Trợ giúp người lang thang, ăn xin trong đại dịch

Trước tình trạng một số người lang thang, ăn xin vẫn xuất hiện trên các tuyến phố thuộc địa bàn Thủ đô trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã yêu cầu các trung tâm bảo trợ xã hội tăng cường phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát, có phương án trợ giúp. Đây là giải pháp nhằm hỗ trợ kịp thời người lang thang, ăn xin, đồng thời hạn chế tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Khám sức khỏe cho người lang thang, ăn xin tại Trung tâm Bảo trợ xã hội 1 (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội).

Tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh

Khảo sát của phóng viên Báo Hànôịmới cho thấy, tình trạng người lang thang, ăn xin đã xuất hiện tại nhiều khu vực, tuyến phố, như: Dương Đình Nghệ - Phạm Văn Bạch, Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng, ngã tư Giải Phóng - Đại Cồ Việt…

Cụ thể, sáng 31-5, tại ngã năm Dương Đình Nghệ - Phạm Văn Bạch (quận Cầu Giấy), có một người ăn xin đang ngả nón xin tiền người qua lại. Chị Đặng Ngọc Anh, làm việc ở phố Phạm Văn Bạch cho biết, hằng ngày khi đi làm qua tuyến phố này chị thường xuyên bắt gặp cảnh tượng này. “Trong lúc dịch Covid-19 bùng phát như hiện nay, tình trạng trên sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao”, chị Ngọc Anh bày tỏ lo ngại. Tương tự, tại khu vực chân cầu vượt Xuân Thủy (quận Cầu Giấy) hay xung quanh Công viên Thống Nhất, hồ Thiền Quang (quận Hai Bà Trưng) cũng có một số người ăn xin kêu gọi người đi đường cho tiền.

Chia sẻ vấn đề này, Thiếu tá Hoàng Đức Mạnh, Phó Trưởng Công an phường Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng) cho biết, trên địa bàn phường vẫn còn những trường hợp người lang thang, một số người có biểu hiện tâm thần xin tiền trên các tuyến phố. Từ tháng 3 đến nay, Công an phường đã thu gom 7 trường hợp người lang thang xin tiền trên các tuyến phố, đưa về tập trung tại Trung tâm Bảo trợ xã hội 1 (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội).

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND phường Ngã Tư Sở (quận Đống Đa) Ngô Vân Anh cũng thừa nhận vẫn còn tình trạng người lang thang, ăn xin trên các tuyến phố thuộc địa bàn phường. Bà Ngô Vân Anh thông tin, theo quy định, khi lực lượng chức năng phường phát hiện được người lang thang, xin tiền có địa chỉ nơi cư trú thì vận động họ trở về nhà, nếu không có thì đưa về các trung tâm bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, nên việc thu gom người lang thang, ăn xin bắt buộc phải thực hiện xét nghiệm Covid-19, mất nhiều thời gian xử lý hơn.

Đội trưởng Đội trật tự xã hội lưu động (Trung tâm Bảo trợ xã hội 1) Nguyễn Văn Hải thông tin thêm, theo quy định, người lang thang chỉ được nuôi dưỡng tại trung tâm 30 ngày rồi được đưa trở về gia đình. Tuy nhiên, một số người sau đó lại lang thang các tuyến phố ăn xin trở lại, gây khó khăn cho chính quyền địa phương và cơ quan chức năng.

Tăng cường rà soát, tuần tra

Để giải quyết vấn đề này, Thiếu tá Hoàng Đức Mạnh, Phó Trưởng Công an phường Nguyễn Du cho biết: "Thời gian tới, trong quá trình tăng cường kiểm tra, rà soát, nếu phát hiện có người xin tiền trên phố, chúng tôi sẽ tuyên truyền, vận động họ trở về nơi cư trú để bảo đảm phòng, chống dịch. Nếu phát hiện trường hợp người lang thang có biểu hiện rối loạn tâm thần, sức khỏe yếu, sẽ phối hợp với cơ quan y tế khám và điều trị, khi bệnh nhân khỏe thì đưa về nơi cư trú hoặc về các trung tâm bảo trợ xã hội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội".

Còn theo Phó Chủ tịch UBND phường Ngã Tư Sở Ngô Vân Anh, lực lượng chức năng phường sẽ tiếp tục tuần tra, khi phát hiện người lang thang xin tiền sẽ đưa về Trung tâm Bảo trợ xã hội 1 chăm sóc theo quy định. "Về lâu dài, các cơ quan chức năng cần xem xét lại quy trình, nên để chính quyền địa phương thu gom người lang thang rồi đưa về các trung tâm bảo trợ xã hội, sau đó mới xác định, phân loại đối tượng để hạn chế thủ tục hành chính rườm rà, hạn chế tối đa nguy cơ lây lan dịch Covid-19", bà Ngô Vân Anh kiến nghị.

Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) Dương Tuyết Nhung cho hay, trung bình mỗi năm, Hà Nội đã hỗ trợ, đưa 500-700 người lang thang, ăn xin vào chăm sóc tại các trung tâm bảo trợ xã hội, đồng thời tuyên truyền vận động nhiều người trở về nơi cư trú. Đặc biệt, trong 2 tháng gần đây, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở đã yêu cầu các trung tâm bảo trợ xã hội tăng cường tuần tra nhằm phát hiện, đưa người lang thang, ăn xin về các trung tâm này để hỗ trợ, chăm sóc.

"Nếu người lang thang có địa chỉ cư trú rõ ràng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội chỉ đạo kiên quyết đưa họ về với gia đình. Từ đầu năm đến nay, chỉ riêng Trung tâm Bảo trợ xã hội 1 đã vận động được 18 người trở về nơi cư trú. Ngoài ra, để hạn chế người lang thang, ăn xin, Sở thường xuyên gửi văn bản đề nghị các địa phương tăng cường giáo dục, vận động, dạy nghề, tạo việc làm. Khi người lang thang có thu nhập thường xuyên, ổn định thì họ mới không quay lại đi ăn xin", bà Dương Tuyết Nhung khẳng định.

Kim Vũ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1001489/tro-giup-nguoi-lang-thang-an-xin-trong-dai-dich