng không nhiều vì đây chỉ là nuôi thử nghiệm, nhưng đây là cú sốc lớn cho Trí và người nhà.

“Tôi ngỡ ngàng, nhưng không giận người dân. Sự cố là do lỗi của tôi, không chuẩn bị kỹ vì cứ nghĩ khu đất bỏ hoang, đã trả tiền đầy đủ cho chủ đất thì sợ gì. Cuối cùng mọi chuyện lại đổ bể. Tiền đầu tư gần như chưa thu lại được gì, những lời dị nghị lại nổi lên”, Trí kể lại.

Nông nghiệp hữu cơ thuần túy mang lại giá trị kép về kinh tế và môi trường.

Nông nghiệp hữu cơ thuần túy mang lại giá trị kép về kinh tế và môi trường.

Gần một tháng sau ngày bị đòi lại đất, ngày nào Trí cũng đi qua khu cánh đồng cũ, tự hỏi “sao họ chưa làm, đã đòi lại rồi thì phải làm chứ, sao lại bỏ hoang?”. Đó cũng là quãng thời gian buồn chán nhất của Trí. Nhưng sau này nghĩ lại, Trí bảo những ngày tháng ấy lại là những khởi đầu hành trình mãnh liệt nhất.

“Mình cũng không bao giờ ngờ được, những thứ nhỏ bé vụn vặt trong đời sống, những thất bại tưởng như ngu ngốc nhất, lại không hề bị phí hoài sau này. Mình đi tới tương lai bởi những thứ nhỏ bé cứ tưởng như tầm phào thiếu mục đích của ngày hôm qua”, Trí nói.

Sau cơn mưa, trời lại sáng

Sau cú sốc “bẻ kèo” của chủ đất, cả hai bên gia đình, đặc biệt là mẹ vợ và mẹ ruột đều thúc giục Trí quay trở lại thành phố làm việc. Vì Trí vốn là kỹ sư điện, tốt nghiệp đại học, từng có công việc được trả lương “nghìn đô”. Mọi người đều nói “bỏ phố về vườn” chỉ là câu chuyện hão huyền.

Nhóm bạn của Trí cũng gọi anh trở lại dự án khởi nghiệp đang phát triển rất mạnh. Nhưng quyết tâm giữ lý tưởng của mình, anh thuyết phục vợ cắm sổ đỏ khu đất của gia đình để có vốn làm lại từ đầu.

Nguyên tắc không thay đổi của Trí vẫn là nương dựa vào tự nhiên để gieo trồng, lấy tự nhiên nuôi tự nhiên, không sử dụng bất kỳ hóa chất nào, ngay cả các loại thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ, sinh học cũng được hạn chế tối đa.

Cuối năm 2019, Trí ký hợp đồng thuê 3 ha đất để nuôi tiếp giấc mơ làm nông nghiệp sạch. Lần này, những bản hợp đồng đều có điều khoản rõ ràng, có dấu đỏ xác nhận của cơ quan chức năng. Với kinh nghiệm ở lần làm trước, những kiến thức của Trí đã sớm chinh phục được vùng đất cằn cỗi.

Trang trại của Trí đang phát triển vô cùng khoa học, được phân thành các khu sản xuất riêng biệt để thuận tiện cho cơ giới hóa, với các sản phẩm chủ lực là các loại rau sống, cà rốt, bắp cải tím, hành baro, cải kale, cà chua, cần tây… Năng suất cao hơn 15-30% so với canh tác thông thường.

Đặc biệt, tất cả các khâu trồng, chăm bón cây, thông số về đất, đặc tính từng khóm vườn được Trí ghi chép, phân tích và đóng thành tệp y hệt một chuyên gia nông nghiệp đang thực nghiệm một cánh đồng.

Bước sang vụ thu hoạch thứ 5, 100% nông sản của trang trại ManDe farm làm ra đều được thu mua với giá cao gấp 2 - 3 lần nhờ ký hợp đồng với các siêu thị, chuỗi cửa hàng lớn.

Hơn 2 năm kể từ ngày bắt đầu lại, Trí bảo giờ trang trại của anh lúc nào cũng có hơn 10 nông dân đang làm việc. Nhiều hộ dân địa phương cũng được truyền cảm hứng để làm theo. Đây chính là một trong những động lực lớn để anh tiếp tục với “cuộc cách mạng một cọng rơm”, làm nông nghiệp thuận tự nhiên.

Hưng Nguyên

Cuộc cách mạng một cọng rơm

Cuốn sách "Cuộc cách mạng một cọng rơm" của Masanobu Fukuoka (1913-2008) được ra đời trong bối cảnh nước Nhật, với tham vọng trở thành một cường quốc, đã chạy theo niềm tin rằng các kỹ thuật nông nghiệp phương Tây sẽ giúp các nông trại phát triển bền vững.

Những cánh đồng tại Nhật Bản nhiều năm sau đó trở thành "sân tập" của các loại hóa chất. Chính Masanobu Fukuoka đã dành phần đầu sự nghiệp cho việc nghiên cứu và theo đuổi những kỹ thuật ấy, đến khi sự hoài nghi đẩy ông vào khủng hoảng tinh thần và đi đến lựa chọn cuối cùng: “vô canh”.

"Cuộc cách mạng một cọng rơm" không phải là bản báo cáo kết quả của một nghiên cứu ngắn hạn, đó là kết quả của hàng thập kỷ theo đuổi triết lý nông nghiệp tự nhiên của Fukuoka với những kết quả có thật.

Trong cả đời làm nông của mình, Fukuoka không cày xới đất, không dùng phân hóa học hoặc phân ủ, không làm cỏ bằng việc cày xới hay dùng thuốc diệt cỏ, hoàn toàn không phụ thuộc vào hóa chất.

Kết quả, trái lại với sự hoài nghi của hàng triệu nông dân cần mẫn đầu tắt mặt tối cải tạo đất đai và diệt sâu trừ cỏ, nông trại của ông có sản lượng vượt trội.

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//khoi-nghiep/tri-huu-co-uom-mam-hy-vong-o-mang-den-1090135.html