Triều Tiên - Mỹ: Nỗ lực thúc đẩy đối thoại
Triều Tiên hôm đầu tuần này đã ca ngợi cuộc họp diễn ra hôm cuối tuần trước giữa Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump ở khu phi quân sự (DMZ) là 'lịch sử' và 'thú vị', trong khi giới phân tích cho rằng Bình Nhưỡng đang tìm cách định hình chương trình nghị sự của riêng họ.
Sự kiện lịch sử
Sau cuộc họp quan trọng, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí “nối lại và thúc đẩy các vòng đối thoại mang tính xây dựng để đạt bước đột phá trong giải giáp hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên” – Hãng thông tấn nhà nước KCNA của Triều Tiên cho hay.
Sau lời mời mà ông Trump đưa ra trên mạng xã hội Twitter hôm thứ Bảy tuần trước, hai nhà lãnh đạo đã gặp gỡ tại DMZ. Ông Trump và ông Kim đã bắt tay nhau ngay tại đường phân giới chia tách hai miền Triều Tiên, trước khi cả hai bước sang phần lãnh thổ của Triều Tiên. Bằng việc này, ông Trump đã trở thành vị Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đặt chân trên lãnh thổ Triều Tiên.
“Các lãnh đạo chóp bu của Triều Tiên và Mỹ đã có cú bắt tay lịch sử tại Panmunjom, và đó là một sự kiện thú vị” - KCNA cho hay, mô tả ngôi làng hòa bình này như một “nơi vốn nổi tiếng là biểu tượng của sự chia cắt”. Hãng thông tấn này thêm rằng, cuộc họp được tổ chức “theo đề nghị của ông Trump”.
Cuộc gặp gỡ tại DMZ - nơi mà Tổng thống Mỹ nói rằng hai bên nhất trí nối lại các vòng đối thoại cấp làm việc về chương trình hạt nhân Triều Tiên trong vài tuần tới – chứa đầy những điều mang tính biểu tượng.
Việc ông Trump bước chân qua đường phân giới là sự kiện đáng chú ý nhất, khiến nhiều người nhớ lại khung cảnh tương tự hồi năm ngoái khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng có động thái tương tự. “Việc các bạn đề nghị tôi bước qua đường phân giới đó là một niềm vinh dự với tôi, và tôi rất tự hào khi bước qua nó” – ông Trump nói với ông Kim.
KCNA còn mô tả đó là một “khoảnh khắc lịch sử”, đánh dấu “lần đầu tiên trong lịch sử” mà một vị Tổng thống Mỹ đương nhiệm đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên.
Một số bức ảnh về cuộc họp giữa lãnh đạo hai nước – trong đó có bức ảnh ông Trump và ông Kim đứng ở hai bên của đường phân giới để bắt tay nhau, sau đó bước qua nó - được đăng tải trên trang nhất của tờ Rodong Sinmun.
Hai lãnh đạo sau đó họp riêng tại Nhà Tự do ở lãnh thổ Hàn Quốc trong khoảng 50 phút. Ông Trump thông báo hai bên sẽ khởi động lại nỗ lực đàm phán hạt nhân đã bị ngưng trệ kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai.
Nguồn lực mới
Giới phân tích thì đưa ra nhiều quan điểm trái chiều về các sự kiện diễn ra trong hôm Chủ nhật tuần trước, trong đó một số nói rằng các sự kiện trên đã làm nảy sinh động lực mới cho các vòng đàm phán hạt nhân đang bị bế tắc, trong khi bên còn lại mô tả các sự kiện chỉ mang tính tượng trưng.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều đầu tiên được tổ chức tại Singapore hồi năm ngoái tuy đưa ra được Tuyên bố chung, nhưng theo giới phân tích, nó chỉ gồm những lời cam kết trống rỗng về giải giáp hạt nhân. Hội nghị thượng đỉnh thứ hai tổ chức hồi tháng 2 năm nay không đưa ra được Tuyên bố chung như kỳ vọng do các bên bất đồng về việc gỡ bỏ cấm vận.
Kể từ sau đó, mối liên lạc giữa hai bên rất hạn chế - Bình Nhưỡng thường xuyên đưa ra những lời chỉ trích nhằm vào quan điểm của Mỹ, nhưng lãnh đạo hai nước lại trao đổi nhiều thư từ cho nhau trước khi ông Trump đưa ra lời mời gặp gỡ ở DMZ.
Ngoài sự thống nhất về việc nối lại các vòng đàm phán cấp làm việc, ông Trump còn nêu ý tưởng gỡ bỏ bớt các lệnh cấm vận với Triều Tiên và còn có lời mời ông Kim Jong-un tới Nhà Trắng. Chuyến thăm như vậy sẽ diễn ra “đúng thời điểm” - ông Trump nói. Trong khi đó, Hãng KCNA lại đưa ra ít chi tiết hơn, chỉ nói rằng ông Kim và ông Trump đã thảo luận về “nhiều vấn đề mà cả hai bên cùng quan tâm”.
Tổng thống Trump thường gọi Chủ tịch Kim là một “người bạn” và KCNA cũng ca ngợi “mối quan hệ cá nhân tốt đẹp” giữa hai nhà lãnh đạo, nói rằng mối quan hệ này sẽ giúp tạo ra những kết quả tốt đẹp, trở thành một nguồn lực mới giúp cho hai nước vượt qua những khác biệt và trở ngại.