Trĩu hạt những mùa vàng

Về Cát Tiên, chẳng phải đợi đến những mùa gặt, chỉ cần chạm đỉnh dốc Đá Mài, phóng ngang tầm mắt, nghe hơi gió cuộn lên từ dòng Đồng Nai cũng đã cảm nhận được mùi hương của lúa đang 'thì con gái'. Mùi hương ấy thân thuộc đến đỗi cảm nhận được hết vị ngọt ngào của phù sa, của từng hạt gạo dẻo thơm trong chén cơm chiều vương mùi khói bếp. Sao ấy nhỉ? Giống như được trở về, được chở che, được ấp ôm trong vòng tay của mẹ.

Thu hoạch lúa ở Cát Tiên

Thu hoạch lúa ở Cát Tiên

Chạm ngõ Cát Tiên, ngang qua những đền đài hiển lộ từ muôn lớp phù sinh và thời gian phủ lấp là chạm vào những cánh đồng ngút ngàn, là mùi của lúa, của rơm rạ, của khói quê nặng những nhớ thương. Chậm thôi! Đâu cần phải xuôi theo những con đường, bởi lúa đã “... Níu chân anh trật dép. Anh cúi sửa vội vàng. Vượt cánh đồng tắt ngang...” (Những câu thơ của bài Thăm lúa - tác giả Trần Hữu Thung).

Không còn nghèo vì lúa

Chắc chắn một điều, Cát Tiên hiện tại vẫn còn khó khăn, có ai phủ nhận điều đó đâu chứ. Nhưng không phải là một Cát Tiên xa ngái, cách trở của những ngày rớt nước mắt khi lũ từ thượng nguồn Đồng Nai đổ về. Cũng trên những cánh đồng vốn nhiều khó nhọc và lam lũ ấy, người dân đã biết làm giàu từ chính cây lúa, dù đã có không ít những lựa chọn khác. Cây lúa không còn là “cứu cánh” duy nhất, bởi một phần đất đai Cát Tiên giờ đã có những loại cây trồng mang lại thu nhập cao, nhưng người dân vẫn bám ruộng, bởi đó là loại cây đã cho họ niềm tin, là hy vọng trong những ngày rời quê cũ về đây tìm cuộc sống mới.

Để có được thương hiệu “Lúa - Gạo Cát Tiên” như hiện tại không phải là câu chuyện “ngày một - ngày hai”. Chẳng cần lý giải cũng hiểu, bởi đó là chặng đường gian truân, là chạy lũ đến nỗi lũ không về lại nhớ, là mồ hôi xen lẫn nước mắt, là những nhọc nhằn, nghẹn đắng sau những nắng mưa ông trời của nhiều thế hệ đã dày công vun xới.

Lúa - gạo Cát Tiên dẻo thơm có lẽ một phần cũng bởi được phù sa bồi đắp sau mỗi lần lũ về. Nhưng giữa những được mất mong manh ấy lại là những lắng lo, no ấm thường nhật của người nông dân. Và cũng đã lâu lắm rồi người dân Cát Tiên đâu còn phải chạy lũ, và cả những tảo tần, chắt chiu của người nông dân đâu cứ phải thấp thỏm bằng sự thuận hòa của nắng mưa. Để người dân có thể sống được bằng lúa, bằng cây trồng đặc trưng, gắn liền để mỗi khi nhắc nhớ về vùng đất này người ta hiểu đó là Cát Tiên, đó lại là cả một quá trình dài hơi.

Trải qua rất nhiều kỳ đại hội, trên bàn nghị sự của vô số cuộc họp, hội thảo từ huyện đến tỉnh, cây lúa Cát Tiên luôn là “nhân vật” chính. Cũng bởi rất nhiều thế hệ lãnh đạo của Cát Tiên hiểu được tầm quan trọng của cây lúa nơi đây. Nói không ngoa khi người dân Cát Tiên sinh ra, lớn lên từ lúa, nếu không nâng tầm được cây lúa, người dân chỉ trồng cất trữ để không lo đói no trong những mùa giáp hạt thì đời sống của người dân sẽ mãi quẩn quanh. Nên trải qua bất cứ một nhiệm kỳ nào, cây lúa luôn là nhiệm vụ trọng tâm được đưa vào nghị quyết. Xây dựng thương hiệu cho lúa - gạo Cát Tiên đó không chỉ là nhiệm vụ của riêng ai, đó giống như sự trăn trở của cán bộ - đảng viên, đồng thời cũng là khao khát của bất kỳ người dân nào còn nặng lòng với lúa.

Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên Nguyễn Hoàng Phúc, một người trưởng thành từ nông nghiệp chia sẻ: “Trong lộ trình phát triển nông nghiệp bền vững của Cát Tiên, cây lúa luôn là hạt nhân quan trọng nhất. Sự bền bỉ và nỗ lực cũng như những tính toán mùa vụ kỹ lưỡng; chuyển đổi giống và hướng đi phù hợp; sự nhanh nhẹn trong các khâu liên kết sản xuất và thích nghi kịp thời với nhu cầu thị trường; sự cởi mở, cầu thị trong từng cơ hội hợp tác đã giúp cho lúa - gạo Cát Tiên thực sự cất cánh, tìm được chỗ đứng vững chắc với thương hiệu và chất lượng riêng có”.

Thành quả gầy dựng ấy là gần 9.000 ha lúa gieo trồng, trong đó lúa chất lượng cao chiếm tới hơn 90%. Lúa - gạo Cát Tiên không còn là những thửa ruộng riêng lẻ, manh mún để lo cho chén cơm của mỗi gia đình. Trên những cánh đồng mênh mông của các xã mang tên từ quê cũ của người dân vào đây mưu sinh là những thửa ruộng ngút mắt sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn với hàng ngàn tấn sản phẩm được định vị thương hiệu, nhãn mác “Lúa - Gạo Cát Tiên”.

Khát vọng “gieo ngọc”

Có vài người hỏi vui, lúa gạo Cát Tiên giờ chắc đã lo đủ cơm cho cả Lâm Đồng? Có quá khó để trả lời không nhỉ! Với dân số của cả tỉnh gần 1,3 triệu người và chỉ ước tính trên 5.200 tấn gạo được đóng bao bì mang nhãn hiệu tập thể “Lúa - Gạo Cát Tiên” trong năm 2020, có lẽ không cần máy tính để nhân chia tỷ lệ, cũng biết rằng sản lượng ấy vừa đủ cho bao nhiêu người có thể tiêu thụ trong một tháng.

Kỹ sư nông nghiệp Trần Quang Trừng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cát Tiên, đúng nghĩa là một người lớn lên từ lúa và trưởng thành cũng từ lúa. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất vốn từng được mệnh danh là rốn lũ Cát Tiên, hơn ai hết anh là người tường tận những khó nhọc của những thế hệ đi trước như cha mẹ mình. Cũng mảnh ruộng ấy, từng hạt lúa chắt chiu bằng sự tảo tần của cha mẹ đã cho anh lớn lên. Học chuyên ngành nông nghiệp, ước nguyện của anh là trở về đúng mảnh đất mình sinh ra để có thể làm được điều gì đó cho những người nông dân vùng đất này bớt đi những khổ cực.

Gần một nhiệm kỳ tăng cường về cơ sở với cương vị Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch UBND xã Gia Viễn, anh đã thực hiện hóa mong ước từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường cũng bằng chính cây lúa. Kinh nghiệm từ những ngày theo cha mẹ ra đồng, đắng ngọt cùng với lúa; kiến thức từ những ngày miệt mài sách vở giảng đường đã giúp anh cùng với những người nông dân Gia Viễn biến những thửa ruộng nghèo trước đây trở thành những cánh đồng chất lượng theo đúng cả hai nghĩa. Một mô hình lúa hữu cơ được triển khai thí điểm với chỉ gần 3 ha và trên 91 ha canh tác lúa giống, không chỉ góp phần quan trọng vào việc xây dựng “bảng vàng” của nhãn hiệu tập thể “Lúa - Gạo Cát Tiên” mà còn giúp cho người dân nơi đây có đời sống ổn định, miệt mài “bám ruộng” để toàn tâm nghĩ về cây lúa.

Không còn sự thất thường và lắng lo bởi nắng mưa và cũng không chỉ những người ra đi trở về có trình độ, tri thức như anh Trần Quang Trừng mới dám thay đổi. Sự đánh vật với đất sau nhiều năm, sự túng quẫn dù đã một lòng với ruộng đã khiến những người nông dân chân lấm tay bùn nơi đây không còn bó buộc trong sợi dây vô hình cam chịu. Mạnh dạn thay đổi, cởi trói tư duy, mở rộng diện tích, người trồng lúa Cát Tiên đã bắt lúa phải trĩu cành, nặng hạt sau mỗi vụ mùa.

Vẫn biết, sau mỗi “mùa vàng” ở Cát Tiên là cả một chiến lược đầu tư dài hơi với sự hỗ trợ không nhỏ của Nhà nước từ thiết bị máy móc đến nguồn vốn ban đầu. Nhưng sau tất cả đó vẫn là công sức vun đắp của rất nhiều thế hệ đi trước để mỗi mùa lúa về kho, tất cả đều có thể mỉm cười, nói lời tròn vẹn tri ân với lúa.

Dẫu cây lúa không phải là lựa chọn duy nhất, bởi ở Cát Tiên đã có nhiều loại cây trồng khác phù hợp và đem lại giá trị kinh tế cao như sầu riêng, măng cụt, cam, quýt... Nhưng ở vùng đất này, lúa vẫn là hồn cốt, là giá trị bản ngã của người nông dân, vì thế nếu chính quyền và người dân không nỗ lực tạo ra sức bật, nâng tầm cho cây lúa, thật khó để tìm kiếm sự đổi thay.

Ở mảnh đất giàu trầm tích văn hóa và truyền thống cách mạng ấy, trên nền phù sa cổ, cây lúa Cát Tiên như một đời người hiện hữu. Không còn những cay đắng chỉ có ngọt bùi và hy vọng. Hạt gạo dẻo thơm của Cát Tiên cũng không còn đơn thuần là thứ ngũ cốc thiết yếu, những “hạt ngọc” ấy giờ đã trở thành một món quà thảo thơm, nặng tình cho mỗi ai đến đi. Bởi hạt gạo ấy chứa đựng những mặn ngọt mồ hôi về những ngày đã qua và hiện tại là khao khát, ước vọng đổi thay của người dân vùng lúa.

Diện tích cây lúa gieo trồng ở Cát Tiên bình quân hàng năm đạt 8.846 ha, trong đó lúa chất lượng cao bình quân đạt 7.331 ha, diện tích sản xuất lúa giống đạt 570 ha. Trong 5 năm thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về Phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững giai đoạn 2016 - 2020, sản lượng lúa giống đã liên kết tiêu thụ cho các công ty đạt 8.840 tấn, tăng giá trị từ 10 - 15%; sản lượng lúa giống đóng bao bì mang nhãn hiệu “Lúa - Gạo Cát Tiên” là 3.734 tấn, tăng giá trị từ 20 - 25%; sản lượng gạo đóng bao bì mang nhãn hiệu Cát Tiên là 22.265 tấn, tăng từ 10 - 30% giá trị.

Hiện tại, huyện Cát Tiên cũng duy trì ổn định 9 chuỗi lúa - gạo (lúa giống, lúa hữu cơ, lúa chất lượng cao) với diện tích liên kết 1.210 ha, chiếm 16% diện tích đất sản xuất, tăng giá trị từ 10 - 15%. Diện tích lúa sản xuất cánh đồng mẫu lớn năm 2020 là 1.397 ha. Ở Cát Tiên còn nhiều các mô hình trình diễn giống lúa sau khảo nghiệm với năng suất trung bình đạt 67 tạ/ha; mô hình canh tác lúa giống, sản xuất lúa hữu cơ chủ lực tại địa bàn các xã Gia Viễn, Đức Phổ, Quảng Ngãi, Phước Cát 2 và thị trấn Cát Tiên góp phần tích cực vào việc phục vụ phát triển nhãn hiệu tập thể “Lúa - Gạo Cát Tiên”.

TUẤN LINH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202009/triu-hat-nhung-mua-vang-3024019/