'Trợ lực' cho sản phẩm công nghiệp nông thôn
Hiện thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng được một số sản phẩm công nghiệp nông thôn có thương hiệu, được công nhận tiêu biểu. Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục 'trợ lực' để doanh nghiệp phát triển hơn nữa chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường, góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung của ngành Nông nghiệp thành phố.
Năm 2019, đã có 40 sản phẩm được UBND thành phố Hồ Chí Minh công nhận là “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thành phố”.
Nhiều năm nay, người dân thành phố Hồ Chí Minh không còn xa lạ với sản phẩm nấm các loại được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ của Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Nấm Việt (Công ty Nấm Việt). Chị Phan Thị Kim Hà (quận 8) cho biết, chị thường ưu tiên chọn thực phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất, có nguồn gốc và chất lượng. “Sản phẩm nấm bào ngư của Công ty Nấm Việt được phân phối ở các siêu thị lớn nên tôi tin tưởng hơn”, chị Hà chia sẻ.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh, các sản phẩm của Công ty Nấm Việt nằm trong 40 sản phẩm của 11 doanh nghiệp trên địa bàn đã được UBND thành phố ra quyết định công nhận “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thành phố năm 2019”. Những sản phẩm này khá quen thuộc với người tiêu dùng như: Bánh hỏi, bún gạo, phở gạo, bánh tráng, nấm linh chi, nấm bào ngư… Bà Lê Hà Mộng Ngọc, Giám đốc Công ty Nấm Việt cho biết, ngoài việc kiên trì xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm nấm sạch, công ty được hỗ trợ chi phí lắp đặt nhà màng về công nghệ sấy nấm bằng năng lượng mặt trời, cũng như tiếp cận công nghệ, kỹ thuật mới trong sản xuất.
Ông Mai Tuấn Giang, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng Trường Thọ cho biết, thành phố không những hỗ trợ tài chính, mà còn tạo điều kiện để các sản phẩm công nghiệp nông thôn do công ty sản xuất (mật ong rừng, mật ong nghệ viên vàng) trưng bày tại các hội chợ triển lãm lớn để giới thiệu, quảng bá đến người tiêu dùng và tìm kiếm khách hàng.
Vài năm trở lại đây, các mô hình chuyển đổi từ trồng lúa hiệu quả thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi khác mang lại hiệu quả kinh tế cao đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, thúc đẩy tăng trưởng chung ngành Nông nghiệp thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2019, tốc độ tăng trưởng GRDP trong nông nghiệp của thành phố đạt hơn 6% và giá trị sản xuất đạt 550 triệu đồng/ha/năm, gấp khoảng 5 lần bình quân cả nước. Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đang cho thấy phát huy tác dụng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung của ngành Nông nghiệp.
Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục “trợ lực” để các doanh nghiệp nâng cao giá trị của các sản phẩm công nghiệp nông thôn. Cụ thể, nếu được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, doanh nghiệp sẽ được trợ vốn đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất (tối đa 200 triệu đồng) và được hỗ trợ tham gia hội chợ khuyến công, xúc tiến thương mại trên cả nước, cũng như các chương trình vay vốn kích cầu đầu tư của thành phố. Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố cho biết, hiện đã có 3 doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được trợ vốn đầu tư máy móc, thiết bị.
Theo ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Chí Minh, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu mà thành phố công nhận hội đủ các tiêu chí như: Sử dụng nguyên liệu trong nước; đạt chất lượng, phù hợp tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; thân thiện môi trường; mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý, được người tiêu dùng tín nhiệm. Ngoài ra, sản phẩm còn có tính văn hóa, thẩm mỹ, sản xuất theo quy trình kỹ thuật cao, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và có khả năng đầu tư mở rộng sản xuất, mở rộng thị trường.