Triển vọng cổ phiếu ô tô khi thị trường dần hồi phục

Sau những ngày tháng 'buồn tẻ' do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường ô tô dường như đã sôi động trở lại nhờ chính sách ưu đãi miễn giảm 50% phí trước bạ trong 6 tháng của Chính phủ (từ 1/12/2021 đến hết 31/5/2022). Cùng với đó, nhiều hãng xe tung ra nhiều ưu đãi nhằm kích cầu người tiêu dùng. Liệu nhóm cổ phiếu ô tô có thể tạo đà 'bứt phá' khi mà thị trường vẫn còn gặp những khó khăn trong giai đoạn phục hồi?

Dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề lên kết quả kinh doanh trong quý III/2021 của các công ty ô tô niêm yết khi mà hầu hết các công ty đều ghi nhận lỗ ròng. Theo đó, toàn ngành ghi nhận sự sụt giảm lợi nhuần ròng nặng nề trong quý III với mức giảm 53% so với cùng kỳ.

Sẵn sàng hồi phục

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán xe trong quý III đạt 34.467 chiếc, giảm 50,7% so với cùng kỳ, do các nhà phân phối và đại lý ô tô phải đóng cửa hàng để thực hiện giãn cách xã hội. Đặc biệt, doanh số bán xe trong tháng 8/2021 chỉ đạt 8.884 chiếc - thấp nhất kể từ năm 2015.

Doanh số ô tô qua các năm. (Nguồn: VAMA, VND RESEARCH)

Doanh số ô tô qua các năm. (Nguồn: VAMA, VND RESEARCH)

Tuy nhiên, các công ty ô tô niêm yết cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2021 nhờ các nhà sản xuất ô tô tung ra nhiều mẫu xe và bản nâng cấp mới và thực hiện nhiều chính sách khuyến mại để thu hút nhiều khách hàng hơn. Cụ thể, doanh số ô tô của các công ty niêm yết trong 6 tháng đạt 135.606 chiếc, tăng 32% so với cùng kỳ.

Ngoại trừ CTCP Dịch vụ ô tô Hàng Xanh (HAX), lợi nhuận ròng của các công ty ô tô niêm yết vẫn tăng trưởng dương so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm nhờ sự phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2021.

Thống kê cho thấy, 10 năm qua, Việt Nam là một trong những quốc gia có sức mua ô tô cá nhân tăng trưởng nhanh nhất, nhưng tỷ lệ sở hữu ô tô trên đầu người vẫn thấp hơn nhiều so với các thị trường khác ở châu Á. Theo Statista, chỉ 5% dân số Việt Nam sở hữu ô tô vào năm 2020, trong khi con số này ở Thái Lan là 52%.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, đến năm 2025, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt khoảng 4.688 USD (CAGR 2020-2025 đạt 5,8%), đưa Việt Nam vào nhóm các nước có thu nhập cao. Đồng thời, Nikkei dự kiến dân số tầng lớp trung lưu Việt Nam sẽ tăng mạnh trong 10 năm tới (chiếm 30,6% dân số Việt Nam năm 2030). Những điều này cho thấy sự gia tăng nhu cầu đối với tất cả các loại hàng hóa cao cấp, trong đó có ô tô cá nhân.

Bên cạnh đó, theo lộ trình cắt giảm thuế của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Việt Nam sẽ cắt giảm thuế nhập khẩu từ thị trường EU với mức giảm trung bình 7%/năm và về mức 0% trong 10 năm. Đây được xem là cơ hội để người tiêu dùng Việt Nam mua xe châu Âu với giá thấp hơn.

Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 57/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, bao gồm giảm thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu và linh kiện không thể sản xuất trong nước để sản xuất, gia công (lắp ráp) về 0%. Chính sách này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường lắp ráp ô tô và tăng cường chuỗi giá trị của toàn ngành. Theo đó, các hãng xe như Mitsubishi, Honda, Nissan và Suzuki đã lên kế hoạch lắp ráp nhiều mẫu xe tại Việt Nam.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 103/NĐ-CP miễn giảm 50% phí trước bạ trong 6 tháng kể từ ngày 1/12/2021 đến 31/5/2022. So sánh với chính sách ưu đãi phí trước bạ tương tự có hiệu lực từ tháng 6 - 12/2020 đã thúc đẩy đáng kể nhu cầu ô tô trong năm 2020 (tổng doanh số bán ô tô toàn thị trường 6 tháng cuối năm 2020 đạt 189.451 chiếc, tăng 76% so với 6 tháng đầu năm 2020 và 33,1% so với cùng kỳ năm trước), thì rất có thể chính sách ưu đãi này của Chính phủ sẽ là động lực chính cho sự phục hồi của ngành ô tô vào năm 2022.

“Với dự báo lượng xe bán ra từ giai đoạn 2021-2030 là 14,9%, ước tính Việt Nam sẽ đạt tỷ lệ 9% dân số sở hữu ô tô vào năm 2025, tương đương với mức hiện tại của Ấn Độ và Phillipines và 30% vào năm 2030”, Công ty Chứng khoán VNDIRECT (VND) nhận xét.

“Thời điểm vàng” để đầu tư vào các cổ phiếu ngành ô tô

Cũng theo VNDirect, những yếu tố trên sẽ có thể tác động tích cực đến các nhà phân phối ô tô cũng như các mã cổ phiếu ô tô trong thời gian tới như CTCP dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (SVC), Tổng công ty Máy động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam – CTCP (VEA), CTCP City Auto (CTF), CTCP Dịch vụ ô tô Hàng Xanh (HAX).

"Thời điểm vàng" để đầu tư vào các cổ phiếu ô tô. (Ảnh: Int)

"Thời điểm vàng" để đầu tư vào các cổ phiếu ô tô. (Ảnh: Int)

Đặc biệt, HAX sẽ được hưởng lợi từ chính sách ưu đãi từ Chính phủ khi hầu hết các mẫu xe của HAX đều được lắp ráp tại Việt Nam. Trong đó, doanh số bán xe Mercedes có thể tăng cao hơn nhờ ra mắt nhiều mẫu xe mới và mở rộng mạng lưới showroom cùng những chính sách cực kỳ ưu đãi trong thời gian gần đây. Đây sẽ là đóng góp không nhỏ vào tổng doanh thu của HAX.

“Nhà đầu tư nên quan tâm tới HAX nhờ triển vọng tiêu thụ xe Mercedes tăng khi tầng lớp trung lưu và thượng lưu ở Việt Nam đang tăng dần. Bên cạnh đó, thuế nhập khẩu ô tô và linh kiện sản xuất ô tô từ châu Âu sẽ giảm, giúp giá xe Mercedes cạnh tranh hơn”, Công ty chứng khoán FPT (FPTS) nhận định.

Trong khi đó, kỳ vọng Toyota Cross và Toyota Raize là những động lực tăng trưởng lợi nhuận chính của VEA trong năm 2022 nhờ vào xu hướng sử dụng ngày càng tăng của người tiêu dùng đối với dòng xe CUV và xe điện hybrid.

Trên thị trường chứng khoán, hiện HAX và VEA đang giao dịch với P/ E trượt lần lượt là 14,3 lần và 10,1 lần, thấp hơn 12,5% và 39,5% so với mức trung bình của các công ty cùng ngành trong khu vực.

Đáng chú ý, trong ngày thông tin từ chính sách ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ của Chính phủ chính thức được ban hành (26/11), cổ phiếu HAX đóng cửa tăng kịch trần lên 28.750 đồng/cp, VEA cũng không kém cạnh khi tăng 4,4% lên mức 47.100 đồng/cp. Ngoài ra, cổ phiếu SVC và CTF cũng tăng lần lượt là 6,8% và 0,2% khi đóng cửa cùng ngày

Trước đó, trong tuần giao dịch từ 15 - 19/11, cùng với nhóm chứng khoán, nhóm ô tô phụ tùng là nhóm được đánh giá tăng mạnh nhất (9,46%) với sự dẫn dắt bởi CSM (CTCP Công nghiệp cao su miền Nam), TCH (CTCP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy), VKC (CTCP Cáp Nhựa Vĩnh Khánh), HHS (CTCP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy) và HAX.

Điều đó cho thấy các nhà đầu tư đang rất kỳ vọng ở nhóm ngành này và “hiện tại chính là thời điểm vàng để đầu tư vào các cổ phiếu ngành ô tô”, VNDIRECT khuyến nghị.

Tuy nhiên, thị trường ô tô cuối năm 2021 vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình phục hồi.

Các doanh nghiệp cho biết, do tiêu thụ ô tô vào cuối năm 2020 và quý I/2021 khả quan nên đã đẩy mạnh sản xuất lắp ráp, nhập khẩu xe đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, sang quý II, dịch Covid bùng phát với diễn biến phức tạp kéo dài, nhu cầu giảm đột ngột đã dẫn đến tồn kho lớn. Do đó, thị trường ô tô cuối năm 2021 có thể sẽ biến động mạnh.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, thị trường ô tô tăng trưởng trở lại là nhờ sự kiểm soát tốt dịch bệnh của Nhà nước và sự điều chỉnh các chính sách nới lỏng. Vì vậy, việc tăng trưởng này vẫn chưa thực sự nói lên được nhiều điều vì thị trường ô tô đã chịu rất nhiều ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Hiện tại, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, trong khi kinh tế tư nhân cũng đã bị ảnh hưởng rất nhiều trước đó nên mua xe sẽ không phải là ưu tiên vào thời điểm này. Tương tự với xe để chạy dịch vụ hay kinh doanh, mọi người cũng đắn đo vì dịch bệnh.

Ngoài ra, nhiều khả năng giá xe ô tô vẫn duy trì ở mức thấp với nhiều ưu đãi để kích cầu, dẫn tới lợi nhuận của ngành ô tô bị ảnh hưởng.

Theo SSI Research: “Chúng tôi vẫn duy trì quan điểm trung lập với ngành ô tô cho năm 2022 vì các yếu tố cơ bản của ngành vẫn hấp dẫn”.

Hải Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//co-phieu/trien-vong-co-phieu-o-to-khi-thi-truong-dan-hoi-phuc-1082497.html