Trợ giúp kịp thời cho đối tượng yếu thế

Trợ giúp người khuyết tật: Quý nhất là động viên tinh thần

(HNM) - Năm 2019, toàn thành phố có hơn 15.382 hộ thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo của Hà Nội giảm còn 0,42%, vượt xa so với kế hoạch đề ra. Đạt được kết quả này là nhờ các cấp, các ngành triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ giảm nghèo bền vững, trong đó việc trợ giúp kịp thời cho đối tượng yếu thế giữ vai trò quan trọng. Để làm rõ hơn về công tác giảm nghèo, phóng viên Báo Hànôịmới đã trao đổi với ông Hoàng Thành Thái, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội.

Nhờ có Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐND, những người yếu thế như bà Nguyễn Thị Thực (ngoài cùng bên phải) ở xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng) đã được đưa vào chăm sóc, nuôi dưỡng thường xuyên tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 3 Hà Nội.

- Trước tiên, ông có thể cho biết, trong thời gian qua, thành phố Hà Nội đã triển khai những giải pháp gì để đạt được kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo?

- Như chúng ta đã thấy, ngoài các chương trình khuyến công, khuyến nông, xây dựng nông thôn mới, trong những năm gần đây, thành phố luôn khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và trao nguồn sinh kế để người nghèo vươn lên thoát nghèo như hộ thiếu vốn phát triển sản xuất, kinh doanh được vay vốn ưu đãi; hộ nghèo, có người trong độ tuổi lao động được hỗ trợ dạy nghề, giới thiệu việc làm... Cùng với thành phố, các quận, huyện, thị xã cũng tích cực triển khai nhiều giải pháp giảm nghèo hiệu quả như hỗ trợ hộ nghèo về phương tiện sản xuất, tặng bò sinh sản...

Ngoài ra, 100% người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; học sinh, sinh viên thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập...

Nhờ các giải pháp hỗ trợ được triển khai thống nhất, đồng bộ, phù hợp với đặc thù của từng địa phương, trong giai đoạn 2016-2018, toàn thành phố đã có gần 48.500 hộ thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo của Hà Nội giảm từ 3,64% vào thời điểm đầu năm 2016, xuống còn 1,16% vào cuối năm 2018, về đích trước 2 năm so với kế hoạch. Tuy nhiên, trong tổng số hơn 23.200 hộ nghèo còn lại vào cuối năm 2018, thì các gia đình không có khả năng tự vươn lên thoát nghèo chiếm đa số.

Để thực hiện mục tiêu không còn hộ nghèo vào cuối năm 2020, ngày 8-7-2019, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐND, quy định “Một số chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo và hộ gia đình sau khi thoát nghèo ổn định cuộc sống của thành phố Hà Nội”.

Theo đó, người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật đặc biệt nặng, người mắc các bệnh hiểm nghèo là thành viên thuộc diện hộ gia đình không có người còn khả năng lao động sẽ được hỗ trợ hằng tháng. Mức hỗ trợ bằng mức chuẩn nghèo của thành phố, tại thời điểm này là 1,4 triệu đồng/người/tháng ở khu vực thành thị và 1,1 triệu đồng/ người/tháng ở khu vực nông thôn. Kinh phí để thực hiện các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo bền vững là hơn 300 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 110 tỷ đồng so với các chính sách đã triển khai những năm trước đó.

- Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐND được các ngành, địa phương triển khai như thế nào, thưa ông?

- Sau khi Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐND được ban hành, liên sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã có văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai, bảo đảm công bằng, đúng đối tượng. Trên tinh thần đó, các địa phương thường xuyên tuyên truyền, phổ biến nội dung của Nghị quyết đến đông đảo nhân dân; đồng thời rà soát, đánh giá, lập danh sách từng trường hợp cần được hỗ trợ.

Đến thời điểm này, toàn thành phố có hơn 8.000 đối tượng được trợ cấp hằng tháng tại cộng đồng; một số người cao tuổi, trẻ em là thành viên thuộc hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt được đưa vào chăm sóc, nuôi dưỡng thường xuyên tại các trung tâm bảo trợ xã hội.

Ngoài chính sách chung, nhiều địa phương đã mở rộng đối tượng thụ hưởng. Điển hình là huyện Đông Anh, Mê Linh, thị xã Sơn Tây… đã vận động thêm nguồn lực xã hội để hỗ trợ thường xuyên những trường hợp khó khăn. Nhờ đó, đến cuối năm 2019, số hộ nghèo trên địa bàn thành phố giảm còn 8.754 hộ, chiếm 0,42% tổng số hộ của toàn thành phố.

Đáng chú ý, Hà Nội có thêm 5 địa phương là các quận: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm, Hà Đông và huyện Đông Anh không còn hộ nghèo, trong đó quận Hai Bà Trưng không còn cả hộ cận nghèo. Như vậy, đến thời điểm này, Hà Nội đã có 9/30 quận, huyện, thị xã không còn hộ nghèo.

- Theo ông, để thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, đặc biệt là hoàn thành mục tiêu Hà Nội cơ bản không còn hộ nghèo vào cuối năm 2020, chúng ta phải làm gì?

- Theo Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐND, sau khi các hộ thoát nghèo, thành phố tiếp tục hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế cho các thành viên; hỗ trợ 100% học phí và hỗ trợ chi phí học tập mức 100.000 đồng/học sinh/tháng cho trẻ em học mẫu giáo, học sinh phổ thông trong thời gian không quá 36 tháng. Sự hỗ trợ này bảo đảm cho các hộ có cơ hội, điều kiện để thoát nghèo bền vững, không để tái nghèo.

Để hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo vào cuối năm 2020, trước hết các địa phương cần tiếp tục triển khai linh hoạt, hiệu quả Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐND. Đối với hộ nghèo còn sức lao động, giải pháp lâu dài là nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người lao động để họ chủ động nắm bắt kiến thức, ứng dụng khoa học, kỹ thuật hiện đại vào sản xuất. Mô hình dạy nghề gắn với nhu cầu sử dụng lao động của thị trường cần được nhân rộng, phát huy…

Với trách nhiệm được giao, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội luôn chủ động, phối hợp với các ngành, địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo bền vững theo hướng linh hoạt, phù hợp với nhu cầu của đối tượng, với quy luật phát triển kinh tế - xã hội.

Nhờ sự nỗ lực từ nhiều phía, tôi tin Hà Nội luôn là điểm sáng của cả nước trong công tác giảm nghèo.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/953596/tro-giup-kip-thoi-cho-doi-tuong-yeu-the