Triển khai chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội
Sáng 18-7, tại Nhà Quốc hội (QH), Ủy ban Thường vụ QH phối hợp Chính phủ tổ chức hội nghị triển khai chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các tháng cuối năm 2019 và năm 2020. Các đồng chí: Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Uông Chu Lưu, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch QH, đồng chủ trì.
Trình bày báo cáo triển khai Nghị quyết của QH về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Khắc Định cho biết: Tại kỳ họp thứ bảy, QH khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 78/2019/QH14 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Sau kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ QH đã ban hành Nghị quyết số 714/NQ-UBTVQH14 về việc thực hiện Nghị quyết của QH, kèm theo bảng phân công cơ quan trình, cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan tham gia thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh.
Tại kỳ họp thứ tám (tháng 10-2019), QH khóa XIV sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, cho ý kiến về tám dự án luật; tại kỳ họp thứ chín (tháng 5-2020), sẽ xem xét thông qua tám dự án luật, một dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về bảy dự án luật; tại kỳ họp thứ 10, sẽ xem xét, thông qua bảy dự án luật và cho ý kiến về hai dự án luật. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ QH tiếp tục nhận được đề nghị bổ sung hai dự án luật và một dự thảo nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; một dự án luật vào năm 2020. Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trình bày báo cáo, nhấn mạnh: Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp phụ trách và chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật, chịu trách nhiệm trước Chính phủ về kết quả công tác; coi việc hoàn thành chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được giao là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.
Phát biểu ý kiến bế mạc hội nghị, đồng chí Uông Chu Lưu nêu rõ: Để bảo đảm khối lượng, chất lượng công việc, yêu cầu đặt ra là Chính phủ, Ủy ban Thường vụ QH, các cơ quan chủ trì soạn thảo, chủ trì thẩm tra phải quyết liệt chỉ đạo, có kế hoạch chi tiết, giải pháp cụ thể và tập trung nguồn lực thực hiện, quyết tâm hoàn thành chương trình đề ra. Các cơ quan, tổ chức cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa để phát huy kết quả đạt được, kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc, tạo sự đồng thuận, thống nhất ý kiến trước khi trình QH xem xét.