Trong gian khó càng yêu thương đồng bào

Quân số ít, khối lượng công việc nhiều, nguy cơ lây nhiễm bệnh luôn tiềm ẩn, song thời gian qua, các cán bộ, chiến sĩ LLVT và đội ngũ y sĩ, bác sĩ, nhân viên y tế quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) vẫn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, chăm sóc, phục vụ công dân cách ly y tế tập trung tại khu ký túc xá Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông Việt-Hàn, để lại tình cảm đẹp với cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương.

Tận tình, trách nhiệm

Tuy có khá nhiều cây xanh, song khi mặt trời dần đứng bóng, khu ký túc xá Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông Việt-Hàn vẫn nóng như chảo lửa. Đang tất bật xách các phần cơm đi bộ lên tầng 5, gặp chúng tôi ở cầu thang tầng 3, Thiếu tá Thái Văn Tú, Trợ lý dân quân, Ban CHQS quận Ngũ Hành Sơn dừng lại lau mồ hôi, chia sẻ: “Để bảo đảm tốt nhất hậu cần, y tế cho gần 300 công dân trong khu cách ly, mỗi ngày, chúng tôi phải lên xuống các dãy nhà đến vài chục lần. Lúc lên thì khệ nệ bưng cơm, nước và nhu yếu phẩm, còn lúc xuống lại mang theo vài bịch rác, công việc chẳng lúc nào ngơi. Nắng nóng, người đầy mồ hôi bởi lúc nào cũng vận đồ bảo hộ, đeo khẩu trang, kính chắn giọt bắn, nhiều hôm xong việc anh em khá mệt, song vì bà con, chúng tôi lại động viên nhau cùng cố gắng”.

Bác Trần Thị Nông (trú tại huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) xúc động: “Mấy chú bộ đội ở đây tận tình, trách nhiệm với dân lắm. Sáng nào cũng dậy sớm quét dọn vệ sinh, cơm nước, đêm xuống lại thay nhau tuần tra, canh gác rất vất vả, vậy mà mỗi lần tiếp xúc, tôi thấy các chú vẫn luôn vui vẻ, lạc quan, chăm sóc mọi người rất chu đáo. Mong sao dịch bệnh sớm chấm dứt để các chú được về bên gia đình, chứ đi miết cả tháng nay rồi...”.

Do có tiếp xúc gần với bệnh nhân số 1027, tối 26-8 vừa qua, anh Nguyễn Văn Xuân và anh Ngô Văn Nguyên (trú tại phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) được cơ quan chức năng đưa đến khu cách ly. Sáng hôm sau ngủ dậy, các anh cảm thấy rất hoang mang, lẻ loi khi tất cả mọi người trong các dãy nhà lần lượt được nhân viên y tế đến tận phòng đo thân nhiệt và thông báo thu xếp hành lý, tư trang để trở về nhà. Hiểu rõ tâm trạng của các anh, sau khi tiễn bà con ra cổng, Thượng tá Lê Việt Thắng, Chính trị viên phó Ban CHQS quận Ngũ Hành Sơn, chỉ huy khu cách ly vội vã khoác đồ bảo hộ, trực tiếp lên tầng 5 gặp gỡ, động viên, giúp các anh lạc quan, yên tâm cách ly. Để hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm, anh Xuân và anh Nguyên được bố trí ở hai phòng riêng, nằm ở hai đầu dãy nhà, có đầy đủ tiện nghi và các nhu yếu phẩm cần thiết khác. Mỗi ngày 3 lần, bộ đội thay nhau lên thăm khám, đo thân nhiệt, đưa thức ăn, nước uống và trò chuyện cùng các anh.

 Cán bộ Ban CHQS quận Ngũ Hành Sơn trao giấy chứng nhận hoàn thành thời gian cách ly cho các công dân.

Cán bộ Ban CHQS quận Ngũ Hành Sơn trao giấy chứng nhận hoàn thành thời gian cách ly cho các công dân.

Nói về lý do không bố trí hai công dân còn lại ở trong những tầng thấp để tiện chăm sóc và theo dõi, Thượng tá Lê Việt Thắng cho biết: “Sau khi bà con ra về, chúng tôi sẽ tổng dọn vệ sinh, phun khử khuẩn toàn bộ khuôn viên, phòng ốc, để sẵn sàng đón nhận các công dân mới đến cách ly. Trời nắng nóng, việc giặt giũ chăn chiếu, mùng màn tuy vất vả nhưng khi phơi sẽ rất nhanh khô và bảo đảm vệ sinh. Việc bố trí anh Xuân và anh Nguyên trên tầng cao nhất nhằm tạo sự yên tĩnh, hạn chế ảnh hưởng của các loại dung dịch khử khuẩn, giúp các anh có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn nhiều hơn. Tuy cả khu cách ly chỉ còn lại hai công dân nhưng mọi chế độ nền nếp ở đây chúng tôi vẫn duy trì rất chặt chẽ và nghiêm túc”.

Đượm tình quân dân

Ngày đầu tiên khu cách ly đi vào hoạt động, có 120 công dân là bệnh nhân và người nhà của họ được chuyển đến từ Bệnh viện C và Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Sau khi sắp xếp chu đáo nơi ăn ở cho bà con, chỉ huy khu cách ly đã tổ chức một cuộc họp khẩn, phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên quan tâm, chăm sóc, hỗ trợ đặc biệt cho các phụ nữ mang thai, người lớn tuổi và bệnh nhân nặng. Không có người thân bên cạnh, bản thân lại bị liệt nửa người, mọi sinh hoạt hằng ngày của anh Nguyễn Văn Tuấn (35 tuổi, trú tại Tam Kỳ, Quảng Nam) đều được cán bộ, chiến sĩ, dân quân và đội ngũ nhân viên y tế nhiệt tình hỗ trợ. Vẫn chưa hết đau sau ca mổ ruột thừa, chị Đặng Thị Thanh (32 tuổi, trú tại Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) rất xúc động khi hàng ngày được bộ đội nấu cháo, đưa lên tận phòng.

Từ Yên Thành (Nghệ An) vào Đà Nẵng làm phụ hồ được vài ngày, anh Thái Văn Tuấn không may bị một thanh sắt đâm thủng tay, phải nhập viện cấp cứu. Sau thời gian điều trị, anh được đưa đi cách ly y tế tập trung. Quá trình tiếp xúc, biết hoàn cảnh gia đình anh Tuấn rất khó khăn, bằng các mối quan hệ của mình, Thượng tá Lê Việt Thắng đã vận động, quyên góp giúp đỡ anh được hơn 5 triệu đồng. Ngày anh Tuấn hoàn thành thời gian cách ly, Thượng tá Lê Việt Thắng tiếp tục nhờ bạn bè hỗ trợ một chuyến xe miễn phí đưa anh về tận Yên Thành.

Trong lá thư gửi các cán bộ, chiến sĩ trước ngày chia tay khu cách ly, 4 công dân trẻ tuổi ở phòng 2209 đã viết: “Quãng thời gian ở đây tuy không dài, song cũng đủ để chúng tôi cảm nhận rất rõ sự quan tâm, sẻ chia và những vất vả, hy sinh của các anh bộ đội, càng gian khó các anh càng thương đồng bào!”.

Bài và ảnh: VIỆT HÙNG - TÙNG LÂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/phong-chong-dich-viem-phoi-do-virus-ncov/trong-gian-kho-cang-yeu-thuong-dong-bao-633467