Tri Tôn tập trung nâng cao giá trị nông nghiệp
Khi cây lúa gần như đạt đỉnh về diện tích, sản lượng, khó tăng trưởng thêm, Tri Tôn đẩy mạnh phát triển các loại cây trồng, vật nuôi cho giá trị kinh tế cao hơn. Trong đó, sự song hành của các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp được kỳ vọng sẽ tạo ra những đột phá mới.
Sản lượng xoài ở Tri Tôn ngày càng tăng
Phát triển bền vững cây ăn trái
Cùng với hỗ trợ xây dựng vùng trồng xoài đạt tiêu chuẩn VietGAP, Tổ hợp tác làm vườn Bến Bà Chi (xã Lê Trì, Tri Tôn) đã được nâng lên thành Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Bến Bà Chi. Sau khi được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang cấp mã số vùng trồng (code), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) kết nối Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre) liên kết thu mua, sản phẩm xoài của HTX nông nghiệp Bến Bà Chi đã xuất khẩu thành công sang Mỹ, giúp nâng cao đáng kể giá trị loại cây ăn trái này. Anh Trần Văn Quý, một trong những người tiên phong chuyển đổi mô hình trồng mì sang chuyên canh xoài ở khu vực Bến Bà Chi cho biết, cây xoài đã giúp nhiều hộ dân từ nghèo khó vươn lên khá giả. Đây là một trong những mô hình chuyển đổi cây trồng thành công nhất ở khu vực núi Dài.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tri Tôn Trần Văn Cường cho biết, năm 2019, diện tích cây ăn trái trên toàn huyện đạt 1.113ha, tăng 95ha so năm 2018, nổi bật là chuối nuôi cấy mô, cây có múi, xoài theo tiêu chuẩn VietGAP... Những công nghệ tưới tiên tiến đã được nông dân, doanh nghiệp áp dụng cho vườn cây ăn trái, dược liệu như: tưới nhỏ giọt, tưới phun tự động… “Trên cơ sở triển khai dự án phát triển bền vững cây ăn trái tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025, vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB), Phòng NN&PTNT đã đề xuất tiểu dự án phát triển cây ăn trái trên địa bàn huyện Tri Tôn với mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng diện tích cây ăn trái. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng cơ sở thu mua và chế biến, xử lý sau thu hoạch để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả, lợi nhuận cho người dân” - ông Cường thông tin. Đối với cây dược liệu, trong tổng diện tích hơn 131ha, hàng năm, huyện tiếp tục liên kết trồng và tiêu thụ cây dược liệu với Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang với diện tích từ 15-20ha, liên kết Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản Tuấn Vũ trồng và tiêu thụ cây nhàu 67,2ha.
Nâng cao giá trị
Năm 2020, Tri Tôn đặt chỉ tiêu đạt tổng diện tích gieo trồng 109.353,2ha. Đối với 104.688,2ha lúa (đông xuân 41.093,9ha, hè thu 42.956,9ha, thu đông 20.637,4ha), huyện phấn đấu diện tích áp dụng “3 giảm, 3 tăng” đạt trên 90% tổng diện tích, áp dụng “1 phải, 5 giảm” trên 32%. Đồng thời, triển khai thực hiện chương trình chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) tại 6 xã: Tân Tuyến, Tà Đảnh, Vĩnh Phước, Vĩnh Gia, Lương An Trà và An Tức.
Ông Cường cho biết, trên lĩnh vực trồng trọt, huyện tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, mô hình chuỗi liên kết... để từng bước tổ chức lại sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Trong đó, tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ trồng lúa kém hiệu quả sang rau màu, dược liệu, cây ăn trái với các mô hình: chuối cấy mô (Vĩnh Phước, Tân Tuyến), cây có múi, xoài phục vụ cho xuất khẩu (vùng đất ven chân núi khu vực Bến Bà Chi, vùng sau hồ chứa nước ở các xã Ô Lâm, Lương Phi, Ba Chúc...), nhãn (Tân Tuyến), dược liệu (nhàu, tần dày lá, đinh lăng, nghệ...) ở vùng ven chân núi. Đồng thời, hình thành vùng chuyên canh rau màu ở khu vực trạm bơm An Bình - Núi Nước (Ba Chúc), khu vực cầu 16 (thị trấn Tri Tôn). Huyện cũng xây dựng mô hình lúa - màu ở khu vực trạm bơm Lương Phi, Châu Lăng, Ô Lâm, Lê Trì và Lạc Quới, vùng bờ Bắc kênh Vĩnh Tế... kết hợp triển khai các mô hình nhà lưới, nhà màng, hình thành các tổ hợp tác trồng rau màu ở các khu vực này.
Thời gian tới, huyện sẽ tập trung hỗ trợ Tập đoàn TH triển khai dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tại xã Vĩnh Gia. Trong đó, quy hoạch diện tích trồng cỏ, cây thức ăn cho bò khoảng 3.000ha tại các xã: Vĩnh Gia, Vĩnh Phước, Lạc Quới và Lương An Trà. Đây là những vùng trồng lúa kém hiệu quả, việc chuyển đổi sẽ giúp nâng cao giá trị sản xuất trên cùng diện tích. “Phòng NN&PTNT sẽ tiếp tục tham mưu UBND huyện mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào các dự án nông nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị, tập trung vào cây ăn trái (xoài, nhãn, cây có múi, chuối cấy mô, dứa MD2...) và dược liệu (nhàu, tần dày lá, bạc hà, cỏ ngọt...)” - ông Cường nhấn mạnh.