Triều Tiên lại phóng tên lửa: Chiêu cũ có đủ với người mới?

Baoquocte.vn. Việc Triều Tiên sử dụng các vụ phóng tên lửa đạn đạo như một công cụ chính sách là không mới, nhưng liệu chiến thuật này có hiệu quả với ông Joe Biden?

Cụ thể, 7 giờ sáng ngày 25/3 (giờ địa phương), Triều Tiên đã phóng hai tên lửa đạn đạo từ bờ biển phía Đông. Đây là vụ phóng tên lửa đạn đạo đầu tiên của Bình Nhưỡng từ ngày 29/3/2020. Một ngày sau, Triều Tiên khẳng định vật thể trên là tên lửa dẫn đường chiến thuật mới phát triển, được cho là phiên bản cải tiến của tên lửa KN-23 với “đầu đạn cực lớn” và có thể bay ở độ cao thấp.

Trước đó, ngày 21/3, Triều Tiên cũng đã phóng hai tên lửa hành trình tầm ngắn ngoài khơi biển Hoàng Hải, đánh dấu vụ thử vũ khí đầu tiên của Bình Nhưỡng từ khi ông Joe Biden lên nắm quyền.

Hình ảnh tên lửa Triều Tiên được phóng đi ngày 25/3 do KCNA cung cấp. (Nguồn: KCNA)

Hình ảnh tên lửa Triều Tiên được phóng đi ngày 25/3 do KCNA cung cấp. (Nguồn: KCNA)

Dường như các động thái của Triều Tiên kể từ ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ cho thấy Bình Nhưỡng rất mong muốn thu hút sự chú ý của Washington.

Đầu tiên, tại Đại hội đảng Lao động Triều Tiên lần thứ 8 tháng 1/2021, nhà lãnh đạo Kim Jong-un khẳng định Triều Tiên “để ngỏ cánh cửa” cho đối thoại, song Mỹ “cần phải từ bỏ chính sách thù địch với Triều Tiên”. Đây là cách Bình Nhưỡng đánh tiếng về việc sẵn sàng khởi động lại quan hệ với Washington một khi các yêu cầu về dỡ bỏ cấm vận của nước này được đáp ứng.

Tuy nhiên, sau khi cành olive bị bỏ lỡ, Triều Tiên đã trở lại cách tiếp cận cũ: Cắt đứt quan hệ với đối tác một thời là Malaysia sau khi nước này dẫn độ công dân Triều Tiên sang Mỹ cuối tuần qua, Bình Nhưỡng đã chỉ trích Washington “gây tổn hại tới chủ quyền, quyền được tồn tại và phát triển.”

Việc nối lại hoạt động phóng thử tên lửa đạn đạo sau 1 năm một lần nữa cho thấy nỗ lực của Bình Nhưỡng nhằm kết nối với Washington, dù là thông qua đấu khẩu trên truyền thông hay ngoại giao trên bàn đàm phán. Sự vắng mặt của ông Kim Jong-un tại hoạt động quan trọng này có thể là cách ông đánh tiếng rằng những vụ phóng tên lửa như vậy sẽ xuất hiện thường xuyên hơn nếu Mỹkhông có phản ứng. Tuy nhiên, Washington đã không mang đến câu trả lời mà Bình Nhưỡng mong muốn.

Phát biểu ngày 25/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định sẽ “phản ứng” nếu Triều Tiên leo thang căng thẳng và cho biết Washington đang chuẩn bị biện pháp ngoại giao, với mục tiêu cuối cùng là phi hạt nhân hóa. Trong khi đó, Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của quân đội Mỹ nhấn mạnh các vụ phóng tên lửa cho thấy rõ mối đe dọa từ chương trình vũ khí bất hợp pháp của Triều Tiên với láng giềng và cộng đồng quốc tế, khẳng định đang theo dõi tình hình và tham khảo ý kiến đồng minh.

Về phần mình, Phủ Tổng thống Hàn Quốc đã triệu tập họp khẩn Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC).

Trong khi đó, Thủ tướng Suga Yoshihide thông báo về hai tên lửa đạn đạo rơi tại biển Nhật Bản nhưng nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế. Ông Suga chỉ trích hành động của Triều Tiên vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Đồng thời, Thủ tướng Suga cũng triệu tập Hội đồng An ninh Quốc gia để phân tích các ý đồ của Triều Tiên và thảo luận biện pháp ứng phó,

Khi ấy không loại trừ khả năng Triều Tiên sẽ duy trì cách tiếp cận gay gắt, gia tăng tần suất phóng tên lửa thời gian tới. Song tính đến thời điểm hiện tại, rõ ràng chiêu cũ là chưa đủ với người mới.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/trieu-tien-lai-phong-ten-lua-chieu-cu-co-du-voi-nguoi-moi-140423.html