Trồng cây hưởng ứng Ngày quốc tế chống sa mạc hóa

Hưởng ứng Ngày quốc tế phòng chống sa mạc hóa, ngày 16/6, Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang tổ chức phát động trồng cây.

Bên cạnh đào tạo giáo dục, các nhà trường luôn quan tâm tới việc bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp. Ảnh minh hạo: Tuấn Đức - TTXVN

Bên cạnh đào tạo giáo dục, các nhà trường luôn quan tâm tới việc bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp. Ảnh minh hạo: Tuấn Đức - TTXVN

Chủ đề của Ngày quốc tế chống sa mạc hóa năm nay là “Đất đai và quyền của phụ nữ”, nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong việc sử dụng đất bền vững.

Phát động tại lễ mít tinh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị nêu, mặc dù Việt Nam không phải quốc gia trọng điểm về sa mạc hóa nhưng suy thoái đất đã và đang diễn ra âm thầm, rất mạnh.

Theo số liệu thống kê năm 2021 của Bộ Tài nguyên Môi trường, Việt Nam có tổng diện tích đất bị thoái hóa là 11,838 triệu ha, chiếm khoảng 35,74% tổng diện tích tự nhiên của cả nước; trong đó 1,207 triệu ha bị thoái hóa nặng, 3,787 triệu ha bị thoái hóa trung bình và 6,844 triệu ha bị thoái hóa nhẹ.

Năm 2023 là năm khởi đầu của chu kỳ El Nino với những dự báo sẽ khắc nghiệt về khô hạn diện rộng, nắng nóng gay gắt sẽ cần thêm khoảng 300 triệu ha đất để sản xuất lương thực nhằm đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu. Tuy nhiên, đây là thách thức rất lớn vì đất đai là tài nguyên hữu hạn lại đang bị đe dọa và sụt giảm nghiêm trọng bởi suy thoái đất, cùng với sự gia tăng dân số thế giới.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cũng nhấn mạnh, thực trạng trên bắt buộc chúng ta phải nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc quản lý, sử dụng tài nguyên đất bền vững, bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên.

Theo đó đòi hỏi phải có những giải pháp kịp thời, đồng bộ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp liên ngành, sự tham gia của các nhà khoa học và sự ủng hộ của người dân và cộng đồng quốc tế.

Trong những năm qua, ngoài các nguyên nhân chủ quan do con người gây ra trong hoạt động phát triển kinh tế - xã hội thì nguyên nhân khách quan do biến đổi khí hậu cũng đem lại tác động tiêu cực trong quá trình sa mạc hóa và suy thoái đất. Biến đổi khí hậu diễn ra với cường độ mạnh, nhanh và bất thường khiến nhiều diện tích đất bị thoái hóa, hoang mạc hóa, làm mất đi từng phần hoặc toàn bộ tính năng sản xuất của đất.

Trên thế giới, diện tích các hoang mạc chiếm khoảng 1/3 diện tích đất liền của trái đất, chỉ tính riêng 10 khu vực hoang mạc hóa lớn nhất thế giới diện tích đã lên đến gần 44.000 triệu km2. Tại Việt Nam, tính đến hết năm 2016 diện tích đất bị suy thoái trên phạm vi toàn quốc khoảng 1,3 triệu ha, chiếm khoảng 4% diện tích đất liền của lãnh thổ; diện tích đất có dấu hiệu bị suy thoái gần 2,4 triệu ha; diện tích đất có nguy cơ bị suy thoái là 6,7 triệu ha…

Theo Cục Lâm nghiệp, hạn hán là một trong những thảm họa thiên nhiên có sức tàn phá nặng nề nhất, gây thiệt hại đối với cuộc sống, phát sinh từ các tác động, chẳng hạn như mất mùa trên diện rộng, cháy rừng và suy giảm nguồn nước.

Hạn hán ngày càng trầm trọng hơn do suy thoái đất và biến đổi khí hậu, tiếp tục gia tăng về tần suất và mức độ nghiêm trọng, tăng 29% kể từ năm 2000, với 55 triệu người bị ảnh hưởng mỗi năm. Đến năm 2050, hạn hán có thể ảnh hưởng tới khoảng 3/4 dân số thế giới. Đây là một vấn đề cấp bách và mang tính toàn cầu.

Tình trạng thiếu lương thực và nước cũng như cháy rừng do hạn hán nghiêm trọng đều gia tăng trong những năm gần đây.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang cho biết, nhà trường rất vinh dự được cấp trên lựa chọn làm nơi tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng ngày Quốc tế chống sa mạc hóa và hạn hán năm 2023. Những năm qua, bên cạnh đào tạo giáo dục, nhà trường luôn quan tâm tới việc bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp.

Hiện nhà trường có điểm du lịch sinh thái nông nghiệp; khu rừng chim nước là nơi trú ngụ và sinh sản của gần 15 nghìn cá thể các loại. Nhiều cán bộ, giảng viên, sinh viên đơn vị có những đề tài nghiên cứu khoa học về giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đã được ứng dụng có hiệu quả vào thực tiễn.

Ngay sau lễ mít tinh, hơn 500 đại biểu, học sinh, sinh viên đã trồng khoảng 200 cây xanh trong khuôn viên nhà trường./.

Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/trong-cay-huong-ung-ngay-quoc-te-chong-sa-mac-hoa/294963.html