Triển khai bệnh án điện tử: 'Người bệnh không phải hoang mang khi đọc chữ viết của bác sỹ'
Việc triển khai bệnh án điện tử mang lại lợi ích rất to lớn cho người dân, bác sỹ và người quản lý. Việc hướng đến xây dựng hệ thống mã số định danh cho bệnh nhân sẽ giúp người dân khám, chữa bệnh tại tất cả các cơ sở y tế, mà không cần phải đem theo các hồ sơ giấy tờ liên quan...
Đó là chia sẻ của PGS-TS.Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin-Bộ Y tế cho biết về bệnh án điện tử.
Theo Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin-Bộ Y tế, đến nay, 100% các bệnh viện trên toàn quốc đã triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện, trong đó có 10 bệnh viện và 2 phòng khám đã thay thế 100% bệnh án giấy bằng bệnh án điện tử; có 23 bệnh viện đã triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in phim.
Với việc ban hành Thông tư 46 về quy định hồ sơ bệnh án điện tử và Thông tư số 54 ban hành bộ tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế là Bộ đầu tiên ban hành văn bản chuyển đổi số rất cụ thể tại một đơn vị, triển khai ứng dụng hồ sơ bệnh án điện tử, các bệnh viện hoàn toàn có đủ cơ sở pháp lý, cơ sở kỹ thuật để không dùng bệnh án giấy, PGS-TS. Trần Quý Tường cho biết.
Việc triển khai bệnh án điện tử mang lại lợi ích rất to lớn cho người dân, bác sĩ và người quản lý. Cụ thể, việc hướng đến xây dựng hệ thống mã số định danh cho bệnh nhân sẽ giúp người dân khám, chữa bệnh tại tất cả các cơ sở y tế, mà không cần phải đem theo các hồ sơ giấy tờ liên quan. Đồng thời, người bệnh không phải lo lắng nếu làm mất kết quả xét nghiệm, không phải hoang mang khi đọc chữ viết của bác sỹ. Cùng đó, người bệnh dễ dàng so sánh từng chỉ số xét nghiệm ở các đợt khám khác nhau để biết sức khỏe tổng quát của mình.
Bên cạnh đó, bệnh án điện tử giúp quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của người dân, giúp người dân chủ động hơn trong phòng bệnh và chữa bệnh. Bệnh án điện tử giúp minh bạch các thông tin khám chữa bệnh.
Với bác sỹ, bệnh án điện tử cùng với việc truyền tải dữ liệu giữa các bệnh viện nhanh chóng sẽ giúp việc xác định bệnh nhanh, chính xác hơn; tránh chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng trùng lặp như siêu âm, X-quang…
Cùng đó, bác sỹ cũng dễ dàng tìm lại các thông tin của bệnh nhân, theo từng đợt điều trị, từ đó góp phần giảm thiểu sai sót y khoa, giảm thiểu thời gian hành chính chờ đợi, giảm phiền hà cho bệnh nhân. Bác sỹ cũng có thể tư vấn cho người dân ở xa, nhờ xem hồ sơ bệnh án từ xa…
Ngoài ra, việc triển khai bệnh án điện tử cũng sẽ giúp các bệnh viện tiết kiệm chi phí làm bệnh án giấy (có bệnh viện chi phí này lên tới hàng tỉ đồng), chi phí kho lưu trữ.
Khi thông tin về khám chữa bệnh của người bệnh được minh bạch sẽ giúp cho việc quản lý chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế dễ dàng hơn, góp phần hạn chế việc lạm dụng thuốc và xét nghiệm (nếu có).
Theo lộ trình, đến năm 2023, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hạng 1 trở lên chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin tại cơ sở để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Giai đoạn 2024-2028, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Để đẩy nhanh việc chuyển đổi số trong ngành y, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin cho biết sẽ đề xuất đưa việc triển khai bệnh án điện tử vào một trong các tiêu chí khen thưởng lãnh đạo cơ sở y tế.