Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội: Những cảm xúc khó quên

Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội do Báo Nhân Dân tổ chức nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô những ngày qua đã thu hút được sự chú ý đặc biệt của công chúng. Nhiều người xem đều cảm thấy xúc động và bất ngờ với cách làm mới lịch sử bằng công nghệ của ê-kíp thực hiện.

LÀM MỚI LỊCH SỬ BẰNG CÔNG NGHỆ

Sáng 11/10, khoảng sân phía trước Báo Nhân Dân nhộn nhịp hơn thường lệ. Từ 9 giờ sáng, hàng chục học sinh Trường tiểu học Tràng An (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã có mặt để đợi tới lượt tham gia Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội do Báo Nhân Dân tổ chức.

Cô Trần Thị Bích Liên, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Sau khi nắm được thông tin về Triển lãm đặc biệt lần này của Báo Nhân Dân, Ban Giám hiệu đã lên kế hoạch cho các em học sinh tới tham quan”.

“Các con sẽ được trải nghiệm công nghệ thực tế ảo để hiểu thêm về lịch sử Thủ đô; đồng thời còn được tham gia trải nghiệm cắt ghép Cột cờ Hà Nội từ phụ san Báo Nhân Dân hằng ngày. Đây là những hoạt động rất thiết thực, sinh động và hấp dẫn”, cô Liên thông tin.

Trải nghiệm công nghệ thực tế hỗn hợp tại Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội của Báo Nhân Dân. (Ảnh THẾ ĐẠI)

Trải nghiệm công nghệ thực tế hỗn hợp tại Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội của Báo Nhân Dân. (Ảnh THẾ ĐẠI)

Chỉ sau chừng 10 phút, đoàn học sinh của Trường tiểu học Tràng An đã tới lượt. Từ gốc đa cổ thụ, gần 50 em ùa về phía mô hình Cột cờ được dựng ngay ngắn cách đó không xa.

Các con sẽ được trải nghiệm công nghệ thực tế ảo để hiểu thêm về lịch sử Thủ đô; đồng thời còn được tham gia trải nghiệm cắt ghép Cột cờ Hà Nội từ phụ san Báo Nhân Dân hằng ngày. Đây là những hoạt động rất thiết thực, sinh động và hấp dẫn.

Hiệu trưởng Trường tiểu học Tràng An Trần Thị Bích Liên

Sau khi “phân công”, một nhóm sẽ được trải nghiệm công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) để xem những hình ảnh 3D về Hà Nội. Nhóm còn lại được các phóng viên, biên tập viên Báo Nhân Dân tận tình hướng dẫn cắt, ghép Cột cờ từ phụ san.

Trong chốc lát, từng nhóm nhỏ râm ran hình thành. Lũ trẻ, tay kéo, tay cầm keo hí hoáy thử sức mình theo tờ chỉ dẫn. Tiếng cười đùa ríu rít, nhắc nhở nhau cắt, ghép thật cẩn thận kẻo bị rách cờ, bị méo hộp vô cùng dễ thương.

Vừa hoàn thành mô hình Cột cờ, nhìn lá cờ tung bay, em Đàm Ngọc Linh, học sinh lớp 5E vui mừng nói: “Em rất thích được cùng các bạn cắt, ghép và hoàn thành mô hình này. Đây là hoạt động thú vị, giúp bọn em hiểu và thân thiết với nhau hơn. Em mong sau sẽ có nhiều hoạt động hay và lý thú như thế này!”

Nhiều bạn nhỏ háo hức muốn trải nghiệm công nghệ thực tế hỗn hợp tại Triển lãm. (Ảnh THẾ ĐẠI)

Nhiều bạn nhỏ háo hức muốn trải nghiệm công nghệ thực tế hỗn hợp tại Triển lãm. (Ảnh THẾ ĐẠI)

Em Trần Quang Anh cũng thể hiện sự thích thú: “Mô hình Cột cờ Hà Nội có ba mã QR, sau khi quét xong em có thể thấy hình ảnh không gian đa chiều của Cột cờ Hà Nội, rất sinh động và hấp dẫn”.

Cô Trần Thị Bích Liên, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tràng An, chia sẻ: “Dịp này là cơ hội giúp các em có những trải nghiệm ý nghĩa để thêm yêu đất nước, tự hào về lịch sử dân tộc nước nhà. Cũng nhờ những hoạt động hay và sáng tạo của Báo Nhân Dân, các em học sinh có điều kiện ứng dụng công nghệ trong việc học và tìm hiểu lịch sử”.

Điểm nhấn của sự kiện không thể không kể đến đó là khách tham quan được hòa mình vào khung cảnh đoàn quân kéo về Hà Nội bằng công nghệ thực tế hỗn hợp. Suốt thời gian triển lãm mở cửa, rất nhiều người kiên nhẫn xếp hàng mong chờ được sử dụng sử dụng kính thực tế ảo tăng cường (AR) xem hình ảnh 3D về Hà Nội.

Không chỉ được trải nghiệm những hình ảnh tuyệt đẹp về các địa điểm của Hà Nội như Hồ Hoàn Kiếm, Văn Miếu, chùa Một Cột, Cột cờ Hà Nội,… dưới dạng không gian ba chiều, công chúng còn được hòa mình vào không khí Ngày Giải phóng Thủ đô 70 năm về trước.

Bạn Trần Quang Đức, sinh viên năm 3 của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cảm thấy sử dụng kính thực tế ảo rất sống động và thú vị. “Hình ảnh đoàn quân tiến về Hà Nội hiện lên trước mắt mình thật hào hùng, vững mạnh. Đây là lần đầu tiên mình được trải nghiệm và tìm hiểu thêm về lịch sử bằng thiết bị hiện đại, rất sống động. Mình mong Báo Nhân Dân sẽ có những sự kiện ý nghĩa như vậy hơn trong tương lai để mình có cơ hội tham gia và học hỏi thêm nhiều điều bổ ích”.

Bạn Quang Tiến Dũng, sinh viên năm 3 của Trường cao đẳng FPT Polytechnic chia sẻ: “Tôi thấy việc ứng dụng công nghệ thực tế ảo rất mới mẻ và hấp dẫn. Điều này giúp tôi tiếp cận kiến thức một cách trực quan, từ đó hiểu sâu rõ hơn về lịch sử”.

Quang Dũng cũng đánh giá Báo Nhân Dân có những triển lãm rất tuyệt vời, giúp độc giả tiếp cận với công nghệ hiện đại, hấp dẫn, khơi gợi được niềm cảm hứng và đam mê tìm hiểu lịch sử.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Báo Nhân Dân ra mắt phụ san Báo Nhân Dân hằng ngày 10/10/2024 với chủ đề Cột cờ Hà Nội. Phụ san đặc biệt gồm một trang nội dung về Cột cờ Hà Nội và một trang cắt dán mô hình. Ấn phẩm được tặng miễn phí tại trụ sở 71 Hàng Trống, Hà Nội và 63 cơ quan thường trú trên cả nước.

Bạn đọc có thể cắt, dán trang báo in thành mô hình Cột cờ Hà Nội và tương tác với mô hình thông qua 3 mã QR. Mỗi mã QR sẽ cung cấp nội dung mở rộng và dẫn đến các dự án thú vị khác trong hệ sinh thái của Báo Nhân Dân.

Đồng thời, từ ngày 9-13/10, Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội được tổ chức tại 71 Hàng Trống. Khách tham quan sẽ có cơ hội hòa mình vào đoàn quân kéo về Hà Nội bằng công nghệ thực tế hỗn hợp (Mixed Reality). Trải nghiệm này sẽ tái hiện lại 10 dấu mốc quan trọng trong tiến trình giải phóng và tiếp quản Thủ đô tháng 10/1954.

XÚC ĐỘNG TRÀO DÂNG

Trong dòng người tới dự triển lãm tại Báo Nhân Dân, ông Hoàng Xuân Thủy, 67 tuổi, nguyên cán bộ Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội có những cảm xúc rất đặc biệt.

Chia sẻ với phóng viên, ông Thủy cho biết: “Báo Nhân Dân đã tái hiện lại Cột cờ Hà Nội và khung cảnh Đoàn quân giải phóng từ 5 cửa ô về tiếp quản Thủ đô. Từ đó giúp người xem hiểu rõ, khắc cốt ghi tâm những trang sử hào hùng và giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đây cũng là cơ hội để mọi người ‘được sống’ trong hồi ức sáng mùa thu tháng mười của 70 năm về trước”.

Trải nghiệm cho các bạn nhỏ tại Triển lãm. (Ảnh THẾ ĐẠI)

Trải nghiệm cho các bạn nhỏ tại Triển lãm. (Ảnh THẾ ĐẠI)

Cô Nguyễn Phương Lan, giáo viên Trường trung học phổ thông Văn Hiến, chia sẻ: “Đối với tôi đây là trải nghiệm rất thú vị, giúp tôi hiểu thêm về Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954, mốc lịch sử vô cùng ý nghĩa. Tôi cũng đưa con gái của mình đến tham gia sự kiện lần này để các con hiểu thêm về lịch sử dân tộc, về thành phố Hà Nội, về đất nước Việt Nam”.

Những không gian khác tại Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội của Báo Nhân Dân. (Ảnh THẾ ĐẠI)

Những không gian khác tại Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội của Báo Nhân Dân. (Ảnh THẾ ĐẠI)

Bạn Phạm Thị Yến Nhi, sinh viên khối lý luận chính trị Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đã tham gia sự kiện từ sớm để có thể trải nghiệm các hoạt động của triển lãm một cách trọn vẹn nhất.

“Mình đã được chứng kiến những thước phim rất chân thật, âm thanh sống động, như thể mình đang được tận mắt chứng kiến ngày Giải phóng Thủ đô của 70 năm về trước vậy! Đây là trải nghiệm vô cùng quý giá đối với mình, mình yêu thích lịch sử Việt Nam và mong muốn được khám phá, tìm được những tư liệu phục vụ giúp mình trong việc nghiên cứu. Phụ san về chủ đề Cột cờ Hà Nội cũng rất ấn tượng, sau khi về nhà, mình sẽ thử cắt, ghép mô hình cột cờ”, Yến Nhi khẳng định.

MINH TRANG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/trien-lam-tuong-tac-cot-co-ha-noi-nhung-cam-xuc-kho-quen-post836306.html