Triều Tiên nuôi thiên nga đen, in phiếu giải quyết khó khăn lương thực

Cơ quan tình báo Hàn Quốc tiết lộ Triều Tiên đang buộc phải đổi mới để giải quyết các vấn đề kinh tế và tình trạng thiếu lương thực bắt nguồn từ việc đóng cửa biên giới kéo dài vì đại dịch Covid-19.

Theo Reuters, khi vụ thu hoạch sắp kết thúc, giới quan sát quốc tế cho rằng tình hình kinh tế và lương thực tại Triều Tiên đang gặp khó khăn. Đồng thời, có những dấu hiệu cho thấy nước này đang gia tăng giao lưu thương mại và nhận được các lô hàng viện trợ nhân đạo lớn thông qua Trung Quốc.

Thiên nga đen được nhân giống và nuôi tại trang trại vịt Kwangpho, phía đông Triều Tiên. Ảnh: KCTV.

Trong phiên điều trần kín tại quốc hội hôm 28/10, cơ quan tình báo Hàn Quốc phát biểu cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ra lệnh kêu gọi “đảm bảo an toàn cho từng hạt gạo, đảm bảo an toàn và nỗ lực hết mình cho hoạt động sản xuất nông nghiệp”.

Tuy nhiên, cơ quan tình báo Hàn Quốc đánh giá vụ thu hoạch năm nay có thể khả quan hơn năm ngoái vì thời tiết nắng hơn. Ngoài ra, cơ quan này cho biết Triều Tiên cũng đang thực hiện các bước trong công tác chuẩn bị mở lại biên giới với Trung Quốc và Nga trong những tháng tới.

In phiếu mua hàng, nuôi thiên nga đen

Ngân hàng trung ương Triều Tiên in phiếu mua hàng trong bối cảnh nước này thiếu giấy và mực in tiền mặt. Ảnh: Reuters.

Theo một vài nguồn thạo tin của Reuters, ngân hàng trung ương Triều Tiên đã in phiếu mua hàng tổng trị giá khoảng 1 USD do tình trạng thiếu tiền won mà nước này đang phải đối mặt.

Trang web Rimjin-gang có trụ sở tại Nhật Bản báo cáo các phiếu mua hàng đã được Triều Tiên lưu hành ít nhất từ tháng 8, một phần là do giấu và mực in tiền từ Trung Quốc đã bị gián đoạn.

Theo NK News có trụ sở tại Seoul, tình trạng khan hiếm tiền cũng trở nên trầm trọng hơn do chính phủ không cho phép sử dụng ngoại tệ.

Hiện Reuters chưa thể xác thực thông tin về việc Triều Tiên phát hành phiếu mua hàng.

Tuần này, truyền thông nhà nước Triều Tiên quảng bá việc tiêu thị thịt thiên nga như “một nguồn thực phẩm có giá trị, đồng thời cho rằng phát triển chăn nuôi thiên nga đen ở quy mô công nghiệp sẽ giúp cải thiện cuộc sống của người dân.

“Thịt thiên nga đen rất ngon và có giá trị về mặt y học”, trích từ một bài đăng của tờ Rodong Sinmun.

Một nhà nghiên cứu từ Bộ Nông nghiệp Triều Tiên nói với KCNA vào năm 2020 rằng, thịt thiên nga có nhiều protein hơn các loại thịt khác và dễ tiêu hóa hơn, đồng thời nhấn mạnh rằng loại thịt này cũng có đặc tính “chống ung thư”.

Một chuồng nuôi thiên nga đã được xây dựng trong trang trại Kwangpho ở Jongphyong, nơi những con thiên nga đen sẽ được lai tạo và nuôi với quy mô lớn.

Theo NK News, Bình Nhưỡng bắt đầu nghiên cứu việc nuôi chim cảnh làm thực phẩm từ hồi đầu năm 2019. Giới chức yêu cầu các trường học, nhà máy và doanh nghiệp trồng thực phẩm, nuôi cá và các động vật khác để tăng khả năng tự cung tự cấp.

Tình hình lương thực “căng thẳng”

Vấn đề an ninh lương thực tại Triều Tiên từ lâu đã không được đảm bảo, do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt quốc tế đối với việc Bình Nhưỡng triển khai chương trình vũ khí hạt nhân, thảm họa thiên tai và giờ là đại dịch Covid-19, buộc Triều Tiên phải đóng cửa đợt biên giới nghiêm ngặt chưa từng có.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từng thừa nhận tình hình lương thực “căng thẳng”, đồng thời gửi lời xin lỗi vì những hy sinh mà người dân nước này đang phải gánh để ngăn chặn sự bùng phát của đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, ông Kim Jong-un cho biết nền kinh tế Triều Tiên có cải thiện nhất định trong năm nay. Bình Nhưỡng đã bác bỏ một báo cáo từ các nhà điều tra của Liên Hợp Quốc trong tháng 10 cho rằng hàng nghìn người tại Triều Tiên dễ bị tổn thương có nguy cơ chết đói.

Cho đến nay, Triều Tiên vẫn chưa chính thức báo cáo về một trường hợp mắc Covid-19 nào.

Liên Hợp Quốc cho biết Triều Tiên gần đây đã bắt đầu tiếp nhận các lô hàng viện trợ, và những số liệu do Trung Quốc công bố cho thấy sự gia tăng trong hoạt động thương dù vẫn ở mức thấp.

Hương Vũ (Theo Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/trieu-tien-nuoi-thien-nga-den-in-phieu-giai-quyet-kho-khan-luong-thuc-post164210.html