Trịnh Đình Lê Minh và hành trình 'Ngày xưa có một chuyện tình'

'Tôi nhớ vào khoảng tháng 2-2023, dự án phim 'Ngày xưa có một chuyện tình' đến với tôi rất tình cờ, như một cái duyên...'

"Ngày xưa có một chuyện tình" có các suất chiếu sớm từ ngày 25-10 và chính thức công chiếu từ ngày 1-11. Phim lấy mốc thời gian thập niên 1990, kể câu chuyện xung quanh 3 nhân vật chính gồm Vinh (Avin Lu đóng, Miền (Ngọc Xuân) và Phúc (Nhật Hoàng). Họ gắn bó với nhau từ thuở ấu thơ đến khi trưởng thành, cùng trải qua các cung bậc cảm xúc từ tình bạn cho đến tình yêu.

.Việc chuyển thể từ tác phẩm văn học của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh sang tác phẩm điện ảnh có những khó khăn gì, thưa anh?

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh

- Nhà sản xuất phim đã ấp ủ ý định thực hiện tác phẩm chuyển thể từ truyện dài này của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cách đây 4 năm, âm thầm phát triển kịch bản. Nhà sản xuất đã tìm đến nhà biên kịch Nhi Bùi để cùng hợp tác. Tôi và Nhi Bùi đã từng làm việc với nhau qua phim "Thưa mẹ con đi". Tất cả cùng hợp tác với nhau lần này nên có tiếng nói chung.

Phim cũng có một số thay đổi so với cốt truyện, chủ yếu vì ngôn ngữ văn học có rất nhiều tự sự nội tâm mà đối với điện ảnh là hình thức nghe - nhìn nên mọi thứ phải thể hiện bằng sự kiện. Nhân vật phải hành động thay vì chỉ suy nghĩ và tự vấn bản thân như trong truyện.

.Anh cùng ê-kíp đã làm thế nào để tìm được bối cảnh giống với miêu tả trong tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh?

- Từ khi bắt tay viết kịch bản, tôi và biên kịch đã hình dung về bối cảnh. Sau khi tham khảo và được gợi ý, truyền cảm hứng từ chính câu chuyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, chúng tôi đã tìm kiếm ở vài địa phương. Cuối cùng, tôi thấy ở Phú Yên có những con đường, ngôi làng được giữ gần như nguyên vẹn, vì thế nơi này đã được chọn.

.Đoàn phim có phải dựng nhiều cảnh cho phù hợp với bối cảnh cần kể trong phim không?

- Chúng tôi tiền kỳ cho phim từ tháng 4 đến tháng 11-2023 mới hoàn tất, tháng 12-2023 thì khởi quay. Tỉnh Phú Yên hỗ trợ rất nhiều cho đoàn, từ các vấn đề liên quan thủ tục hành chính đến cải tạo bối cảnh để phù hợp không gian xưa. Tỉnh đã cung cấp xe cẩu lớn để phục vụ việc đánh đèn, bảo đảm an ninh, hỗ trợ xe cứu hỏa để tạo cảnh mưa trong phim. Những cơn mưa lớn trên khung hình nếu không có sự hỗ trợ của địa phương thì rất khó thực hiện. Chúng tôi phải tạo cảnh mưa 6 lần.

Một cảnh trong phim “Ngày xưa có một chuyện tình”. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)

Một cảnh trong phim “Ngày xưa có một chuyện tình”. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)

.Anh có thể "bật mí" về những thước phim ấn tượng, cần phải đầu tư nhiều?

- Rẫy bắp được nhà sản xuất - đạo diễn hình ảnh Nguyễn Trinh Hoan trồng trong suốt 3 tháng. Tuy nhiên, thời tiết xấu khiến những cây bắp bị hư, đoàn phải mua gấp 3.600 cây bắp đã lớn và trồng lại ngay trước ngày quay.

.Nét đặc biệt nào ở 3 diễn viên Avin Lu, Nhật Hoàng, Ngọc Xuân khiến anh chọn họ vào vai chính?

- Avin Lu đã diễn trong nhiều phim điện ảnh nhưng với Ngọc Xuân và Nhật Hoàng thì đây là vai diễn điện ảnh đầu tiên. Ngọc Xuân có đôi mắt biết nói, trong trẻo, nhạy cảm. Cô cũng có gu thẩm mỹ, thời trang riêng, đặc biệt là chịu khó đọc và những yếu tố này đóng vai trò quan trọng trong xây dựng vai diễn cho Ngọc Xuân. Nhật Hoàng thì trẻ trung, vô tư.

.Với những diễn viên lần đầu đóng phim điện ảnh, lại vào vai chính, anh đã làm gì để giúp họ thể hiện tốt?

- Ngoài quá trình tập luyện, các bạn cũng đi chơi cùng nhau để tạo sự gắn kết. Tôi cũng trò chuyện với các bạn về những bộ phim đang chiếu ngoài rạp hay những phim kinh điển. Chúng tôi cùng nhau thảo luận cách ăn mặc, quan niệm thế nào là đẹp, gu thời trang ngày trước, cách mà những bạn trẻ ngày trước sống và yêu nhau…

.Với thể loại phim được chuyển thể từ văn học, thử thách lớn nhất với nhà làm phim là gì?

- Điểm khó nhất của một phim chuyển thể từ văn học là phải làm sao để dung hòa giữa cái có sẵn trong tác phẩm như chủ đề, nhân vật, sự kiện chính. Những điều nhà văn có thể viết rất hay về suy tưởng, nội tâm của nhân vật, khi đọc thì nhân vật hiện ra, len sâu vào đầu óc mọi người theo sự tưởng tượng riêng. Những điều đó trên phim phải thể hiện rất rõ bằng hành động, hình ảnh.

.Anh kỳ vọng gì về tác phẩm của mình? Anh sẽ làm thêm một phim tương tự trong tương lai ?

- Tôi hy vọng phim sẽ có cơ hội tiếp cận nhiều khán giả bởi nó là phim tình cảm, có sự nhẹ nhàng da diết, dữ dội, nó chạm đến trạng thái cảm xúc của mọi người, đặc biệt cảm xúc về tình yêu ở những lứa tuổi khác nhau. Tôi chưa có kế hoạch nhưng để mở khả năng dự án phim như vậy nếu như tác phẩm, chủ đề thật sự phù hợp sự quan tâm của tôi vào từng thời điểm.

.Ngoài thể loại sở trường, anh mong thử thách gì trong thời gian tới?

- Những phim thể loại tâm lý tình cảm luôn là vùng an toàn của tôi. Các thể loại khác tôi muốn làm thêm là tình cảm nhưng có bối cảnh đô thị hiện đại, không phải vùng quê thời xưa nữa hoặc phim trinh thám. Tôi muốn làm nhiều hơn những bộ phim có sự ám ảnh nhất định về mặt thị giác.

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh sinh năm 1986 tại TP HCM. Anh đam mê điện ảnh từ khi học cấp III và sau đó theo học tại Trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TP HCM (hiện là Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP HCM). Anh tiếp tục hoàn thành chương trình thạc sĩ mỹ thuật chuyên ngành sản xuất phim tại Đại học Austin (Mỹ). Anh đã đạo diễn một số phim điện ảnh: "Thưa mẹ con đi", "Bằng chứng vô hình"… Anh được trao giải "Đạo diễn xuất sắc nhất" tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII với phim "Bằng chứng vô hình". Ngoài làm đạo diễn, Trịnh Đình Lê Minh còn là giảng viên và hiện là giảng viên tại Đại học Fulbright Việt Nam. Anh còn viết sách, làm giám khảo cho các sân chơi phim ngắn.

MINH KHUÊ thực hiện

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/trinh-dinh-le-minh-va-hanh-trinh-ngay-xua-co-mot-chuyen-tinh-196241026195316847.htm