Trở lại Sa Ná, nơi từng quặn đau bởi thiên tai

51 ngôi nhà bị lũ cuốn tại bản Sa Ná đã được thay thế bằng 51 ngôi nhà mới khang trang, kiên cố để người dân yên tâm đón tết.

Những ngày giáp tết Nguyên đán Canh Tý, PV PLO có dịp cùng đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai về bản Sa Ná (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) thăm hỏi và chúc tết bà con nơi đây.

Ông Lương Văn Chon cùng các cháu trong ngôi nhà mới gói bánh chưng đón tết Nguyên đán Canh Tý. Ảnh: AH

Ông Lương Văn Chon cùng các cháu trong ngôi nhà mới gói bánh chưng đón tết Nguyên đán Canh Tý. Ảnh: AH

Na Mèo là một xã biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh Thanh Hóa. Trong xã, riêng bản Sa Ná là vùng thường xuyên bị thiên tai cô lập vì tuyến đường nối từ quốc lộ 217 vào bản phải đi qua sông Luồng. Đây lại là đường mòn, gập ghềnh đầy ổ gà, ổ voi, đất pha lẫn đá, là chứng tích của những đợt mưa lũ khắc nghiệt còn sót lại.

Ngày nước lũ tràn về

Gặp con suối bên đường, một cán bộ trong đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cho biết con suối này bây giờ nhìn hiền khô, nước cạn trơ đáy. Ai dám nghĩ vào tháng 8-2019, do ảnh hưởng của bão số 3, nước lũ đổ về cuồn cuộn, hung dữ không kể xiết, cuốn phăng tất cả những gì nó đi qua. "Còn kia chính là cái cây mà ông Lương Văn Chon đã bị mắc kẹt suốt tám giờ đồng hồ khi bị lũ cuốn" - anh chỉ tay về phía xa.

Nhắc lại đợt lũ ấy, người dân Sa Ná không khỏi rùng mình. Mưa lũ, sạt lở đất đã làm 10 người chết, năm người bị thương và ba người mất tích. Ông Lương Văn Chon bị mắc kẹt trên cây giữa lũ dữ sau khi cứu được người vợ. Ông bị lũ cuốn ra đến cửa sông.

May mắn thay ông vớ được các bụi luồng. Lũ hạ bụi này ông lại trèo lên bụi khác, cứ thế trèo hết 15 bụi luồng thì ông bám được vào một ngọn cây ngơn giữa sông Luồng.

"Tôi cứ bám vào cây ngơn ấy suốt tám tiếng đồng hồ cho đến khi có người đến cứu. Rất rét và rất sợ. Lũ rất to" - ông Chon rùng mình nhớ lại.

Còn ông Vi Văn Ninh (41 tuổi, dân tộc Thái) mỗi lần nhớ lại giây phút lũ dữ tràn về, ông chỉ muốn tuôn nước mắt. Ông nhớ như in những ngày đầu tháng 8-2019, mưa tầm tã nhiều ngày liền. Đến đêm 2-8, lũ bắt đầu về. Sáng sớm 3-8, người dân dậy kiểm tra mực nước thấy nước dâng lên ngày càng cao, vội vàng hò nhau đi cứu những gia đình sống gần bờ suối.

"Lúc ấy mới sáng sớm, vừa ngủ dậy chưa kịp ăn sáng, mọi người mặc đúng chiếc quần cộc vội lao đi chạy lũ. Tôi chuẩn bị sẵn hai cái túi đựng quần áo và ít tiền, bảo các con chạy trước, còn hai vợ chồng xem tình hình rồi chạy sau nhưng lũ về đột ngột quá, chúng tôi chẳng kịp mang theo cái gì. Bao nhiêu công sức của hai vợ chồng làm bấy lâu và ông bà để lại trong phút chốc tan hoang theo nước lũ" - ông Ninh ngậm ngùi.

Vợ chồng ông Ninh vừa chạy thì nước lũ ồ ạt đổ về cuốn phăng hàng chục ngôi nhà xuống dòng nước đang chảy xiết, một số người dân trong bản cũng không kịp chạy.

Sa Ná kiên cường

Hơn năm tháng sau trận lũ dữ, Sa Ná bây giờ vẫn đang ngổn ngang nhưng không phải ngổn ngang bởi cây rừng, xác động vật, thực vật bị lũ cuốn trôi mà tấp nập máy xúc, máy ủi, gạch vữa để xây dựng khu tái định cư mới, trường mới, nhà văn hóa mới, đường nội thôn mới.

Ông Lữ Văn Hà, Bí thư Đảng ủy xã Na Mèo, chia sẻ với chúng tôi trong niềm phấn khởi, hân hoan: "Một sự sống mới đang hồi sinh ở Sa Ná vào đúng dịp tết đến, xuân về".

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường tặng cây nhãn giống cho anh Hà Văn Vân với mục đích động viên anh kiên cường, vươn lên trong cuộc sống sau mất mát, đồng thời tạo sinh kế lâu dài. Ảnh: AH

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường tặng cây nhãn giống cho anh Hà Văn Vân với mục đích động viên anh kiên cường, vươn lên trong cuộc sống sau mất mát, đồng thời tạo sinh kế lâu dài. Ảnh: AH

Khu tái định cư mới của Sa Ná gồm 51 ngôi nhà khang trang dành cho 51 hộ dân có nhà bị lũ cuốn trôi và nhiều công trình phụ trợ. Mỗi nhà rộng 240 m2, được xây kiên cố, khang trang, lát gạch sạch sẽ gồm nhà chính, nhà bếp, công trình phụ. Cách đó không xa, hai khu trường mầm non và tiểu học cũng đang gấp rút được hoàn thiện, dự kiến vào giữa tháng 3-2020 sẽ hoàn thành. Đường nội thôn cũng đang gấp rút hoàn thiện.

"Chắc mọi người không biết, từ khi xảy ra lũ quét đến khi hoàn thành khu tái định cư này chỉ có ba tháng nhưng có đến một tháng trời mưa nên công tác thi công giải phóng mặt bằng, xây dựng bị đình trệ. Còn lại hai tháng, với điều kiện đường giao thông đi lại khó khăn nhưng nhờ sự đồng lòng chung sức của cả hệ thống chính trị và cộng đồng nên đến ngày 29-11-2019 đã kịp hoàn thành cho bà con đón tết. Đây là một nỗ lực phi thường" - ông Hà nói.

Ánh mắt đầy phấn khởi, vừa gói bánh chưng, ông Lương Văn Chon vừa tâm sự: "Giờ gia đình tôi không còn sợ lũ dữ nữa vì đã được ở trong nhà mới khang trang, kiên cố trên vùng đất cao".

Trong ngôi nhà mới, anh Hà Văn Vân (29 tuổi), người đã mất đi cùng lúc sáu người thân gồm cha mẹ, chị, vợ và hai đứa con do lũ dữ sáng 3-8, cũng đã nguôi ngoai phần nào nỗi đau đớn, mất mát. Tết năm nay, anh Vân vẫn gói bánh chưng, vẫn sắm hoa đào trưng tết nhưng anh không đón tết một mình mà chào xuân mới cùng những người anh em họ hàng, làng xóm.

Những người như anh Vân, ông Chon, ông Ninh... có lẽ là hình tượng điển hình về đức tính kiên cường, vươn lên sau khó khăn của người dân bản Sa Ná. Thiên tai, khó khăn có gây mất mát, đau thương thế nào thì vẫn phải tiếp tục sống, vẫn phải đứng lên kiên cường. Có lẽ vì vậy mà như ông Hà, Bí thư Đảng ủy xã Na Mèo, đã chia sẻ:

"Na Mèo là một xã vùng biên giới khó khăn của tỉnh Thanh Hóa. Nhưng riêng đối với bản Sa Ná, trước khi xảy ra lũ, đây lại là bản có tỉ lệ trẻ em đi học cao nhất, là một trong những bản có hộ nghèo thấp nhất. Tiến tới trong thời gian sớm nhất, Sa Ná sẽ là bản nông thôn mới kiểu mẫu".

A.HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/tro-lai-sa-na-noi-tung-quan-dau-boi-thien-tai-885077.html