Triển khai Luật Thủ đô năm 2024 vào cuộc sống: Xây dựng mạng lưới y tế rộng khắp, kết nối phục vụ nhân dân
Thể chế hóa các quan điểm của Nghị quyết số 15-NQ/TƯ (ngày 5-5-2022) của Bộ Chính trị về 'Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045', Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định một số chính sách đặc thù nhằm nâng cao năng lực, xây dựng hệ thống y tế Thủ đô ngày càng phát triển, hiện đại.
Theo đó, trong tương lai, mạng lưới y tế Thủ đô sẽ phát triển mở rộng bảo đảm tính kết nối cao, không chỉ phục vụ riêng Hà Nội.
Vẫn còn tình trạng bệnh nhân phải chờ đợi
Hà Nội được xem là trung tâm y tế lớn nhất cả nước, với mạng lưới 19 bệnh viện chuyên sâu tuyến cuối do Bộ Y tế quản lý, trong đó có 4 bệnh viện đa khoa, 15 bệnh viện chuyên khoa. Thành phố đang trực tiếp quản lý hàng chục bệnh viện trực thuộc và 579 trạm y tế xã, phường, thị trấn thuộc 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã. 82,73% trạm y tế thực hiện theo nguyên lý y học gia đình đồng hành với cam kết của thành phố về sự tiếp cận toàn diện và hiện đại trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Song, khảo sát tại các bệnh viện, nhất là giai đoạn đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cho thấy, chất lượng khám, chữa bệnh chưa đồng đều ở các tuyến, còn tình trạng bệnh nhân phải chờ đợi. Tỷ lệ bác sĩ của thành phố/1 vạn dân còn thấp. Đặc biệt, các trạm y tế cấp xã ở nơi trên 60.000 dân cũng chỉ có tối đa 10 cán bộ y tế, trong khi 10 cán bộ y tế chỉ phụ trách hiệu quả khoảng 13.000-15.000 dân.
Đáng lưu ý, mô hình y học gia đình được coi là mô hình thí điểm có thể giúp sàng lọc, giải quyết được phần lớn các bệnh lý thông thường, không cần chuyển tuyến, góp phần giảm tải tại các bệnh viện.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 tại Khoản 2, Điều 81 quy định 6 nhiệm vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về y học gia đình, các nhiệm vụ là căn cứ để Bộ Y tế sẽ ban hành các danh mục kỹ thuật và giá dịch vụ. Tuy nhiên, đến nay, Bộ Y tế chưa có quy định giá dịch vụ dành riêng cho khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình.
Chú trọng sự kết nối và tương hỗ
Để tháo gỡ những khó khăn này, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội biểu quyết thông qua định hướng phát triển đồng bộ, cân đối và bảo đảm tính kết nối cao, tương tác hiệu quả giữa mạng lưới cơ sở y tế quốc gia và địa phương. Trong tương lai, mạng lưới y tế này không chỉ phục vụ cho chính Hà Nội hoặc khu vực miền Bắc mà còn cho cả nước.
Theo đó, về quy hoạch sẽ có 3 cấp y tế. Với những bệnh thông thường như sốt, tai nạn bỏng…, người dân đến chỗ cấp cứu gần nhất; nặng hơn thì đến các bệnh viện quận, huyện; còn bệnh vô cùng nặng, khó điều trị thì được điều trị tại các trung tâm y khoa lớn.
Nhằm bảo đảm an sinh xã hội toàn diện, bền vững, không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô, một điểm hết sức quan trọng trong Luật Thủ đô (sửa đổi) là quy định hỗ trợ mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện 100% đối với người thuộc hộ nghèo; tối thiểu 60% đối với người thuộc hộ cận nghèo; hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm y tế đối với người thuộc hộ cận nghèo, người khuyết tật, người cao tuổi từ 70 tuổi trở lên.
Đáng chú ý, nội dung ưu tiên phát triển này không chỉ dừng ở mức xác định định hướng chung, mà đã xác định cụ thể chiến lược hỗ trợ phát triển cả 2 khía cạnh là “cung” dịch vụ (hỗ trợ đầu tư, thủ tục hành chính, phát triển nhân lực) và “cầu” dịch vụ (sử dụng ngân sách địa phương để thanh toán một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình chưa được bảo hiểm y tế thanh toán, gồm quản lý, chăm sóc sức khỏe ban đầu trên địa bàn, tư vấn nâng cao sức khỏe và phòng bệnh).
Theo hướng đi này, thành phố Hà Nội đang xây dựng Dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố ban hành danh mục khám, chữa bệnh y học gia đình chưa được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán cho các cơ sở khám, chữa bệnh y học gia đình và danh mục cấp cứu ngoại viện trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo đó, 20 dịch vụ thuộc danh mục dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình chưa được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán trên địa bàn thành phố Hà Nội và 22 dịch vụ thuộc danh mục cấp cứu ngoại viện trên địa bàn thành phố chưa được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán, được đưa vào xem xét lần này.
Phó Giám đốc phụ trách điều hành Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng khẳng định, đây không chỉ là bước tiến quan trọng trong việc hình thành các cơ chế mới cho y tế Thủ đô mà còn là cam kết của thành phố trong việc cải thiện chăm sóc sức khỏe cộng đồng và tối ưu hóa sử dụng nguồn lực y tế.