Trong cái khó ló cái may

Trước những ảnh hưởng chưa từng có do đại dịch Covid - 19 gây ra, sản phẩm nông sản, hàng hóa của HTX, tổ hợp tác bị ứ đọng không tìm được đầu ra... Tuy nhiên, giữa cái khó ấy, nhiều HTX đã may mắn kết nối tiêu thụ với các công ty lớn.

Trong cái khó ló cái may

Kết nối tiêu thụ để trái thanh long “giữ giá” ổn định trong vụ mùa.

Kết nối tiêu thụ để trái thanh long “giữ giá” ổn định trong vụ mùa.

Thanh long rớt giá sâu

Từ lúc đợt dịch thứ 4 bùng phát trở lại, các HTX sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trái thanh long gặp khó khăn do đầu vào sản xuất tăng cao trong khi giá xuống thấp, thậm chí không bán được hàng. Việc vận chuyển thanh long, giao thương giữa Bình Thuận đến các tỉnh, thành đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 vô cùng khó khăn. Trong khi thanh long trong tỉnh đang ở vào vụ mùa, sản lượng lớn, cộng thêm Trung Quốc đang tạm dừng nhập khẩu thanh long ở 2 cửa khẩu, ngay lập tức giá thanh long giảm sâu chỉ còn 3.000 - 4.000 đồng/kg. Nhiều nông dân điêu đứng, nhưng chẳng dám than thở nhiều vì đây là vấn đề đã được cảnh báo từ lâu và Bộ Công thương đã nhiều lần khuyến cáo các địa phương không mở rộng diện tích, mà khuyến khích sản xuất thanh long an toàn, chất lượng cao.

Trước tình hình đó, ngoài con đường xuất khẩu, các ngành chức năng và doanh nghiệp, HTX đang cố gắng tiêu thụ thanh long cho nông dân, thành viên bằng nhiều cách như: đẩy mạnh bán hàng qua sàn thương mại điện tử, tăng cường chế biến thanh long sấy khô, mứt hoặc rượu, hay trữ vào kho lạnh… Và mới đây nhất, thông qua Hội nghị Xúc tiến thương mại kết nối cung cầu trực tuyến do Cục Xúc tiến Thương mại kết hợp Trường Quản lý Cán bộ Nông nghiệp II tổ chức, nhiều HTX sản xuất thanh long trong tỉnh đã nhanh trí kết nối được nhiều đơn vị, công ty lớn nhằm “giữ giá” trái thanh long đang rớt đáy.

Kết nối tiêu thụ

Trong đó, HTX thanh long Phú Thịnh (xã Hàm Phú – Hàm Thuận Bắc) đã kết nối với 3 công ty lớn là Công ty TNHH chế biến trái cây Yasaka (Bình Dương), Công ty Xuất nhập khẩu Nông sản Quốc Minh (Long An) và Tập đoàn Vincom với hệ thống siêu thị toàn quốc. “Tuy sự kết nối chỉ mới thể hiện trên giấy tờ, còn đang thực hiện nhiều thủ tục liên quan, nhưng cũng là tín hiệu vui cho 14 thành viên HTX với sản lượng hàng năm khoảng 600 tấn được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Khi hợp đồng chính thức được triển khai, trái thanh long sẽ được xuất bán với giá ổn định từ 11.000 – 14.000 đồng/kg, người trồng không phải thấp thỏm khi hàng bị ứ đọng”, Chủ tịch HĐQT – Giám đốc HTX thanh long Phú Thịnh - Nguyễn Minh Hoàng cho biết. Mới thành lập từ tháng 4/2019, HTX Phú Thịnh gặp rất nhiều khó khăn khi đại dịch Covid – 19 ập tới. Tuy nhiên, với sự nhạy bén, nỗ lực vượt khó của tập thể thành viên, cũng như sự may mắn khi kết nối được các hợp đồng lớn, làm các thành viên trong HTX phần nào an tâm sản xuất.

Cũng thông qua hội nghị xúc tiến thương mại ấy, HTX rượu vang thanh long Hàm Đức (Hàm Thuận Bắc) cũng đã nhanh chân “làm quen” với 1 công ty Ấn Độ (có trụ sở tại Bình Dương) để thỏa thuận mua bán rượu thanh long nổi tiếng của Bình Thuận. Mọi thủ tục giấy tờ dịch ngữ đã xong, nhưng việc gửi mẫu thử cho công ty đang gặp khó khăn vì dịch ở Bình Dương đang vô cùng phức tạp. Ngoài hợp đồng cung cấp trái tươi cho hệ thống siêu thị BigC (TP.Đà Lạt) thời gian qua, HTX này cũng đã kết nối với hệ thống siêu thị của Vincom để cung cấp trái tươi cho 3 tỉnh, thành là Thủ Đức, Đà Nẵng và Bắc Ninh với sản lượng dự kiến khoảng 20 tấn/tháng, giá ổn định khoảng 14.000 đồng/kg. Hiện HTX đang cố gắng hoàn tất các yêu cầu về thủ tục vệ sinh an toàn thực phẩm để gửi cho đối tác. Giám đốc HTX rượu vang thanh long Hàm Đức – Lê Nguyện chia sẻ: “Đây là cơ hội tốt góp phần tăng giá trị trái thanh long Bình Thuận nói chung và đảm bảo đời sống của người nông dân nói riêng. Tuy dịch Covid – 19 khiến mọi hoạt động sản xuất, thu mua, giao thương đều gặp khó khăn, nhưng mỗi doanh nghiệp, HTX phải cố gắng vượt khó để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng”.

Ngoài ra, còn nhiều HTX khác trong tỉnh đã tranh thủ cơ hội kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm mở rộng thị trường, để không phụ thuộc vào một thị trường nào. Mới đây, thông tin Nhật Bản vừa công bố thẩm định lần 2 hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận đã làm nhiều người trồng thanh long theo tiêu chuẩn an toàn vui mừng. Nếu thanh long Bình Thuận được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, thì trái “rồng xanh” sẽ sớm có chỗ đứng vững vàng ở thị trường khó tính này.

M. Vân

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/trong-cai-kho-lo-cai-may-140799.html