Triển khai chương trình Sữa học đường

UBND thành phố Hồ Chí Minh đã giao các sở, ngành liên quan triển khai hiệu quả Ðề án chương trình Sữa học đường ngay từ học kỳ 2 trong năm học 2018-2019 đối với 10 quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Sở Y tế là cơ quan thường trực phối hợp Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD-ÐT) xây dựng kế hoạch, triển khai hiệu quả cơ chế hỗ trợ từ ngân sách thực hiện Ðề án chương trình Sữa học đường, nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn thành phố. Chương trình sẽ bắt đầu thực hiện từ học kỳ 2 năm học 2018 - 2019 trên địa bàn các quận: 9, 12, Thủ Ðức, Tân Phú, Bình Tân và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ.

Theo Sở GD - ÐT, sở đã tổ chức lấy ý kiến cha mẹ học sinh về đề án. Trong đó, phát ra 260.695 phiếu, thu về gần 232.000 phiếu, nhận được 84,4% đồng thuận cho trẻ uống sữa tại trường 5 lần/tuần. Về chương trình Sữa học đường, UBND thành phố đặt mục tiêu 90% học sinh mẫu giáo và tiểu học các trường tham gia Ðề án được uống sữa theo chương trình Sữa học đường. Ðồng thời, tất cả cha mẹ học sinh, người chăm sóc có con em tham gia đề án được truyền thông, tư vấn về chương trình này.

TP Hồ Chí Minh cũng đặt mục tiêu tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em mẫu giáo và học sinh tham gia đề án dưới 4,4%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học tham gia đề án dưới 6,8%. Theo đó, học sinh sẽ uống sữa chín tháng/năm học (trừ ba tháng nghỉ hè). Mỗi học sinh sẽ uống mỗi ngày một hộp, mỗi tuần uống năm lần. Tổng kinh phí thực hiện Ðề án chương trình Sữa học đường giai đoạn 2018 - 2020 là gần 1.135 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ gần 350 tỷ đồng, doanh nghiệp cung cấp sữa đóng góp gần 240 tỷ đồng. Cha mẹ, các học sinh đóng gần 548 tỷ đồng (50% kinh phí mua sữa).

Chương trình đặt ra các chỉ tiêu đến năm 2020, 70% số học sinh mẫu giáo và tiểu học ở vùng thành thị, nông thôn được uống sữa theo chương trình Sữa học đường, chiều cao của trẻ tuổi nhập học (6 tuổi) tăng từ 1,5 cm đến 2 cm so với năm 2010…

Sở GD - ÐT cũng đưa ra chín chỉ tiêu áp dụng đối với trẻ mầm non và học sinh tiểu học với thời gian thực hiện đến năm 2020. Với mẫu giáo, học sinh lớp 1 thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ mẫu giáo, học sinh lớp 1 sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập, ngoài công lập đang học tại các trường tham gia Ðề án thì ngân sách thành phố sẽ hỗ trợ 50% và doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 50%.

Theo đề án, sữa học đường là loại sữa tươi, chuyên biệt, không bán trên thị trường và được bổ sung một số vi lượng và khoáng chất cần thiết như: sắt, can-xi, vi-ta-min A, D… bảo đảm việc phát triển chiều cao và trí tuệ của các em học sinh ở lứa tuổi mầm non và tiểu học. Sữa học đường là chương trình hoàn toàn tự nguyện, không bắt buộc, nên phụ huynh học sinh có thể đăng ký khi có nhu cầu. Tuy chỉ tốn một nửa tiền mua sữa, nhưng chương trình cũng khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Chị Cẩm Tú (phụ huynh có con 4 tuổi), đang học mẫu giáo tại quận Bình Tân bộc bạch: “Tuy là chương trình tự nguyện, ai muốn tham gia thì đăng ký nhưng nếu mình không tham gia thì đến giờ, cả lớp đều uống sữa mà con mình không, nó sẽ… tủi thân. Còn tham gia thì tôi lo con không hợp, dị ứng với sữa lạ, sữa mới, sẽ đau bụng, rồi đổ bệnh thì phiền hà”.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/38226902-trien-khai-chuong-trinh-sua-hoc-duong.html