Triển khai Kế hoạch Phòng, chống thiên tai quốc gia đến năm 2025

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương bố trí kinh phí từ vốn ngân sách Nhà nước, Quỹ Phòng, chống thiên tai (PCTT) và nguồn vốn xã hội hóa, đồng thời lồng ghép nội dung PCTT vào các chương trình, đề án, dự án liên quan và quy hoạch, kế hoạch phát triển của các bộ, ngành, địa phương theo quy định tại Thông tư số số 10/2021/TT-BKHĐT ngày 22-12-2021 của Bộ Kế hoạch và đầu tư để triển khai thực hiện Kế hoạch PCTT quốc gia đến năm 2025.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Trị giúp nhân dân gia cố nhà cửa phòng, chống cơn bão số 5 năm 2021. Ảnh: Mạnh Hùng

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Trị giúp nhân dân gia cố nhà cửa phòng, chống cơn bão số 5 năm 2021. Ảnh: Mạnh Hùng

Để thực hiện Chiến lược quốc gia PCTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 379/QĐ-TTg ngày 17-3-2021), Tổng cục PCTT đã tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ banh hành Kế hoạch PCTT quốc gia đến năm 2025 tại Quyết định số 342/QĐ-TTg ngày 15-3-2022 (sau đây gọi là Kế hoạch).

Cùng với mục tiêu chung, Kế hoạch đã xác định 4 mục tiêu cụ thể, bao gồm: Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về PCTT và liên quan đến công tác PCTT.

Nâng cao năng lực PCTT, nhất là một số loại hình thiên tai chủ yếu thường xảy ra trong thời gian gần đây và có khả năng xảy ra trong thời gian tới như: áp thấp nhiệt đới, bão, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, hạn hán, xâm nhập mặn.

Thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, thực hiện đồng bộ các giải pháp PCTT gắn với kế hoạch phát triển của các ngành, địa phương và phát triển kinh tế - xã hội, phát huy hiệu quả đầu tư.

Từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng PCTT, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng bộ với phát triển cơ sở hạ tầng khác, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Trên cơ sở các mục tiêu nêu trên, Kế hoạch đã xác định các nội dung và biện pháp thực hiện, gồm: hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính chính sách về PCTT; thông tin truyền thông, phổ biến pháp luật, kỹ năng, nâng cao nhận thức về PCTT; nâng cao năng lực cho lực lượng làm công tác PCTT; nâng cao năng lực, chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai; điều tra cơ bản về PCTT; xây dựng quy hoạch, kế hoạch, phương án PCTT; khoa học công nghệ; hợp tác quốc tế; đầu tư cơ sở hạ tầng PCTT.

Đồng thời, xác định cụ thể 5 nhóm giải pháp phi công trình với 51 nhiệm vụ/chương trình/đề án/dự án và 6 nhóm giải pháp công trình với 20 dự án làm cơ sở để thực hiện.

Bên cạnh đó, Kế hoạch cũng xác định cụ thể các nội dung PCTT cần lồng ghép vào quy hoạch, kế hoạch phát ngành, phát triển triển kinh tế - xã hội của các địa phương, đồng thời xác định tiến độ đến năm 2025 và nguồn vốn để thực hiện (ngân sách nhà nước, quỹ phòng chống thiên tai và nguồn vốn xã hội hóa).

Đặc biệt, trong Kế hoạch PCTT quốc gia, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phân công cụ thể cho các bộ, ngành và các địa phương trên cả nước thực hiện đầy đủ các nội dung của Kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao.

Để thực hiện Kế hoạch PCTT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các bộ, ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu, rộng các nội dung của Kế hoạch, đặc biệt là các nội dung liên quan đến chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được giao để nhận thức đầy đủ các mục tiêu, biện pháp thực hiện và nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trực thuộc trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch.

Đồng thời, xác định cụ thể các nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án được giao chủ trì hoặc phối hợp làm cơ sở xây dựng tiến độ thực hiện phù hợp với thời gian hoàn thành được giao, đảm bảo đồng bộ, thống nhất và hiệu quả trong quá trình thực hiện.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/trien-khai-ke-hoach-phong-chong-thien-tai-quoc-gia-den-nam-2025-post449327.html