Trong cái khó 'ló' cái khôn

Y tế cơ sở bao gồm y tế thôn, bản; trạm y tế xã, phường, thị trấn; trung tâm y tế cấp huyện; y tế trường học, y tế cơ quan, nông, lâm trường, doanh nghiệp và y tế khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất.

Lãnh đạo Ban Văn hóa – xã hội (HĐND tỉnh) giám sát công tác khám, chữa bệnh tại Trạm Y tế phường Xuân Hòa, thành phố Long Khánh. Ảnh:H.Dung

Lãnh đạo Ban Văn hóa – xã hội (HĐND tỉnh) giám sát công tác khám, chữa bệnh tại Trạm Y tế phường Xuân Hòa, thành phố Long Khánh. Ảnh:H.Dung

Thời gian qua, hệ thống y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã được quan tâm, đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc, song nhiều nơi vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề nhân lực.

Khó khăn chồng chất khó khăn

Nhiều năm nay, huyện Vĩnh Cửu được xem là vùng “trũng” về nhân lực y tế. Mặc dù UBND huyện Vĩnh Cửu, Sở Y tế đã tổ chức nhiều cuộc họp để tháo gỡ khó khăn, trung tâm y tế huyện cũng đã ký kết hợp tác với Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được “bài toán” hóc búa này.

Giám đốc Trung tâm y tế huyện Vĩnh Cửu Hồ Văn Hoài cho biết, y tế công lập của huyện hiện có 50 bác sĩ trong biên chế và hợp đồng. Nhân lực đã thiếu, lại phải chia ra 3 cơ sở để hoạt động (địa bàn huyện trải dài 100km), bao gồm cơ sở 1 tại thị trấn Vĩnh An, cơ sở 2 tại xã Thạnh Phú và Phòng khám Đa khoa khu vực Phú Lý ở xã Phú Lý.

Đến nay, toàn tỉnh có 146/170 trạm y tế có bác sĩ cơ hữu. Trong số 24 trạm còn lại, riêng thành phố Biên Hòa có 9 trạm.

Tại khu vực cơ sở 2 đóng chân, dân cư rất đông với hơn 93 ngàn dân (gồm các xã Bình Hòa, Tân Bình, Thạnh Phú, Bình Lợi, Thiện Tân, Tân An) nhưng do không có bác sĩ chuyên khoa ngoại nên không đủ điều kiện để được phân bổ thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Do đó, người dân khi đến khám bệnh tại cơ sở này chỉ được khám ngoại trú, không thể nằm điều trị nội trú (qua đêm) dù có nhu cầu.

Cũng vì không có bác sĩ có giấy phép hành nghề chuyên khoa ngoại và sản nên danh mục ngoại khoa và sản khoa được phê duyệt tại cơ sở 2 rất hạn chế. Khi bộ phận cấp cứu của cơ sở thực hiện các kỹ thuật này, cơ quan bảo hiểm xã hội chỉ đồng ý thanh toán chi phí dịch vụ kỹ thuật và vật tư y tế kèm theo, nhưng không đồng ý thanh toán tiền công khám của bác sĩ. Điều này gây khó khăn cho bộ phận cấp cứu của cơ sở, ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh.

Còn tại cơ sở 1, do thiếu bác sĩ có giấy phép hành nghề khám, chữa bệnh (KCB) chuyên khoa ngoại và nhi nên buộc phải dừng hoạt động điều trị nội trú tại 2 khoa này mặc dù người dân có nhu cầu cao.

Tương tự, tại Phòng khám Đa khoa khu vực Phú Lý cũng không ký kết được hợp đồng KCB BHYT với cơ quan bảo hiểm xã hội vì thiếu bác sĩ. Vì vậy, dù phòng khám đã được sửa chữa và trang bị cơ bản đủ trang thiết bị như: máy xét nghiệm huyết học, máy xét nghiệm sinh hóa, máy xét nghiệm nước tiểu, máy X-quang kỹ thuật số, máy siêu âm, máy điện tim, nồi hấp tiệt trùng, bộ đặt nội khí quản nhưng không thể phục vụ nhu cầu KCB cho người dân trên địa bàn xã Phú Lý.

“Người dân xã Phú Lý vì thế phải di chuyển đến cơ sở 1 cách xa vài chục km để KCB BHYT, hoặc sẽ KCB BHYT tại Trạm Y tế xã Phú Lý (1 trong 5 trạm y tế/12 trạm y tế toàn huyện đủ điều kiện KCB BHYT). Trạm y tế là cơ sở y tế tuyến 4 nên số lượng kỹ thuật được phép thực hiện có hạn, số lượng thuốc cũng không nhiều dù số tiền mua thẻ BHYT bằng với tuyến tỉnh, huyện” - bác sĩ Hoài nói.

Chậm xây mới, sửa chữa cơ sở vật chất

Là huyện tập trung nhiều khu công nghiệp, dân số đông với hơn 363 ngàn người nhưng gần đây, số lượt người dân đến KCB tại Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom rất thấp. Tổng số lượt khám bệnh ngoại trú trong 6 tháng đầu năm nay là hơn 69,3 ngàn lượt, đạt 24,7% kế hoạch năm. Tổng số ngày điều trị nội trú đạt 23,1% kế hoạch năm. Công suất sử dụng giường bệnh chỉ đạt 39,5%.

Bác sĩ Nguyễn Đức Phước, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom cho hay, trước khi có Nghị quyết số 34/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định chế độ hỗ trợ nguồn nhân lực y tế tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2023-2025, nhiều bác sĩ, cán bộ y tế được đào tạo bài bản và có chứng chỉ hành nghề nghỉ việc đến nay chưa có người thay thế. Việc thiếu bác sĩ có trình độ chuyên môn làm hạn chế phát triển các kỹ thuật mới tại đơn vị, như kỹ thuật mổ sản khoa. Bên cạnh đó, Đơn vị chạy thận nhân tạo vì có 2/4 bác sĩ đã nghỉ việc nên đến nay chỉ thực hiện chạy thận 3 ngày trong tuần, trong khi nhu cầu chạy thận của người dân trên địa bàn huyện rất nhiều.

Tính đến ngày 30-6-2024, Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom chưa được thanh toán chi phí KCB BHYT năm 2019 số tiền hơn 10,4 tỷ đồng. Do vậy, đơn vị không đủ kinh phí để chi trả tiền thuốc, vật tư y tế, hóa chất cho các nhà thầu cung cấp.

Về cơ sở vật chất, trong số 17 trạm y tế toàn huyện có 13 trạm đã xuống cấp, hư hỏng, đã có quyết định về chủ trương xây mới, sửa chữa nhưng đến nay vẫn chưa được thi công với lý do thủ tục thanh lý tài sản chưa thực hiện xong.

Từ năm 2023 đến hết tháng 6-2024, toàn tỉnh có hơn 8,7 ngàn nhân viên y tế từ tỉnh đến cơ sở đã được hỗ trợ số tiền hơn 394 tỷ đồng theo Nghị quyết số 34 của HĐND tỉnh quy định chế độ hỗ trợ nguồn nhân lực y tế tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2023-2025.

Trong khi đó, trên địa bàn thành phố Long Khánh, một số trạm y tế đã được xây dựng từ lâu nay đã có hiện tượng tường thấm, hệ thống điện, nước hư hỏng. Tiến độ triển khai xây mới trung tâm y tế và các trạm y tế Xuân Tân, Hàng Gòn còn chậm. Máy siêu âm của các trạm y tế Xuân Hòa, Bảo Quang, Xuân Tân, Bàu Trâm được cấp từ hơn 10 năm nên đã xuống cấp, độ phân giải kém, không đáp ứng được nhu cầu KCB của người dân.

Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung cho hay, tiến độ triển khai xây dựng một số trung tâm y tế như Nhơn Trạch, Biên Hòa rất chậm khiến các đơn vị gặp nhiều khó khăn trong công tác KCB và phòng chống dịch bệnh. Các quy định về đấu thầu mua sắm máy móc chưa linh hoạt khiến việc mua sắm phải trải qua nhiều quy trình phức tạp, đơn vị phải chờ đợi lâu.

Nâng cao tính chủ động, sáng tạo

Xác định nhân lực là yếu tố then chốt để phát triển chất lượng KCB, phòng chống dịch bệnh tại tuyến y tế cơ sở nên thời gian qua, Ban giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cẩm Mỹ đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để thu hút các bác sĩ về làm việc tại đơn vị.

Nhân viên y tế soạn thuốc bảo hiểm y tế để cấp cho người bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Cửu. Ảnh:H.Dung

Nhân viên y tế soạn thuốc bảo hiểm y tế để cấp cho người bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Cửu. Ảnh:H.Dung

Bác sĩ chuyên khoa II Lưu Văn Tường, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cẩm Mỹ chia sẻ: “Nhiều bác sĩ sau khi hoàn thành chương trình đào tạo chuyên khoa I đã quay về trung tâm làm việc, triển khai được nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, đặc biệt là lĩnh vực ngoại khoa và sản khoa. Từ đó, tạo được uy tín cho đơn vị, giúp nhiều người dân địa phương, khu vực lân cận và cả ở ngoài tỉnh không phải đi xa. Đến nay, tất cả các trạm y tế của huyện đều có bác sĩ công tác”.

Còn tại Trung tâm Y tế huyện Xuân Lộc, thời gian qua, các bác sĩ đã kịp thời cấp cứu, phẫu thuật, điều trị thành công cho nhiều ca bệnh khó, hiếm.

Bác sĩ Bùi Thái Chiến, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Xuân Lộc cho biết, từ năm 2023 đến 6 tháng đầu năm 2024, trung tâm đã thực hiện thành công 180 ca phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa bị viêm, 16 ca phẫu thuật nội soi thai ngoài tử cung, 13 ca phẫu thuật u nang buồng trứng, 10 ca phẫu thuật nội soi khâu lỗ thủng dạ dày - tá tràng. Ngoài ra, các bác sĩ của trung tâm còn thực hiện nhiều ca phẫu thuật kết hợp gãy xương đùi, gãy thân xương cẳng chân, gãy thân xương cẳng tay; phẫu thuật nối gân; phẫu thuật rút đinh, rút nẹp, tháo các dụng cụ kết hợp xương; phẫu thuật lấy thai lần 2 trở lên.

Theo bác sĩ Chiến, với tinh thần ham học hỏi, không ngừng rèn luyện nâng cao tay nghề, nhiều bác sĩ chuyên ngành ngoại, sản khoa của trung tâm đã làm chủ được nhiều kỹ thuật khó, kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường của bệnh nhân để xử lý, giúp giảm thiểu nguy cơ biến chứng cũng như an toàn tính mạng cho người bệnh.

Cũng như Trung tâm Y tế huyện Cẩm Mỹ, Xuân Lộc đang xin phép cấp trên mua thêm một máy siêu âm, một máy gây mê vì hiện nay một máy đã hết hạn sử dụng, chỉ còn một máy. Ngoài ra, trung tâm cũng cần thêm một bộ phẫu thuật nội soi, một bộ nội soi tai mũi họng vì các bộ dụng cụ này đã cũ, đưa vào sử dụng từ những năm 2011, 2014.

Nhằm nâng cao chất lượng KCB ở tuyến cơ sở, Sở Y tế đã có quyết định giao Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, chỉ đạo tuyến đối với Trung tâm Y tế thành phố Biên Hòa, Trung tâm Y tế huyện Nhơn Trạch.

Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất hỗ trợ Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Cửu, Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom. Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, chỉ đạo tuyến về nhi khoa cho tất cả các đơn vị trực thuộc và các bệnh viện tư nhân.

Giao Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh hỗ trợ cho các Trung tâm y tế huyện Thống Nhất, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ. Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành hỗ trợ cho trung tâm y tế các huyện Nhơn Trạch, Long Thành. Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán hỗ trợ cho trung tâm y tế các huyện Tân Phú và Định Quán.

Hạnh Dung

Giám đốc Sở Y tế LÊ QUANG TRUNG:

Cần thay đổi những bất cập hiện nay ở tuyến y tế xã

Cùng là bác sĩ có trình độ chuyên khoa I nhưng khi khám bệnh ở tuyến xã, bác sĩ được trả số tiền công khám thấp hơn rất nhiều lần so với khi khám ở bệnh viện tuyến tỉnh. Cũng mua thẻ BHYT với giá thành như nhau nhưng người khám, chữa bệnh ở tuyến xã lại được cấp ít loại thuốc hơn, thực hiện ít dịch vụ kỹ thuật hơn so với người bệnh khám BHYT ở tuyến huyện, tuyến tỉnh. Đây là những bất cập thể hiện rõ sự phân biệt giữa các tuyến y tế mà người thiệt thòi là bệnh nhân, bác sĩ ở tuyến cơ sở. Nếu không thay đổi những quy định về cơ số thuốc, gói dịch vụ kỹ thuật, tiền công khám ở tuyến y tế xã thì sẽ không thể thay đổi được những vấn đề đang tồn tại ở tuyến y tế cơ sở.

Bà HUỲNH NGỌC KIM MAI, Trưởng Ban Văn hóa - xã hội, HĐND tỉnh:

Sẽ kiến nghị tháo gỡ các khó khăn cho ngành y tế

Mới đây, Ban Văn hóa - xã hội đã giám sát thực tế hoạt động tại một số trung tâm y tế, trạm y tế trên địa bàn tỉnh, cũng như làm việc với Sở Y tế về nâng cao chất lượng KCB tuyến y tế cơ sở. Chúng tôi sẽ tổng hợp những ý kiến, kiến nghị của ngành y tế để đề xuất với các cấp có liên quan. Trước mắt, chúng tôi mong ngành y tế phát huy nội lực, tăng cường tính chủ động, sáng tạo để giải quyết những vấn đề nội tại. Đồng thời, có giải pháp phát triển Đảng cũng như cử luân phiên cán bộ, bác sĩ đi học để đủ điều kiện bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ. Qua đó, tạo sự ổn định, giúp các y, bác sĩ an tâm công tác, gắn bó với đơn vị. Tất cả nhằm hướng đến mục tiêu bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe người dân ở tuyến cơ sở tốt nhất, nhanh nhất.

Dược sĩ NGUYỄN THỊ NGỌC MAI, Phụ trách Trạm Y tế phường Long Bình, thành phố Biên Hòa:

Cần bổ sung nhân lực và xây mới cơ sở vật chất

Dân số toàn phường rất lớn với khoảng 140 ngàn dân, tương đương với một huyện có dân số trung bình ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước nhưng chỉ có 12 nhân viên y tế, không đủ để thực hiện các nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân trên địa bàn phường. Do vậy, anh em trong trạm phải căng mình, nỗ lực, mỗi người kiêm nhiệm rất nhiều chương trình để có thể thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu mà Trung tâm y tế thành phố Biên Hòa đề ra.

Chúng tôi kiến nghị các cấp lãnh đạo bổ sung thêm nhân lực cho trạm y tế, tương ứng với dân số 140 ngàn dân. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất tại trạm cũng đã xuống cấp trầm trọng, không đủ điều kiện phục vụ KCB cho người dân, cần phải xây mới, sửa chữa càng sớm càng tốt.

An Yên (ghi)

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202409/trong-cai-kho-lo-cai-khon-cd95440/