Trình đề án thành lập TP Huế trực thuộc T.Ư và mô hình chính quyền đô thị ở Hải Phòng
Chính phủ chính thức trình Quốc hội xem xét thành lập TP Huế trực thuộc trung ương và mô hình chính quyền đô thị ở TP Hải Phòng.
"Đô thị di sản" đầu tiên của Việt Nam
Chiều nay (30/10), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình Quốc hội tờ trình tóm tắt Đề án thành lập TP Huế trực thuộc trung ương, trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của tỉnh Thừa Thiên Huế.
TP Huế trực thuộc trung ương có 4.947,11km2 và hơn 1,2 triệu người; có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (2 quận, 3 thị xã, 4 huyện); có 133 đơn vị hành chính cấp xã (78 xã, 48 phường, 7 thị trấn).
Thừa Thiên Huế có bề dày lịch sử hình thành và phát triển gần 720 năm. Đây là vùng đất văn hiến, văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam, là nơi duy nhất ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á có 8 di sản được UNESCO ghi danh (6 di sản riêng có của Huế).
Thừa Thiên Huế là địa phương đầu tiên của Việt Nam có Di sản thế giới được UNESCO công nhận từ năm 1993 và trở thành thành viên chính thức của các mạng lưới di sản quốc tế - đây chính là yếu tố, tiêu chuẩn đặc thù thành phố trực thuộc trung ương có tính chất "Đô thị di sản" đầu tiên của Việt Nam.
Thẩm tra tờ trình đề án, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành việc trình Quốc hội xem xét, quyết định thành lập TP Huế trực thuộc trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Trong quá trình thẩm tra, một số ý kiến đề nghị chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục quan tâm, có phương hướng, kế hoạch giải quyết các khó khăn, thách thức có thể phát sinh khi trở thành thành phố trực thuộc trung ương.
Đó là, thay đổi mô hình tổ chức quản lý nhà nước gắn với việc tổ chức chính quyền đô thị; chuyển đổi cơ cấu xã hội - nghề nghiệp để giải quyết vấn đề việc làm cho người dân; vấn đề hình thành và nâng cao chất lượng đời sống đô thị.
Đề xuất cho Hải Phòng không tổ chức HĐND quận, phường
Cũng trong chiều nay, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà trình bày tờ trình tóm tắt dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng.
Theo bà Phạm Thị Thanh Trà, một trong mục tiêu xây dựng Nghị quyết là xây dựng mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng phù hợp với quy mô, đặc điểm, thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa; Tiếp thu có chọn lọc những kết quả đạt được trong quá trình tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM, Đà Nẵng thời gian qua; bảo đảm tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Về mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, chính quyền địa phương ở quận, phường tại thành phố là UBND quận, phường và là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, phường (không tổ chức HĐND quận, phường).
Bên cạnh đó, việc tổ chức chính quyền địa phương ở TP Hải Phòng và các đơn vị hành chính khác của TP Hải Phòng có HĐND và UBND theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành.
Cơ cấu tổ chức của UBND quận, gồm: Chủ tịch UBND quận, phó chủ tịch UBND quận, trưởng công an quận, chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự quận, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, các cơ quan hành chính khác và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND quận.
Cơ cấu tổ chức của UBND phường, gồm: Chủ tịch UBND phường, phó chủ tịch UBND phường, chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự phường, trưởng công an phường, công chức khác làm việc tại UBND phường.
Đồng thời, để bảo đảm công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả, toàn diện các công việc của UBND quận, phường trong điều kiện không còn HĐND quận, phường, dự thảo Nghị quyết quy định: Số lượng phó chủ tịch UBND quận có không quá 3 người; số lượng phó chủ tịch UBND phường không quá 2 người.
Cán bộ, công chức làm việc tại phường, xã, thị trấn thuộc biên chế cán bộ, công chức cấp huyện. Việc bầu cử, tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức làm việc tại xã, phường, thị trấn thực hiện theo quy định của pháp luật về bầu cử, tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức và theo thẩm quyền, phân cấp quản lý.
Trình bày báo cáo tóm tắt thẩm tra dự thảo Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng, ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, nhiều ý kiến băn khoăn về đề xuất tăng số lượng phó chủ tịch UBND quận, phường tại TP Hải Phòng mà không căn cứ vào phân loại đơn vị hành chính là chưa phù hợp với chủ trương về giảm số lượng cấp phó và chưa thực sự tương đồng với một số địa phương khác cũng đang thực hiện mô hình chính quyền đô thị.
Do đó, đề nghị nghiên cứu, tham khảo quy định về số lượng phó chủ tịch UBND quận, phường tại các địa phương đã được Quốc hội cho phép thực hiện mô hình chính quyền đô thị để quy định phù hợp với quy mô, tính chất và định hướng phát triển đô thị của TP Hải Phòng.