Triển khai công tác phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý năm 2024
Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị triển khai công tác phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng năm 2024 và Chương trình số 5789/CTPH-BTP-BCA ngày 27/11/2023 của Bộ Tư pháp và Bộ Công an về phối hợp trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự.
Sáng 15/3, tại hội trường Sở Tư pháp TP Hà Nội, Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị triển khai công tác phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng năm 2024 và Chương trình số 5789/CTPH-BTP-BCA ngày 27/11/2023 của Bộ Tư pháp và Bộ Công an về phối hợp trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự.
Theo báo cáo, năm 2023, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội đã thụ lý và ban hành quyết định cử Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng để bào chữa hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 2.832 lượt người trong 2.832 vụ việc tăng 978 vụ việc so với cùng kỳ năm 2022. Trung tâm đã tiến hành thu 2.189 hồ sơ vụ việc trợ giúp và tiến hành thẩm định 2.177 hồ sơ, trong đó có 1.695 vụ việc đạt chất lượng tốt, 480 vụ việc đạt chất lượng khá, 2 hồ sơ đạt chất lượng. Tổng số vụ việc trợ giúp pháp lý được Trung tâm đánh giá là tham gia tố tụng thành công là 1.245 vụ việc, chiếm tỷ lệ 57,2% trên tổng số vụ việc được thẩm định, đánh giá.
Trung tâm đã thực hiện 23 vụ việc đại diện ngoài tố tụng bao gồm 17 vụ việc được thụ lý mới (giảm 19 vụ so với cùng kỳ năm 2022) và 06 vụ việc từ năm trước chuyển sang. Các trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm cũng đã kết thúc 18 vụ việc đại diện ngoài tố tụng trong giai đoạn này, hiện đang tiếp tục thực hiện 05 vụ việc trong đó, 04 người có công với cách mạng, 01 người khuyết tật có khó khăn về tài chính.
Trung tâm đã tiếp 210 lượt người đến yêu cầu tư vấn tại trụ sở Trung tâm và các chi nhánh với 07 vụ việc và 203 việc thuộc các lĩnh vực pháp luật: hình sự, dân sự, đất đai, hành chính, hôn nhân và gia đình (tăng 32 việc so với năm 2022).
Bên cạnh đó, Trung tâm tổ chức được 389 cuộc truyền thông về trợ giúp pháp lý và tư vấn pháp luật tại các xã, phường, thị trấn, trường học và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn các quận, huyện thuộc TP Hà Nội, thu hút được 37.651 lượt người tham dự, tư vấn trực tiếp cho 4.875 lượt người.
Tại hội nghị, bà Nguyễn Tú Anh, thành viên Hội đồng - Giám Đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội đã chia sẻ về chương trình phối hợp số 5789/CTPH-BTP-BCA ngày 27/11/2023 của Bộ Tư pháp và Bộ Công an về phối hợp trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự. Cùng với đó là các ý kiến tham luận của lãnh đạo Công an huyện Mê Linh, VKSND quận Nam Từ Liêm, Tòa án huyện Gia Lâm.
Cũng tại hội nghị, Ban tổ chức đã công bố quyết định khen thưởng và trao thưởng các tập thể, cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng năm 2023.
Phát biểu chỉ đạo về những nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2024 của Hội dồng phổi hợp liên ngành TP Hà Nội, ông Nguyễn Công Anh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng cho biết, qua Báo cáo kết quả công tác của trợ giúp pháp lý và các ý kiến tham luận tại hội nghị, cho thấy rằng năm 2023 những kết quả đạt được trong công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng có những chuyển biến rất tích cực và rất đáng ghi nhận.
Trong đó, Sở Tư pháp đã làm tốt vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp liên ngành: tham mưu tổ chức các hội nghị tập huấn, nghiệp vụ trợ giúp pháp lý cho người tiến hành tố tụng, người thực hiện trợ giúp pháp lý; tổ chức tọa đàm nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý; tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định của Thông tư liên tịch số 10; tổ chức thực hiện chương trình người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại TAND.
Kết quả cho thấy số vụ việc trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng chuyển biến mạnh mẽ: trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 2.901 người trong 2901 vụ việc (tăng 1.047 vụ việc so với năm 2022). Chất lượng các vụ việc trợ giúp pháp lý ngày càng tốt hơn, nhiều vụ việc đạt tiêu chí vụ việc thành công theo quy định của Bộ Tư pháp.
Đồng thời, các ngành Công an, Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân TP đã phối hợp tốt với Sở Tư pháp để triển khai đồng bộ và có hiệu quả các hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành. Các ngành đã có sự chỉ đạo quyết liệt các đơn vị của ngành mình thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của theo quy định của Thông tư liên tịch số 10. Việc giải thích, thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý được các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán quan tâm thực hiện, có trách nhiệm.
Các cơ quan cảnh sát điều tra đã phối hợp rất tốt với Trung tâm trợ giúp pháp lý, kịp thời thông báo về các đối tượng được trợ giúp pháp lý để Trung tâm cử trợ giúp viên tham gia tố tụng, do đó số vụ việc đã tăng nhiều trong năm 2023.
Việc kiểm sát tố tụng của VKSND hai cấp ngày càng chặt chẽ, đảm bảo quyền được trợ giúp pháp lý của đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý.
TAND hai cấp của TP đã phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý trong việc niêm yết số điện thoại, danh sách người trực tại Tòa án. Thẩm phán của một số Tòa án đã quan tâm đến các vụ việc trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực pháp luật dân sự. Số lượng người được trợ giúp pháp lý đã tăng nhiều so với những năm trước đây.
Sở Tài chính luôn quan tâm, hướng dẫn Sở Tư pháp và các ngành thành viên của Hội đồng trong việc lập, quản lý, sử dụng kinh phí cho các hoạt động trợ giúp pháp lý; tham mưu UBND TP cấp đủ và kịp thời kinh phí cho các hoạt động trợ giúp pháp lý nói chung và hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành nói riêng.
Theo ông Nguyễn Công Anh, bên cạnh những thành tích đã đạt được, cũng phải thẳng thắn chỉ ra rằng vẫn còn những tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới. Đó là: số người được trợ giúp pháp lý trong các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình và hành chính còn rất thấp so với số vụ việc các đơn vị thụ lý, giải quyết.
Việc trợ giúp pháp lý đôi khi còn chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng. Chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý chưa đồng đều. Do số vụ việc trợ giúp pháp lý tăng đột biến, nhiều vụ việc có rất đông các đối tượng là người chưa thành niên phạm tội do đó gây khó khăn cho trợ giúp viên pháp lý tham gia.
Trong năm 2024, để công tác phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng trên địa bàn thành phố đạt kết quả cao hơn, Phó Chủ tịch Hội đồng đề nghị, các ngành Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án tiếp tục chỉ đạo, quán triệt các đơn vị của ngành nghiêm túc thực hiện quy định về trợ giúp pháp lý, quy định của Thông tư liên tịch số 10; tiếp tục phối hợp có hiệu quả với Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước trong việc đảm bảo quyền có người bào chữa, bảo vệ cho những người thuộc diện được trợ giúp pháp lý trong các vụ án hình sự, vụ việc dân sự, vụ án hành chính.
Các ngành thành viên của Hội đồng tham mưu, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu các văn bản pháp luật về trợ giúp pháp lý sửa đổi, các văn bản pháp luật về trợ giúp pháp lý mới ban hành, các Bộ luật, Luật Tố tụng và các tài liệu khác có liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý trong tố tụng cho người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người thực hiện trợ giúp pháp lý. Tổ chức các buổi tọa đàm, giao ban trao đổi, rút kinh nghiệm trong công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý nhằm nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý.
Sở Tư pháp và Công an TP phối hợp, xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch phối hợp giữa Sở Tư pháp và Công an TP về trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự theo Chương trình phối hợp số 5789/CTPH- BTP- BCA ngày 27/11/2023 của Bộ Tư pháp và Bộ Công an về trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện Kế hoạch phối hợp số 36/KHPH-STP-TAND ngày 25/4/2023 giữa Sở Tư pháp và TAND TP Hà Nội về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại tòa, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 15/12/2021 của TAND tối cao, VKSND tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Năm 2023, UBND TP đã trang bị cho Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước và các chi nhánh của Trung tâm các trang thiết bị phục vụ việc tham gia phiên tòa xét xử trực tuyến đảm bảo điều kiện, kỹ thuật theo quy định tại Thông tư liên tịch số 05 tại 06 địa điểm: Trung tâm Trợ giúp pháp lý (tại Hà Đông), Chi nhánh số 1 (tại Sơn Tây), Chi nhánh số 2 (tại 170 Quán Thánh, Ba Đình), Chi nhánh số 5 (tại Sóc Sơn), Chi nhánh số 6 (tại Phú Xuyên), Chi nhánh số 7 (tại Mỹ Đức). Vì vậy, đề nghị TAND hai cấp của TP phối hợp, tạo điều kiện để Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước được tham gia phiên tòa xét xử trực tuyến với tư cách là điểm cầu thành phần.