Triều Tiên có nguy cơ cạn tiền, đói kém vì Trung Quốc siết cấm vận

Triều Tiên không còn buôn bán được qua biên giới với Trung Quốc sau khi bị nước láng giềng cấm vận. Trước nạn đói kề cận, liệu ông Kim Jong-un có thực sự từ bỏ vũ khí hạt nhân?

6 tháng trước, cảng Quanhe gần thành phố Hunchun (Hồn Xuân) của Trung Quốc ở biên giới giáp Triều Tiên còn tấp nập hàng hóa, là cầu nối buôn bán giúp Triều Tiên có nguồn lực để phát triển vũ khí hạt nhân.

Hàng trăm xe tải xếp hàng ở phía Trung Quốc mỗi sáng, chở lương thực, vật liệu xây dựng và hàng tiêu dùng sang Triều Tiên, sau đó lại chất đầy hải sản, hàng dệt may và than xuất khẩu của Triều Tiên về bán ở Trung Quốc.

Nhưng cảnh tượng đó đã là quá khứ. Sau nhiều tháng bị Mỹ chỉ trích, Trung Quốc đang thắt chặt lệnh trừng phạt quốc tế mà Washington kỳ vọng sẽ gây áp lực buộc Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng hạt nhân.

Một điều tra của Wall Street Journal ở các thành phố Trung Quốc giáp ranh với Triều Tiên cho thấy các lệnh trừng phạt đang tác động mạnh đến các thương nhân Trung Quốc và bắt đầu ảnh hưởng đến Triều Tiên, khiến xí nghiệp đóng cửa, giá cả lên cao và điện bị cắt ở một số nơi.

Điều này có thể khiến Triều Tiên rơi vào khủng hoảng kinh tế vào năm 2019, theo các nhà nghiên cứu và các quan chức theo dõi nước này.

Người đi tới thành phố Hunchun (Hồn Xuân) của Trung Quốc từ Triều Tiên bên kia biên giới. Ảnh: AFP.

Người đi tới thành phố Hunchun (Hồn Xuân) của Trung Quốc từ Triều Tiên bên kia biên giới. Ảnh: AFP.

Xưởng đóng cửa, hàng tồn kho

Một buổi sáng gần đây, trạm kiểm soát ở Quanhe chỉ có khoảng chục người. Một thương nhân Trung Quốc đang trên đường tới cảng Rason bên phía Triều Tiên để kiểm tra xưởng may của mình. Ông phải đóng cửa xưởng vào tháng 11/2017, sau khi Trung Quốc cấm hàng may mặc của Triều Tiên. 200 công nhân Triều Tiên bị mất việc. Một nửa lương của họ lẽ ra sẽ nộp cho chính phủ Bình Nhưỡng.

Trong chuyến đi Rason vài ngày trước, ông thấy giá ắc quy nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 50% so với năm ngoái, vì lệnh cấm vận khiến hàng hóa khan hiếm, còn hải sản Triều Tiên giảm giá một nửa vì không thể xuất khẩu. “Có hơn chục xưởng may như của tôi ở Rason, và hàng nghìn người làm nghề hải sản”, ông nói với Wall Street Journal. “Giờ họ thất nghiệp hết”.

 Lượng người đi qua cầu Hữu nghị nối Đan Đông, Trung Quốc và Sinuiju, Triều Tiên, đã giảm. Ảnh: AFP.

Lượng người đi qua cầu Hữu nghị nối Đan Đông, Trung Quốc và Sinuiju, Triều Tiên, đã giảm. Ảnh: AFP.

Các thương nhân Trung Quốc khác có cùng nhận định. Họ nói cua và mực của họ bị tồn kho ở Rason từ nhiều tháng nay. Từ tháng 1, biên phòng Trung Quốc không cho họ mang về nước dù chỉ một lượng nhỏ thuốc lá Triều Tiên.

Wall Street Journal cho biết buôn lậu vẫn tiếp diễn qua con sông dọc biên giới 2 nước. Còn trên biển, từ tháng 1, máy bay của quân đội Nhật Bản đã 4 lần phát hiện tàu Triều Tiên nhận hàng trên biển quốc tế.

Tuy vậy, sau 2 lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc (LHQ), lượng hàng Triều Tiên xuất sang Trung Quốc giảm mạnh, gây thiệt hại đáng kể cho Triều Tiên. Con số này giảm 1/3 nếu trong năm 2017, và giảm 82% nếu tính riêng tháng 12. Lượng hàng Trung Quốc xuất sang Triều Tiên hàng tháng cũng giảm so với năm trước, kể từ tháng 7/2017. Xuất khẩu các loại dầu giảm xuống còn 0 từ tháng 10/2017, theo thống kê chính thức.

Các quan chức nhiều nước, vốn hoài nghi số liệu của chính phủ Trung Quốc, cũng đồng ý rằng thương mại của nước này với Triều Tiên đã sụt giảm trong những tháng gần đây.

Chuyến tàu đi Bình Nhưỡng giờ đây chở nhiều lao động Triều Tiên về nhà, sau khi nhiều nước từ Ba Lan đến Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) tuân thủ lệnh của LHQ giới hạn việc thuê lao động Triều Tiên. Ở Yanji (Diên Cát), thành phố Trung Quốc gần biên giới, các doanh nghiệp cũng trục xuất lao động Triều Tiên khi họ mãn hạn visa.

Bất lợi hơn trong ván cờ với Mỹ

Vị trí các địa danh Dandong, Yanji và Quanhe bên phía Trung Quốc. Bên kia biên giới là Sinuiju và Rason của Triều Tiên. Đồ họa: Wall Street Journal.

Vị trí các địa danh Dandong, Yanji và Quanhe bên phía Trung Quốc. Bên kia biên giới là Sinuiju và Rason của Triều Tiên. Đồ họa: Wall Street Journal.

Ngày 6/3, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nói khi gặp một phái đoàn Hàn Quốc rằng ông sẵn sàng đàm phán với Mỹ về việc giải trừ vũ khí hạt nhân. Ông cũng nói sẽ tạm dừng các hoạt động thử tên lửa và hạt nhân trong quá trình đối thoại, theo phái đoàn Hàn Quốc.

Trước đó, ông Kim nói bóng gió trong diễn văn năm mới rằng nền kinh tế đang gặp “trở ngại chưa từng có”. Các quan chức Triều Tiên vẫn một mực khẳng định nước này sẽ không từ bỏ hạt nhân vì cấm vận.

Các chuyên gia và quan chức Mỹ cáo buộc Triều Tiên vẫn có tiền cho vũ khí hạt nhân nhờ đánh cắp tiền ảo và bán vũ khí cho Trung Đông. Họ cũng nói Triều Tiên vẫn sẽ phân phối hàng hóa cho thủ đô Bình Nhưỡng, đẩy gánh nặng cho những nơi khác.

Mỹ nói chỉ vài tháng nữa Triều Tiên sẽ có thể phóng tên lửa hạt nhân tới đất Mỹ, đồng thời cảnh báo không loại trừ khả năng tấn công phủ đầu Triều Tiên.

Để ngỏ khả năng đối thoại nhưng Washington tiếp tục trừng phạt “gây sức ép mạnh mẽ nhất” để buộc ông Kim dừng thử tên lửa và cam kết phi hạt nhân hóa. Tuần trước, chính quyền Trump ra lệnh trừng phạt mới nhắm vào các công ty thương mại và chở hàng.

Nhiều xe tải đi qua cầu Hữu Nghị 6 tháng trước. Ảnh: AFP.

Nhiều xe tải đi qua cầu Hữu Nghị 6 tháng trước. Ảnh: AFP.

Lo ngại 60.000 trẻ em thiếu đói

Các thương gia, nhà ngoại giao và các nguồn tin nói với Wall Street Journal tạm thời Triều Tiên không thiếu hụt lương thực, và giới thượng lưu vẫn mua được các hàng xa xỉ bằng dự trữ ngoại tệ có được nhiều năm xuất khẩu than. Các nhân chứng đã thấy nhiều người Triều Tiên ăn mặc chỉnh tề mang dâu, nho và quả kiwi lên chuyến tàu đi về Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, trong những tháng tới, dự trữ lương thực và ngoại tệ sẽ cạn dần, khiến nước này khó nhập khẩu được các mặt hàng thiết yếu.

Trước khi bị cấm vận, giới lãnh đạo và thương gia Triều Tiên nắm giữ ít nhất 3 tỷ USD tiền mặt, theo ước tính của giáo sư kinh tế Kim Byung-yeon tại Đại học Quốc gia Seoul ở Hàn Quốc. Nhưng Bình Nhưỡng đã nhập siêu tới một nửa dự trữ ngoại tệ đó, tức 1,5 tỷ USD, từ tháng 3/2017, và GDP đã giảm 2% vào năm ngoái, theo ước tính của ông. Ông nói Triều Tiên khó tránh khỏi cạn kiệt ngoại tệ.

Không nhập khẩu được dầu mỏ và vật liệu thô làm nguyên liệu sản xuất, Bình Nhưỡng có thể sớm rơi vào tình trạng khan hiếm lương thực. Quỹ nhi đồng LHQ nói lệnh cấm vận đang làm chậm các gói viện trợ, và 60.000 trẻ em Triều Tiên có thể tử vong vì nạn đói.

Trong khi đó, giới thượng lưu nước này vẫn có hàng xa xỉ như xe riêng, quán cà phê, iPad, trượt tuyết. Họ ngày càng hiểu thêm về các nước láng giềng giàu có hơn như Trung Quốc và Hàn Quốc qua băng đĩa phim lậu, theo những người từng tới Triều Tiên và những người trốn khỏi đây.

Thăm dò dư luận Triều Tiên một cách khoa học là điều không tưởng. Nhưng Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington bí mật thăm dò 50 người dân ở đây. Kết quả, 35 người cho rằng lệnh trừng phạt gây thiệt hại kinh tế, và 43 người không mấy ủng hộ chương trình hạt nhân.

Triều Tiên “không để thế giới nhìn thấy, nhưng tình hình đang rất khó khăn”, Jin Qiangyi của đại học Diên Biên ở Diên Cát, Trung Quốc nói. “Nếu tiếp tục cấm vận, nhiều người sẽ chết đói”. Ảnh: AFP.

Triều Tiên “không để thế giới nhìn thấy, nhưng tình hình đang rất khó khăn”, Jin Qiangyi của đại học Diên Biên ở Diên Cát, Trung Quốc nói. “Nếu tiếp tục cấm vận, nhiều người sẽ chết đói”. Ảnh: AFP.

Tác động của lệnh cấm vận thể hiện rõ ở các thành phố Trung Quốc ở biên giới, như Hunchun (Hồn Xuân), từng là đầu mối buôn bán hải sản Triều Tiên.

Lin Qinggang, đứng cạnh bể cá trống không ở cửa hàng hải sản của mình, nói ông từng bán được 25 tấn tôm, cua và các hải sản khác từ Triều Tiên. Nhưng từ tháng 8/2017 doanh số chỉ còn 30%, và ông chỉ bán một lượng nhỏ tôm nhập khẩu từ Nga với giá đắt.

Ông nhớ lại mình đang ở Rason bên phía Triều Tiên lúc 6h một tối tháng 8 khi nghe tin Trung Quốc sẽ bắt đầu cấm hải sản lúc nửa đêm. Ông không kịp đưa lô hàng hải sản 16.000 USD của mình qua biên giới.

Ở thành phố Đan Đông bên phía Trung Quốc, lượng người đi xuyên biên giới đã giảm 80%. Một người Triều Tiên ở thành phố Sinuiju bên kia sông nói giá xăng dầu đã tăng gấp đôi, và điện sinh hoạt từng được cung cấp cả ngày giờ chỉ còn 3-5 giờ mỗi ngày. Ban đêm, thành phố này chìm trong bóng tối.

Nơi Trung Quốc huy động 150.000 quân phòng chiến tranh Triều Tiên Thị trấn Đan Đông chỉ cách Triều Tiên một con sông và là nơi quân đội Trung Quốc triển khai nhiều binh lính cùng vũ khí hạng nặng do lo ngại chiến tranh có thể nổ ra.

Trọng Thuấn

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/trieu-tien-co-nguy-co-can-tien-doi-kem-vi-trung-quoc-siet-cam-van-post823673.html