Trong bữa tiệc hoa
'Tiệc hoa' là tập hợp 20 truyện ngắn của Nguyễn Văn Học, vừa được NXB Hồng Đức in và phát hành, quý I-2020. Điều đặc biệt là tất cả các truyện trong tập đều có tên 'hoa' và khai thác chủ đề hoa lá, cỏ cây. Nhiều truyện ngắn đã xuất hiện trên mặt báo, như 'Mặt hoa', 'Tiệc hoa', 'Mẹ hoa', 'Võ hoa', 'Duyên hoa', 'Đoản hoa', 'Nhạc hoa', 'Mơ hoa'…
Truyện ngắn “Mặt hoa” khai thác chủ đề những cô gái làm nghề cho thuê khuôn mặt thanh tú của mình để các hiệu make up cho học viên trang điểm, tô vẽ lên đó đủ thứ phấn son rẻ tiền. Truyện ngắn xoáy vào đối tượng sinh viên với khát khao học tập, sống có ích nhưng không phải bao giờ cũng đạt được điều mình mong muốn. Để kiếm được khoảng 100 nghìn đồng cho hai giờ ngồi làm mẫu vẽ, các cô bị phấn, son rẻ tiền tàn phá khuôn mặt. Để đạt được khát vọng, đôi khi phải trả giá, bằng chính tuổi thanh xuân, với khuôn mặt của thời nhan sắc.
Truyện ngắn “Tiệc hoa” với nhân vật chính là một cây khế. Cây khế ở giữa, phân chia ranh giới giữa hai gia đình thân thiết nhau là đối tượng kể chuyện. Cây khế được tác giả xây dựng như một cá thể người, đứng ra kể những chuyện liên quan của hai gia đình, hai tổ ấm có sự đổi thay khi làng ngoại thành bị đô thị hóa. Sự đua chen cũng từ đó bùng phát. Tình cảm hàng xóm thân thiết của hai trí thức có những thay đổi, sứt mẻ, khi sự thua thiệt, ganh tị xảy ra. Cây khế trở thành người hòa giải và chứng kiến cảnh hai người chủ của gia đình nói chuyện, xua tan hiềm khích để bắt tay làm hòa. Trong buổi sáng hai con người pha trà, bỏ bánh kẹo ngồi tâm tình dưới gốc khế, hoa khế rụng xuống gốc, xuống bàn, rụng lên vai hai người. Cây khế tượng trưng cho tình thắm quê hương, những điều giản dị đã tỏa hương hoa, chúc mừng hai gia đình tìm được tiếng nói chung.
Trong khi truyện ngắn “Nhạc hoa” viết về giới trẻ ngày nay. Đặc biệt là những cô gái tính toán, dễ dãi trong tình yêu. Đằng sau đó là những nỗi sâu cay của đời nhan sắc, ước mơ, yêu và tình phụ. Họ đi chinh phục những điều viển vông. Sau cùng, số phận sắp đặt, mỗi người vẫn phải nhận ra đường đi của mình. Truyện cũng phản ánh khi một số cô gái có nỗi cô đơn trong cuộc sống, tình trường đã tìm một thú tiêu khiển mới rất nữ tính khi kết hợp hoa và âm nhạc... Thì truyện ngắn “Đoản hoa” lại xoáy sâu vào bi kịch giữa cũ và mới, giữa thế hệ trẻ và thế hệ già. Bối cảnh của truyện ngắn là một ngôi làng cổ trong quá trình đô thị hóa, nhà cổ bị sụp ngã trước những biến động của dòng đời, người ta phải phá bỏ nhà cổ để có đất đai chia cho các con, xây lên những ngôi nhà ống hai ba tầng. Trong đó, nhân vật chính tên Khẩn, yêu ký ức, giá trị tinh hoa cha ông để lại nên quyết giữ gìn nhà cổ. Anh cũng được động viên bởi thầy Nho, một người cũng chịu hy sinh để giữ ngôi nhà cổ của dòng họ, đồng thời trồng trong khuôn viên của gia đình những cây hoa ký ức. Đó là loài hoa đậm tính ẩn dụ, biểu tượng của tinh thần thầy Nho luôn sống trong tình thâm của vẻ đẹp truyền thống, gia phong. Nhưng thầy bị các con lừa dỡ nhà đem bán. Vợ Khẩn cũng bị dụ dỗ bởi bọn trọc phú, săn tìm mua khung nhà cổ. Rồi một ngày đầy nỗi đau thương, bọn chúng ầm ầm đưa máy móc đến đến dỡ nhà, cầm theo giấy chứng nhận vợ Khẩn đã nhận tiền, bán nhà. Đỉnh điểm của câu chuyện xảy ra khi người vợ trẻ ham hố, phản bội chồng phát hiện những đồng tiền bọn buôn nhà đưa cho là tiền giả. Thị biến thành kẻ điên. Đọc truyện “Đoản hoa” thấy cái cũ và cái mới tranh đấu nhau, đầy khắc nghiệt.
Các truyện ngắn “Mưa hoa”, “Duyên hoa”, “Nhẫn hoa”… nhân vật là những loài hoa, đại diện cho cái đẹp, sự tinh tuyền cũng trở thành tâm điểm của cuộc sống. Tác giả luôn đặt loài hoa bên các câu chuyện, bên con người để con người được gần hoa. Hoa luôn được con người yêu quý. Hoa là hình ảnh làm đẹp cho đời. Nhưng trong các truyện ngắn, hoa còn là tinh thần cao thượng mà những người yêu thiên nhiên, yêu văn hóa truyền thống luôn muốn được ảnh hưởng bởi những phẩm tính tốt đẹp của các loài hoa. Chính hoa khiến con người phải hướng tới cái thiện, cái mỹ.
Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/nghe-doc-xem/item/44055302-trong-bua-tiec-hoa.html