Triển lãm sắp đặt hội họa 'Tiếng gọi': Thổi hồn vào di sản

Với triển lãm 'Tiếng gọi', lần đầu tiên, tại nhà xưởng 3B, Nhà máy xe lửa Gia Lâm, những bức tranh lụa và vải oganza khổ lớn của họa sĩ Trần Thị Thu (Thu Trần) được sắp đặt để trở thành một tác phẩm nghệ thuật đương đại.

Trong không gian khoáng đạt, xưa cũ, những tác phẩm nghệ thuật với chủ đề “Tiếng gọi” đưa người xem lắng lại trong những âm hưởng xa xưa, với quá khứ và hiện tại, với những nghĩ suy về hình ảnh mẹ thiên nhiên đang kêu cứu, với những đối thoại bằng màu sắc và hình khối, âm thanh, ánh sáng.

Và trong gần 2000 mét vuông của nhà xưởng 3B, Nhà máy xe lửa Gia Lâm, những bức tranh khổ lớn treo trên trần, mỗi bức dài 40m-60m, bằng vải oganza và lụa. Xung quanh nhà xưởng là những tác phẩm hội họa trừu tượng của họa sĩ Trần Thị Thu, được vẽ trên giấy dó, giấy giang, giấy dứa… tái hiện những vết tích của “Xứ Mường” trong hành trình khám phá kho tàng âm nhạc, mo Mường, sử thi “Đẻ đất đẻ nước”, với hình ảnh những tộc người từ thuở ban sơ, với những mảng màu xưa cũ, như một sự điểm xuyết hợp lý trong không gian mênh mang này.

Triển lãm sắp đặt hội họa "Tiếng gọi".

Triển lãm sắp đặt hội họa "Tiếng gọi".

Do vậy, triển lãm sắp đặt hội họa “Tiếng gọi” cũng là một trong những sự kiện nghệ thuật, với mong muốn đóng góp câu chuyện gìn giữ di sản văn hóa với tinh thần đương đại. “Tôi nghĩ rằng lụa và sắt thép có thể đứng cạnh nhau. Trong một không gian rộng và đúng với những tưởng tượng, tôi thật sự cảm thấy rất hạnh phúc. Tôi cũng phải tính toán để bố trí tác phẩm sao cho khán giả có thể tiếp cận một cách hợp lý, vừa tầm mắt, trong một khu nhà xưởng rộng lớn như thế này. Các bức tranh khác sẽ treo trên tường ra sao? Ánh sáng nhiều lớp đan xiên nhau như thế nào?Tôi không quan tâm việc sẽ tạo ra một điều gì đó khác lạ, kì vĩ. Điều tôi mong muốn là làm sao mọi người có thể hiểu được ý đồ của mình khi nói về “Tiếng gọi” của mẹ thiên nhiên, mẹ trái đất đã “mang nặng đẻ đau” tất cả những sinh linh trên thế giới này”- họa sĩ Trần Thị Thu nói.

Những bức tranh lụa và vải oganza khổ lớn của họa sĩ Trần Thị Thu (Thu Trần) được sắp đặt để trở thành một tác phẩm nghệ thuật đương đại.

Những bức tranh lụa và vải oganza khổ lớn của họa sĩ Trần Thị Thu (Thu Trần) được sắp đặt để trở thành một tác phẩm nghệ thuật đương đại.

Họa sĩ Lý Trực Sơn nhận định: Để có được triển lãm này, tác giả đã lao động nghệ thuật rất nhiều. Cần phải nói đến trữ lượng bền bỉ, phong phú bên trong Trần Thị Thu cùng với khao khát vô tận được sáng tạo, mới có thể làm nên triển lãm này. “Một người lao động nghệ thuật như vậy gọi là tận lực, kết quả được đánh giá một cách xứng đáng, được bày trong một không gian vô cùng lớn, tạo ra sự choáng ngợp cho các nghệ sĩ cũng như công chúng. Làm cho không gian một nhà xưởng của Nhà máy xe lửa Long Biên trở nên một phần của nghệ thuật, đi với nghệ thuật một cách hài hòa. Chị vừa là họa sĩ vẽ trên những tấm vải cụ thể và sau đó sử dụng tất cả những cái đó như là phụ kiện để làm nên một tác phẩm hoành tráng hơn. Đó là hướng đi rất đặc biệt làm cho triển lãm “Tiếng gọi” trở nên độc đáo”- họa sĩ Lý Trực Sơn nói.

Triển lãm là một trong những sự kiện nghệ thuật, với mong muốn đóng góp câu chuyện gìn giữ di sản văn hóa với tinh thần đương đại.

Triển lãm là một trong những sự kiện nghệ thuật, với mong muốn đóng góp câu chuyện gìn giữ di sản văn hóa với tinh thần đương đại.

Trong khuôn khổ Lễ Hội thiết kế sáng tạo Hà Nội có 16 hoạt động triển lãm, sắp đặt nghệ thuật, bên cạnh các chương trình biểu diễn, các pavilion và triển lãm kiến trúc, hội thảo, tọa đàm… Họa sĩ Lê Minh Tâm, người đã đồng hành cùng họa sĩ Trần Thị Thu chuẩn bị cho triển lãm “Tiếng gọi”, chia sẻ: Không gian tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm rất đẹp, liên quan đến nhiều kí ức của người Hà Nội. Khi được các nghệ sĩ “thổi hồn”, nơi đây như được thay một lớp áo mới. Điều đó cũng khơi gợi cho chúng ta nhớ lại đã từng có những không gian đẹp, kí ức đẹp mà nếu được chuyển đổi, có thể tạo không gian sáng tạo cho nghệ sĩ, sân chơi nghệ thuật cho cộng đồng.

“Không gian này quá đẹp và hợp lý cho nghệ thuật đương đại. Với họa sĩ Trần Thị Thu, tôi có thể ví chị giống như một ca sĩ “hát ở sân vận động”, chứng tỏ được nội lực trong nghệ thuật rất lớn. Chị Trần Thị Thu không chỉ bày tranh vải lụa bồi trên giấy mà còn có những bức tranh khổ lớn. Hi vọng mọi người sẽ nhìn thấy nghệ thuật đương đại Việt Nam và sự phát triển tinh thần, sự cống hiến của các nữ nghệ sĩ”- họa sĩ Lê Minh Tâm nói.

Phương Thúy/VOV6

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/trien-lam-sap-dat-hoi-hoa-tieng-goi-thoi-hon-vao-di-san-post1060771.vov