Trồng hoa dọc tuyến đường sắt Bắc – Nam: Loại cây nào phù hợp?

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam dự kiến trong 3 năm tới sẽ hoàn thành đường hoa dài hơn 3000km dọc tuyến đường sắt Bắc Nam, đi qua địa phận tỉnh nào sẽ trồng loài hoa đặc trưng của tỉnh đó.

Ba năm làm đường hoa qua 34 tỉnh thành

Vừa qua, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tổ chức lễ phát động phong trào "Đường tàu - đường hoa" tại tỉnh Quảng Bình. Theo ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, việc này sẽ triển khai thực hiện trên 34 tỉnh thành có đường sắt đi qua, cơ bản theo mô hình xã hội hóa và dự kiến triển khai thực hiện trong 3 năm (từ tháng 3/2023 đến tháng 3/2025).

"Tuyến đường sắt Bắc - Nam có nhiều cung đường được bình chọn là cung đường đẹp nhất thế giới, có nhiều nhà ga là di tích lịch sử - văn hóa. "Mỗi cung đường - Một loài hoa; Mỗi khu ga - Một điểm đến", đường hoa hình thành sẽ giúp du khách dễ nhận diện vùng miền theo cây trồng. Đường sắt Việt Nam với hơn 3.143km, đi qua 34 tỉnh thành, nhiều cung đường được bình chọn là cung đường đẹp nhất thế giới, có nhiều nhà ga là di tích lịch sử - văn hóa. Kỳ vọng về lâu dài sẽ hình thành con đường hoa dài nhất Việt Nam, trở thành điểm nhấn du lịch, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với các địa phương và đến với Việt Nam" - ông Mạnh nói.

Việc trồng toàn bộ hoa, cây cảnh dọc tuyến đường sắt Bắc Nam kỳ vọng sẽ tạo ra cảnh quan đẹp mắt, thu hút du khách.

Việc trồng toàn bộ hoa, cây cảnh dọc tuyến đường sắt Bắc Nam kỳ vọng sẽ tạo ra cảnh quan đẹp mắt, thu hút du khách.

Ngành đường sắt đang khó khăn nên không có kinh phí để trồng hoa diện rộng. Việc trồng và chăm sóc theo chủ trương xã hội hóa. Thực tế có những nơi người dân đã trồng hoa hai bên đường sắt trước nhà mình, vừa đẹp nhà vừa đẹp đường sắt. Công ty cổ phần Đường sắt Sài Gòn đang xây dựng tuyến đường sắt trở thành một đường hoa, xây dựng môi trường "xanh - sạch - đẹp". Đây cũng là kế hoạch của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, với chủ đề "Mỗi cung đường - Một loài hoa".

KTS Khương Văn Mười, nguyên chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM đồng tình với chủ trương này. Nếu có thể xây dựng một tuyến đường hoa xuyên suốt dọc tuyến đường sắt Bắc - Nam là quá tốt. Với những hành lang rộng có thể trồng các loại cây tán rộng vừa có thể tạo mảng xanh trong thành phố vừa giúp làm đẹp cảnh quan. Những khu vực hẹp thì nên triển khai trồng những loại cây thấp, nhỏ và có thể nở quanh năm như hoa mười giờ, hoa ngâu, hoa hồng…

Đặc biệt, mỗi khu vực (như phường, xã) nên trồng chỉ một, hai loại hoa để tạo mảng màu nhất quán không bị lộn xộn. Khi có những mảng xanh được thiết kế đồng đều sẽ tạo được cảnh quan mới, đồng bộ, đẹp mắt hơn.

Để trồng cây thống nhất, cần triển khai nghiên cứu tại các khu ga, cung đường, trạm chắn, hành lang dọc hai bên đường sắt. Căn cứ vào từng điều kiện, diện tích để xây dựng phương án phù hợp. Việc lựa chọn các giống cây, tạo ra nét đặc sắc cho từng địa phương nơi có đường sắt đi qua. Đặc biệt, luôn đảm bảo khoảng cách an toàn cho hành lang an toàn giao thông đường sắt khi trồng cây và hoa.

Cần đảm bảo an toàn hành lang đường sắt

TS Trần Văn Sửu, nguyên giảng viên Đại học Giao thông Vận tải đánh giá cao ý tưởng này của ngành đường sắt. Việc tạo ra một đường hoa dài đến hơn 3000km có thể sẽ tạo nên một điểm đến thú vị với du khách quốc tế. Tuyến đường sắt Bắc - Nam có nhiều cung đường được bình chọn là cung đường đẹp nhất thế giới, có nhiều nhà ga là di tích lịch sử - văn hóa. Nếu hình thành đường hoa dọc tuyến đường sắt sẽ trở thành điểm nhấn du lịch, thu hút du khách trong và ngoài nước lựa chọn đi lại bằng tàu lửa.

Bởi với rất nhiều hành khách đi tàu lửa, đặc biệt là đối với những du khách quốc tế khi đến Việt Nam tham quan, du lịch, việc lựa chọn đi tàu lửa không chỉ là chuyện mong được "đi đến nơi về đến chốn" trên hành trình của mình mà còn để được trải nghiệm, chiêm ngưỡng vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam qua ô cửa kính trên mỗi chuyến tàu chạy qua địa phận của các tỉnh, thành.

Trong khi đó hiện nay, dọc tuyến đường sắt khi tàu đi ngang qua chỉ vài nơi có trồng hoa, cây xanh như đoạn đường tàu trên đường Lê Văn Sỹ (quận 3, TP HCM) với hoa huỳnh liên vàng rực rỡ; hay các trạm gác, trụ sở nhà ga ở Quảng Bình được trồng hoa, cây xanh làm đẹp từ nhiều năm qua... Còn lại, dọc các tuyến đường sắt, có rất nhiều rác thải là bao ni-lông, hộp xốp đựng thức ăn bị vứt bỏ bừa bãi, tạo ra khung cảnh nhếch nhác.

Đặc biệt, ý tưởng này sẽ khiến ngành đường sắt tạo dấu ấn rất mạnh với người dân, du khách. Tuy nhiên cũng có nhiều điều cần phải tính toán kỹ, đặc biệt và vấn đề an toàn hành lang đường sắt. Hiện đường sắt Bắc Nam đi qua rất nhiều địa hình, có những nơi đồi núi với địa mạo phức tạp, việc chọn loại cây trồng cho những khu vực này cần tính toán cẩn thận. Khi chọn loại cây, cần phải chọn cây có tán thấp, không rậm rạp, không che chắn tầm nhìn để đảm bảo an toàn cho tuyến đường. Nên trồng các loại hoa, cây dễ cắt tỉa, có thể thay thế dễ dàng…

Ngoài ra, kinh phí để chăm sóc, duy trì cây không phải là nhỏ. Khi đã xác định trồng cả tuyến dài như vậy thì phải tính toán được phương án kinh tế duy tu, chăm sóc cây là bao nhiêu, trồng loại cây gì vừa đặc trưng cho địa phương lại vừa dễ chăm sóc, dễ trồng, cắt tỉa… cần được tính toán kỹ lưỡng.

Với phong trào "Đường tàu - Đường hoa", ngành đường sắt hy vọng sẽ xây dựng được tuyến đường hoa dài nhất Việt Nam, quảng bá tốt hơn hình ảnh của ngành đường sắt; xây dựng thương hiệu đường sắt thân thiện, tạo điểm nhấn du lịch, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với các địa phương và đến với Việt Nam.

Sáng 11/4: Thanh Niên 2k1 Sát Hại Dã Man Gái Làng Chơi Vì Dám “Tăng Giá” Sau 1 Đêm Vui Vẻ | SKĐS

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/trong-hoa-doc-tuyen-duong-sat-bac-nam-loai-cay-nao-phu-hop-169230411114653742.htm