Triển vọng xuất khẩu nông sản Việt Nam: Nắng đẹp nhưng còn mây mù
Theo số liệu mới nhất được công bố, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản 6 tháng đầu năm 2024 đạt 29,2 tỷ USD với hầu hết các nhóm lĩnh vực đều tăng trưởng dương. Đi cùng với sự tăng trưởng không ngừng nghỉ, xuất khẩu nông sản Việt Nam vẫn phải đối mặt với một số khó khăn...
Những năm gần đây, xuất khẩu nông sản luôn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam với tốc độ phát triển bứt phá ngoạn mục. Là đất nước có nguồn tài nguyên nông nghiệp dồi dào và tiềm năng xuất khẩu lớn nhưng việc xuất khẩu nông sản lại gặp một số thách thức như cạnh tranh giữa các nước, thời gian thu hoạch ngắn, sản phẩm tươi mau hỏng…
TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN MẠNH
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản 6 tháng đầu năm 2024 đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, hầu hết các nhóm lĩnh vực đều tăng trưởng dương.
Đóng góp vào kết quả trên, có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD.
Cụ thể, cà phê đạt 3,22 tỷ USD, cao su đạt 1,1 tỷ USD, gạo đạt 2,98 tỷ USD, rau quả đạt 3,43 tỷ USD, hạt điều đạt 1,92 tỷ USD, tôm đạt 1,63 tỷ USD, sản phẩm gỗ đạt 4,99 tỷ USD.
Trong đó, gạo và hạt điều là 2 sản phẩm tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu. Trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 4,68 triệu tấn (tăng 10,4%), giá trị tăng 32%; hạt điều đạt 350.000 tấn (tăng 24,9%), giá trị tăng 17,4%.
Riêng mặt hàng cà phê, tuy khối lượng đạt 902.000 tấn (giảm 10,5%) nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng 50,4% nên giá trị xuất khẩu tăng đạt 3,22 tỷ USD (34,6%).
Việc đạt được kim ngạch hơn 3 tỷ USD chỉ trong nửa năm là kỷ lục trong lịch sử của ngành hàng này. Bởi đây cũng là con số tương đương với kim ngạch xuất khẩu các loại cà phê của cả năm 2021.
Cà phê của Việt Nam hiện được hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đặt mua. Trong tháng 5/2024, cà phê Việt Nam xuất khẩu sang phần lớn các thị trường truyền thống và tiềm năng đều giảm, trừ Trung Quốc.
Tính chung đến hết ngày 15/6, Việt Nam đã giảm xuất khẩu cà phê sang các nước như Đức, Ý, Mỹ, Nga. Ngược lại, tăng xuất khẩu sang những thị trường như Tây Ban Nha, Nhật Bản, Philippines, Indonesia, Hà Lan và Trung Quốc.
Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), xuất khẩu cà phê của Việt Nam giảm vì lượng xuất khẩu cao trong niên vụ 2022 – 2023 và một năm ngoài chu kỳ sản xuất hai năm một.
Hiệp hội Cà phê – Ca Cao Việt Nam (VICOFA) thông tin, nguồn cung cà phê ở trong nước gần như đã cạn. Hơn nữa, hàng tồn kho của doanh nghiệp và nông dân cũng không nhiều.
Vì vậy, từ nay đến cuối tháng 9/2024, lượng xuất khẩu của nước ta sẽ giảm dần, dù giá cà phê đang ở mức cao kỷ lục.
Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cà phê các loại sẽ đạt trên 5 tỷ USD. Đây sẽ là mức cao nhất trong lịch sử.
Với ngành rau quả, sầu riêng, thanh long, chuối, nhãn... đều là những mặt hàng trái cây đóng góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu nửa đầu năm, bên cạnh các sản phẩm chế biến. Trong khi đó, các thị trường chủ lực cũng ghi nhận mức tăng 10 - 50% so với cùng kỳ năm 2023, trừ Hà Lan giảm mua.
Trung Quốc, Thái Lan và Hàn Quốc vẫn là những thị trường lớn. Hết tháng 5/2024, những nước này đã nhập tăng 30 - 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Thái Lan chi 74,5 triệu USD và Hàn Quốc là 136 triệu USD mua rau quả Việt.
Riêng Trung Quốc, 5 tháng đầu năm, nước này đã mua 1,7 tỷ USD nông sản Việt, tăng 33% so với cùng kỳ 2023. Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nông sản Việt có nhiều lợi thế xuất sang đây nhờ vị trí địa lý, tương đồng trong văn hóa ẩm thực.
Sầu riêng là một trong số nông sản được thị trường tỷ dân này ưa chuộng. Hồi tháng 4, Việt Nam lần đầu vượt Thái Lan về xuất khẩu loại quả này sang Trung Quốc với 32.750 tấn.
Dự báo từ tháng 7 trở đi, nhu cầu tiêu thụ nông sản thường cao hơn nên mục tiêu xuất khẩu đến cuối năm vào khoảng 54 tỷ USD là có thể đạt được.
Ông Nguyên dự báo, xuất khẩu rau quả năm nay tiếp tục tăng trưởng 15 - 20%. Nếu tận dụng tốt các cơ hội từ các nghị định thư, xuất khẩu rau quả có thể đạt 7 tỷ USD. Mức này tăng 0,5 - 1 tỷ USD so với kế hoạch đưa ra cuối năm ngoái của ngành nông nghiệp.
Đánh giá chung toàn ngành, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, năm 2024, Thủ tướng Chính phủ kỳ vọng ngành nông nghiệp xuất khẩu đạt khoảng 54 tỷ USD. Hiện, Bộ đã xuất khẩu đạt hơn 50% chỉ tiêu của Thủ tướng đặt ra (29,2 tỷ USD).
Thời gian tới, Bộ sẽ chỉ đạo sản xuất lúa vụ hè thu, vụ thu đông và vụ mùa phù hợp với diễn biến thời tiết và thị trường. Theo dõi sát sản xuất các cây công nghiệp, cây ăn quả, đặc biệt đối với cây ăn quả chủ lực như thanh long, nhãn, sầu riêng, xoài, chôm chôm để có chỉ đạo rải vụ phù hợp, tăng tỷ lệ sản phẩm có chứng nhận.
NHIỀU THÁCH THỨC PHÍA TRƯỚC
Nhìn những số liệu nửa đầu năm 2024 trên, có thể thế xuất khẩu nông sản Việt Nam đang phát triển rất mạnh mẽ và có nhiều tiềm năng tiến xa hơn nữa. Tuy nhiên, nông sản Việt vẫn gặp phải một số thách thức.
Tại hội nghị “Xúc tiến xuất khẩu nông sản mùa vụ”, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, hiện nay, cạnh tranh về mặt hàng nông sản, trái cây cùng loại giữa các nước tham gia xuất khẩu ngày càng khốc liệt.
Để các mặt hàng nông sản mang thương hiệu Việt Nam, các sản phẩm nông sản mang nhãn hiệu Việt Nam xuất hiện rộng rãi và khẳng định giá trị trên các kệ hàng hóa tại hệ thống phân phối quốc tế đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu và người sản xuất phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, thích ứng các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, yêu cầu kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, hàng hóa, truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu,...
Đồng quan điểm, ông Đỗ Ngọc Hưng, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ nhận định, mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đang gặp một số khó khăn bởi tính mùa vụ thời gian thu hoạch ngắn, sản phẩm tươi mau hỏng. Khoảng cách địa lý xa làm phát sinh thời gian và chi phí phí vận chuyển.
Đồng thời, cạnh tranh từ các thị trường Nam Mỹ, châu Á có cùng sản phẩm. Công nghệ bảo quản còn hạn chế, sản phẩm qua quá trình chiếu xạ bị thay đổi nhiệt độ nên không giữ được chất lượng ban đầu, độ tươi ngon giảm nhiều sau khi hàng cập cảng.
Quy mô sản xuất trong nước còn nhỏ lẻ, khó đáp ứng được số lượng và yêu cầu từ nhà nhập khẩu. Chưa đầu tư đúng mức về khâu đóng gói, bao bì, mẫu mã và quảng bá tại thị trường Hoa Kỳ.
Về phía Bộ Công Thương, theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, trong thời gian tới, ngành xuất khẩu nông sản Việt Nam phải đối mặt với 3 thách thức lớn.
Những thách thức gồm tiêu chuẩn chất lượng, các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa của các thị trường nhập khẩu ngày càng cao; các nước đều có xu hướng bảo vệ nền sản xuất trong nước, dẫn đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có nguy cơ đối mặt với các vụ kiện thương mại ngày càng nhiều; phát triển bền vững, giảm phát thải carbon và bảo vệ môi trường là những xu hướng tất yếu tại hầu khắp các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Do vậy, nhiều chính sách hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp đã được triển khai, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Đặc biệt, chú trọng sinh thái, môi trường, con người và phát triển bền vững, kịp thời bắt nhịp với xu thế phát triển của thị trường thế giới.