Trong bão dịch Covid -19: Nhiều cửa hàng quyết không bán phá giá
Giữ ổn định giá các mặt hàng, không nhập hàng kém chất lượng để bán cho nhân dân giá cao, khuyến khích khách hàng không nên tích trữ hàng hóa… Nhiều cửa hàng do hội viên, phụ nữ làm chủ đã khẳng định như vậy, trước tâm lý hoang mang, lo sợ khi dịch Covid-19 đang bùng phát trong tỉnh.
Trong bão dịch Covid -19
Dịch viêm phổi cấp do virus Corona chủng mới gây ra đã đảo lộn gần như toàn bộ kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà bán lẻ. Nhất là trong 3 ngày gần đây, khi những ca mắc mới tại Bình Thuận được công bố, tâm lý lo sợ khiến người dân đổ xô đi mua sắm tích trữ. Có những thời điểm, trên kệ hàng của các cơ sở, một số mặt hàng nhu yếu phẩm, thực phẩm chế biến sẵn trống trơn.
Tại cửa hàng Hoàng Giang (số 1 Bùi Thị Xuân, phường Xuân An, TP. Phan Thiết) thuộc Công ty TNHH Hoàng Giang tấp nập hơn ngày thường. Bà Hoàng Thị Chuyên giám đốc công ty phải xắn tay áo phụ với nhân viên thanh toán và hướng dẫn khách mua hàng. “Làm kinh doanh ai chẳng muốn bán được nhiều hàng, hàng bán được giá cao, nhưng không vì dịch bệnh mà công ty đẩy giálên được. Hoàng Giang là nhà phân phối sữa, dầu ăn, gạo, nước ngọt, bia, milo cho hầu khắp các điểm tạp hóa khu vực phía Bắc tỉnh. Tôi cam kết luôn đảm bảo đủ hàng và bán hàng đúng giá nhà sản xuất cho bà con”, bà Chuyên khẳng định.
Cụ thể tại cửa hàng Hoàng Giang gạo thơm thượng hạng Neptune vẫn giữ ở mức 125.000 đồng/bao 5kg, gạo Meizan 87.500 đồng/bao 5 kg, nước rửa tay khô kháng khuẩn từ 32.000- 49.000 đồng/chai 50 – 120ml. Trước nhu cầu mua thực phẩm dự trữ tăng cao, nhân viên ở đây còn hướng dẫn cho khách không nên mua về dự trữ quá nhiều bởi nguồn hàng luôn dồi dào. Đối với mặt hàng mì tôm, chỉ bán tối đa 3 thùng/khách hàng, để nhường lại cho những người khác.
Bà Tư – chủ cửa hàng tạp hóa số 36 Trần Phú cho biết thêm: “Mình làm ăn buôn bán còn về lâu về dài, người dân đã hoảng sợ vì dịch bệnh mà còn bán hàng phá giá là có tội với họ.Mấy hôm nay khách mua mì tôm tăng gấp 5 – 6 lần ngày thường, nhưng tôi vẫn bán giá cũ, mì Gấu đỏ 58.000/thùng, Hảo Hảo 97.000 đồng/thùng. Đã hết hàng trong kho thì báo lại với khách chứ tuyệt đối không trữ lại chờ giá lên”.
Đồng quan điểm trên, bà Phạm Thị Kiện – cửa hàng trứng số 19 Lê Văn Phấn nói thêm: Người dân không nên tích trữ hàng hóa, bởi để lâu thực phẩm dễ ẩm mốc, hư hỏng không ngon. Chỉ nên mua đủ dùng trong tuần. Việc tranh giành, ùn ứmua hàng lại vô tình lây bệnh chéo cho nhau. Mặc dù nhiều điểm bán lẻ, cửa hàng trứng bán tăng giá so với trước, nhưng bà Kiện vẫn giữ giá cũ. Tùy vào kích cỡ to nhỏ, trứng gà công nghiệp từ 20.000 – 25.000 đồng/10 quả, trứng vịt 30.000 – 32.000 đồng/10 quả, trứng cút 45.000 đồng/100 quả, gà ta 25.000 đồng/10 quả.
Trước tình hình dịch Covid còn diễn biến phức tạp, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP. Phan Thiết Phạm Thị Ngọc Yến cho biết: Bên cạnh tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin qua các kênh facebook, zalodo Hội lập ra để vận động chị em không hoang mang, lo lắng trước tình hình dịch bệnh, không tham gia tụ tập đông người, thì Thành hội cũng vận động hội viên, phụ nữ là chủ các cửa hàng, điểm kinh doanh thực phẩm không bán phá giá. Đồng thời không mua hàng tích trữ gây tâm lý hoang mang trong nhân dân. Chủ động tự bảo vệ chăm sóc sức khỏe bản thân như đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, sử dụng chất sát khuẩn, thực hiện vệ sinh môi trường. Tích cực tham gia khai báo sức khỏe toàn dân…
Hy vọng sự chia sẻ của các điểm kinh doanh, cộng với ý thức giữ gìn vệ sinh, thông tin có trách nhiệm sẽ góp phần ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh trong cộng đồng.
Thùy Linh