Trong đại dịch, tình người càng tỏa sáng

Những suất ăn từ thiện, thùng khẩu trang, đôi găng tay, phiên chợ 0 đồng chỉ là chút hành động nhỏ giữa mùa dịch. Thế nhưng, ân tình đâu cần phải đao to, búa lớn.

Anh Tâm Nguyễn, Việt Kiều ở Mỹ, cùng nhóm bạn người Mỹ gốc Việt lấy hết kho dự trữ dụng cụ bảo hộ từ thẩm mỹ viện và tiệm làm móng của anh và của gia đình một người bạn trị giá ba triệu USD. Anh còn kêu gọi bạn bè trên đất Mỹ để tặng cho hơn 70 bệnh viện, cơ sở y tế, viện dưỡng lão tại quận Cam và Los Angeles hơn 120.000 khẩu trang, 300.000 đôi găng tay cùng các thiết bị bảo hộ khác.

Nhóm thiện nguyện của các anh còn kêu gọi các nhà hàng Việt ủng hộ các suất ăn cho các nhân viên y tế, người có hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch này.

[…]

Trào nước mắt khi nhìn thấy tấm ảnh mẹ già Ngô Thị Quýt 97 tuổi, tóc bạc phơ, đeo kính lão ngồi trên bàn máy khâu, tay tỉ mẩn vân vê từng đường biên của miếng cắt hình khẩu trang, lưng gò xuống để đỡ từng mũi kim chạy qua đường may.

Đôi mắt của cụ không tinh tường nữa, một mắt sáng, một mắt tối, nhưng cụ đã may bằng kinh nghiệm cả cuộc đời và bằng cả tấm lòng thiện nguyện. Đường may của cụ có thể không sắc nét bằng những đường may của các cô công nhân trẻ, nhưng đậm một nghĩa ân tình.

Cụ vui vì đóng góp được những cái khẩu trang vải kháng khuẩn cho người nghèo trong khu phố mình.

Cụ nói người có điều kiện hơn thì góp tiền, mình không có điều kiện thì góp công, cùng nhà nước chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Cụ thấy khỏe ra, không mệt mỏi bởi vì mình vẫn còn giúp ích được cho đời.

Cuộc đời cụ là một cuộc đời hy sinh. Chồng và con trai duy nhất của cụ là liệt sĩ. Bản thân cụ từng là một chiến sĩ, đã bao lần bị quân thù tra tấn, đầy ải, những vết thương trong các trận đánh và roi vọt tra tấn dã man trên người cụ dày đặc, nhưng cụ vẫn sống lạc quan, vẫn lao động, cống hiến, vẫn yêu thương, lo lắng cho mọi người quanh mình.

Có những bà mẹ dồn hết tiền dành dụm vài chỉ vàng, vài ba triệu để đưa vào quỹ chung tay chống dịch. Những em bé dành cả con lợn tiết kiệm của mình bao năm, những đồng tiền lẻ mệnh giá bé tí nhưng chứa đựng tính nhân văn cao cả.

Biết bao cá nhân, bao công ty, người góp của, kẻ góp công, lặng lẽ như thế, mỗi ngày mỗi đầy. “Một miếng khi đói, bằng một gói khi no” là thế. Ân tình đâu có cần phải đao to, búa lớn.

 Phiên chợ 0 đồng dành cho người nghèo tại một phường của TP.HCM. Ảnh: TS Cù Thu Hương.

Phiên chợ 0 đồng dành cho người nghèo tại một phường của TP.HCM. Ảnh: TS Cù Thu Hương.

Rời Hà Nội, tôi vào TP.HCM thăm người thân. 5h30, tôi được đánh thức bởi tiếng nhạc thể dục nhịp điệu. Tôi bật dậy, mặc đồ thể thao đi xuống nhà, mở cổng bước ra ngoài.

Trên một khoảng trống, giữa những lùm cây xanh và bãi cỏ mịn như nhung, một nhóm hơn chục chị em đang nhịp nhàng chuyển động tay chân, cơ thể theo tiếng nhạc và mẫu tập phía trước. Vui quá, tôi cùng hòa vào đội tập thể dục.

Hương thơm mát dịu của hoa hoàng yến, hoa sứ, hoa đỗ quyên, hoa phượng, hoa ngũ sắc… hòa trộn vào nhau thành một mùi thiên nhiên không cần pha thêm bất kỳ một giọt hóa chất làm thơm nào…

Lâu lắm rồi tôi mới được cảm giác gần gũi với thiên nhiên đến thế. Một cảm giác thật dễ chịu, yên bình bao trùm tôi.

Đúng 6h30, ai về nhà nấy, chỉ còn một chị lúc nãy đứng tập mẫu cho mọi người đang lúi húi dọn loa. Tôi bước lại gần chào chị. Hóa ra chị là hàng xóm của em gái tôi, tên chị là Bùi Trang Nhung.

Chị giải thích lẽ ra tập đến 7h, nhưng hôm nay chị cho về sớm để còn có thời gian chuẩn bị cho phiên chợ 0 đồng dành cho người nghèo trong phường.

Hôm nay là đợt thứ năm chị cùng nhiều nhà hảo tâm trong phường tổ chức và tham gia, em gái tôi là Cù Thu Hiền cũng là thành viên tích cực trong các đợt thiện nguyện cùng bà con lối xóm.

Vừa nói chuyện với tôi, chị vừa ra đỡ giúp mấy thanh niên vận chuyển từ trên xe tải xuống những chiếc bàn nhôm để đựng các thực phẩm cho phiên chợ 0 đồng.

[…]

Chị bảo để huy động được mọi người thì trước hết mình phải làm gương. Là người tự nguyện đi đầu trong việc quyên góp, chị đóng một phần lương hưu của mình đều đặn như thế vào các đợt thiện nguyện.

Đã 71 tuổi, nhưng có trí nhớ cực tốt, chị liệt kê ngay các lần quyên góp: Lần một huy động quyên góp được tiền mặt 10 triệu đồng, 100 thùng mì tôm, 500 khẩu trang 3 lớp. Lần hai được 18 triệu. Lần ba, vận động được 4 người trong tổ làm 40 phần quà phát cho 40 hộ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trong chi hội, mỗi phần quà gồm một thùng mì, 5 kg gạo, dầu ăn, bột ngọt…

Hai lần tiếp theo là tổ chức phiên chợ 0 đồng cho người nghèo trong phường gồm 1.000 phần. Các phần quà là 5 kg gạo, chai dầu ăn, gói bột canh, chai nước mắm… những thứ thiết thực nhất cho bữa cơm hàng ngày của người nghèo.

Đến chợ 0 đồng là những cô, những bà, những ông đi xe đạp hoặc đi bộ đến, gương mặt gầy gò, hốc hác vì lo toan chạy bữa từng ngày, giờ đây lại càng thêm nhiều vết chân chim, nước da bạc màu nắng phơi sương tháng ngày trên đường phố đanh sắt lại, già nua, khắc khổ theo thời gian.

Nhưng ánh mắt của họ thấy rõ niềm vui sướng, cảm động, tay họ run run đón nhận từ chị một phần quà, rơm rớm nước mắt. Một chút nhỏ ân tình rau cháo cũng là quý trong lúc gian nan thế này.

TS Cù Thu Hương/ NXB Hội Nhà văn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/trong-dai-dich-tinh-nguoi-cang-toa-sang-post1252044.html