Trí tuệ nhân tạo có lấy mất việc của nhà báo?

Những ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt là ChatGPT đã, đang đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức, nhất là đối với các nhà báo và các nhà quản lý báo chí. Liệu trí tuệ nhân tạo có lấy mất việc làm của các nhà báo? Để trả lời câu hỏi này, phóng viên ANTĐ đã có cuộc trao đổi với TS. Phan Văn Kiền, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

TS. Phan Văn Kiền

TS. Phan Văn Kiền

-Trong một bức thư gửi nhân viên, ông Mathias Doepfner, Giám đốc điều hành Tập đoàn Axel Springer (Đức) cho biết AI có khả năng khiến cho nghề báo trở nên độc lập hơn bao giờ hết, thậm chí có thể thay thế nghề báo. Viện trưởng nghĩ gì về điều này?

-Tôi thấy hết sức bình thường. Hiện đang có những chuyển động rùng rùng trên toàn cầu mà AI nói riêng, công nghiệp 4.0 nói chung tạo ra, không chỉ trong lĩnh vực báo chí truyền thông. Bản chất của chuyển đổi số hay công nghiệp 4.0 là một sự thay đổi về chất, là quá trình sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi phương thức hoạt động, phát triển của đời sống con người. Từ đó tạo ra hiệu quả trong quản lý cũng như năng suất lao động.

Nói như vậy để thấy, nếu công nghiệp 4.0 hay chuyển đổi số mà không tạo ra những sự thay thế sức lao động của con người thì mới là vấn đề.

Câu chuyện còn lại là câu chuyện của những nguồn nhân lực bị thay thế. Cho nên, nếu như trong bối cảnh cũ, nhà báo thức giấc với câu hỏi phải làm thế nào để mình có thể có tin tức nhanh nhất thì trong bối cảnh hiện nay, họ phải đối diện từng phút từng giây với câu hỏi làm thế nào để mình không bị thay thế?

- Theo Viện trưởng, cơ hội và thách thức, tác động của AI đối với hoạt động báo chí nói chung và với các vị trí việc làm của các nhà báo nói riêng như thế nào?

- Cơ hội lớn nhất là AI đã rút ngắn khoảng cách cả về không gian và thời gian một cách thần kỳ trong hoạt động báo chí truyền thông. Từ đó, nhà báo có một nguồn tin tức cũng như dữ liệu vô tận để khai thác cho công việc của mình. Cùng với đó, AI cũng khai mở ra nhiều tiềm năng chưa từng có trong hoạt động báo chí truyền thông.

Trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt là ChatGPT đã, đang đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức, nhất là đối với các nhà báo và các nhà quản lý báo chí. (Ảnh minh họa)

Trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt là ChatGPT đã, đang đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức, nhất là đối với các nhà báo và các nhà quản lý báo chí. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh nhiều cơ hội thì những thách thức cũng không hề nhỏ. Thách thức đầu tiên là thách thức làm thế nào để không bị loại khỏi cuộc chơi. Trong bối cảnh mới, nếu nhà báo chỉ quanh quẩn với việc đưa tin, viết bài, khai thác thông tin theo cách truyền thống thì chắc chắn họ sẽ bị thay thế bởi AI.

Thách thức thứ hai là dù không bị loại khỏi cuộc chơi nhưng nhà báo cũng rất dễ bị tụt hậu trong bối cảnh mà công nghệ, kỹ thuật đóng vai trò càng ngày càng quan trọng trong hoạt động tác nghiệp báo chí. Vì vậy, đòi hỏi về năng lực kỹ thuật, đòi hỏi về sự đồng bộ giữa năng lực tự thân của phóng viên và những trang bị về kiến thức, kỹ năng, trang thiết bị đáp ứng hệ sinh thái báo chí truyền thông mới là một thách thức không nhỏ với các nhà báo.

Còn đối với các cơ quan báo chí, ngoài những giá trị cốt lõi, bất biến, mang tính sứ mệnh của báo chí thì các tòa soạn cũng cần khẩn trương bắt tay vào công cuộc chuyển đổi số. Đây là một hành trình không thể nóng vội nhưng cũng không thể trì hoãn được nữa. Không chuyển đổi số thì các cơ quan sẽ không hòa mình kịp vào nền kinh tế số đang biến đổi nhanh chóng từng ngày. Từ đó tòa soạn cũng có nguy cơ bị… loại khỏi cuộc chơi!

- Các sinh viên báo chí cần chuẩn bị cho mình những kiến thức, kỹ năng gì để không bị trí tuệ nhân tạo lấn át, thưa Viện trưởng?

- Bối cảnh mới tất nhiên cần những nhà báo mới để sáng tạo ra những sản phẩm báo chí mới. "Mới" ở đây cũng không hẳn là phải bỏ hết cái cũ. Bởi với báo chí truyền thông, có những giá trị bất biến. Vì vậy, việc trang bị một vốn kiến thức hiểu biết rộng và sâu về các lĩnh vực của đời sống chính trị – kinh tế - xã hội là yêu cầu mang tính chất nền tảng với một người làm báo.

AI dù có thông minh thì cũng chỉ là trí tuệ nhân tạo, tức là phải do con người lập trình và nó chỉ có thể hoạt động theo những gì con người đã lập trình. Bởi vậy, nó luôn là con dao hai lưỡi, đặc biệt là trong hoạt động thông tin báo chí. Nếu nhà báo không đủ "phông" kiến thức rất có thể sẽ bị AI dắt mũi.

Nhiều nhà khoa học đã chỉ ra rằng, khi sử dụng phần mềm ChatGPT để yêu cầu viết một bài báo khoa học, phần mềm này đã tạo ra một bài báo rất thuyết phục. Tuy nhiên, khi check ngược trong phần danh mục tài liệu trích dẫn thì hầu hết đều là... giả. Như vậy, nếu không có đủ năng lực và trình độ căn bản, con người cũng sẽ trở thành nạn nhân của AI.

Tất nhiên, chỉ kiến thức nền tảng thôi là chưa đủ trong điều kiện báo chí truyền thong gắn chặt với khoa học kỹ thuật và công nghệ như hiện nay.

Tại Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, từ lâu sinh viên đã được tiếp cận với các học phần như Truyền thông đa phương tiện, Truyền thông xã hội, Siêu phẩm số… để làm quen với không gian internet. Trong chương trình đào tạo chỉnh sửa cập nhật mới nhất năm 2023, ngoài việc tăng cường năng lực ngoại ngữ, khả năng thực hành cho người học thì một số học phần mới liên quan tới công nghệ số đã được đưa vào giảng dạy như Công nghệ truyền thông số, Quản trị nội dung số, Siêu phẩm số... là những học phần rất mới mẻ để người học bắt kịp các xu hướng mới như Chat GPT, công nghệ thực tế ảo, công nghệ thực tế ảo tăng cường, AI, Big Data, phân tích dữ liệu...

- Như vậy người làm báo không chỉ phải giỏi về chuyên môn mà còn phải giỏi về công nghệ?

- Bên cạnh kiến thức căn bản như là một giá trị bất biến đã nói ở trên, kiến thức, kỹ năng về công nghệ, đặc biệt là các công nghệ mới cũng là một đòi hỏi cấp thiết với nhà báo. Anh không thể nói rằng anh rất có năng lực, chỉ là không có năng lực về công nghệ nên không bắt kịp được với các xu hướng mới. Rõ ràng trong bối cảnh hiện nay, kỹ năng sử dụng các công nghệ mới cũng là một năng lực quan trọng.

Công nghệ đôi khi chỉ như chiếc áo với người làm báo, nhưng nếu không có chiếc áo ấy, rất có thể cái sinh thể kiến thức nền tảng sẽ không phát huy được giá trị trong bối cảnh số. Ngay cả quan niệm về nội dung báo chí những năm gần đây cũng đã có rất nhiều thay đổi dưới sự tác động của khoa học công nghệ. Giờ đây, thay vì tư duy trên nền tảng tác phẩm báo chí, người làm báo phải tư duy trên nền tảng sản phẩm báo chí. Chỉ là hai cách gọi nhưng là hai hướng tiếp cận hoàn toàn khác nhau.

Bởi vậy, theo tôi, người làm báo phải giỏi về chuyên môn và thạo về công nghệ.

-Trân trọng cảm ơn Viện trưởng về cuộc trò chuyện này!

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tri-tue-nhan-tao-co-lay-mat-viec-cua-nha-bao-post543639.antd