Trong khó khăn, xuất khẩu gỗ vẫn khả quan
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện kế hoạch 8 tháng đầu năm và nhiệm vụ công tác tháng 9.
Theo đó, dù còn nhiều mặt hàng xuất khẩu giảm nhưng gạo, rau, sắn, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ, quế, mây tre vẫn có giá trị xuất khẩu tăng so với cùng kỳ.
Cụ thể, giá trị xuất khẩu gạo đạt 2,2 tỷ USD, tăng 10,4%, đây cũng là mặt hàng tuy có khối lượng xuất khẩu giảm 1,7% nhưng giá trị xuất khẩu vẫn tăng khá nhờ giá xuất khẩu tăng cao, bình quân đạt 488 USD/tấn. Rau đạt 487 triệu USD, tăng 12,8%; sắn đạt 108 triệu USD, tăng gần 95%; tôm gần 2,4 tỷ USD, tăng 11,4%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7,3 tỷ USD, tăng 9,6%... Đến thời điểm này, ngành nông nghiệp hiện đã có 7 nhóm, mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỉ USD, đứng đầu là sản phẩm gỗ.
Riêng về lâm nghiệp, điểm sáng nhất trong xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp, ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp nhận định: Với đà tăng này, chúng tôi hy vọng cuối năm sẽ đạt 12 tỷ USD, tăng khoảng 7% so với 2019.
Để ứng phó với dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp (DN) đang tổ chức bán hàng trực tuyến, thậm chí nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết năm. Trong thời gian tới, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ đồng hành cùng các DN, hiệp hội để mở rộng thị trường tiêu thụ và nắm bắt những khó khăn, điểm nghẽn để giải quyết kịp thời các vướng mắc.
Trước đó, Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn đã có nhiều cuộc họp bàn về các giải pháp gỡ khó cho ngành gỗ trong dịch bệnh Covid-19. Theo ông Tuấn, Bộ đã có văn bản gửi các hiệp hội, đề nghị các hiệp hội phổ biến đến DN, trước hết DN phải năng động, sáng tạo, cùng Nhà nước vượt qua giai đoạn khó khăn của dịch bệnh. Điều quan trọng đầu tiên là nhận thức, đánh giá tình hình không quá bi quan.
Bây giờ không phải là lúc DN nghĩ đến chuyện đóng cửa rồi phá sản mà họ phải có tư tưởng “tìm cơ trong nguy”, ổn định, duy trì, phát triển trong tương lai. Dù thị trường chủ chốt khó khăn thì tìm thị trường khác và hướng về thị trường nội địa. Hiện, hàng hóa phục vụ dân sinh đang có nhu cầu cao, nếu DN khai thác được sẽ đáp ứng phần nào việc duy trì sản xuất.
Ông Tuấn chỉ đạo, các DN, cơ sở sản xuất cần rà soát lại chiến lược kinh doanh để có nguồn lực tốt nhất khi thời điểm quý 3 và 4 khai thác mục tiêu cao nhất hướng tới xuất khẩu gỗ năm 2020 đạt 12 tỷ USD. Bên cạnh đó, cần phải tiếp tục tái cơ cấu ngành hàng sâu rộng hơn theo hướng hiện đại, bền vững và xây dựng chương trình phát triển nguyên liệu quốc gia đáp ứng đủ căn bản nhu cầu, đa dạng hóa nguồn nguyên liệu để phục vụ sản xuất và chế biến gỗ.
Đánh giá về tình hình xuất khẩu gỗ của Việt Nam, Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia Tổ chức Forest Trends cho rằng: Vượt lên trên những tác động vô cùng lớn của đại dịch, ngành gỗ vẫn trên đà tăng trưởng với kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2020 tiếp tục mở rộng mặc dù ở mức thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Sự tăng trưởng này thể hiện nỗ lực rất lớn của cộng đồng DN, bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ, nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực của đại dịch tới các hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Tuy nhiên, ông Phúc cũng lưu ý, với diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid-19, khó có khả năng dự báo chính xác được các thay đổi tại thị trường xuất khẩu trong những tháng tiếp theo. Do đó, ngành gỗ cần có những giải pháp dài hạn nhằm ứng phó với dịch và phù hợp với tình hình mới. Điều này đòi hỏi ngành cần nhanh chóng xác định chiến lược phát triển về mặt thị trường, bao gồm cả thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa và về các dòng sản phẩm.
“Việc phát triển thị trường và các dòng sản phẩm chiến lược cần được đặt ra trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều biến động bởi dịch bệnh và căng thẳng về thương mại quốc tế. Chiến lược này cần dựa trên các yếu tố giảm thiểu rủi ro, bao gồm cả các rủi ro về gian lận thương mại, nhằm tránh các tác động tiêu cực tới ngành”, theo ông Phúc.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/trong-kho-khan-xuat-khau-go-van-kha-quan-506056.html