Trong khu điều trị F0 nặng nhất tại Hải Phòng
Là tuyến cuối cùng, tầng 3 của tháp 3 tầng trong điều trị bệnh nhân COVID-19, Khoa Bệnh nhiệt đới cơ sở An Đồng (Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp Hải Phòng) thu dung và điều trị những bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch.
6 cán bộ cơ hữu của Khoa và hơn 70 bác sĩ, điều dưỡng tăng cường từ các khoa, phòng khác trong Bệnh viện đã nhiều tháng không được về nhà, nhiều đêm không được ngủ ngon giấc. Với họ, niềm vui là khi bệnh nhân vượt qua cơn nguy kịch, xuất viện an toàn.
6h sáng, các điều dưỡng Khoa Bệnh Nhiệt đới (Cơ sở An Đồng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng) sẵn sàng đồ bảo hộ phòng dịch, bắt đầu kíp trực tại Khu điều trị bệnh nhân COVID-19.
Sau khi nhận bàn giao từ kíp trực đêm hôm trước, các nhân viên y tế nhanh chóng kiểm tra tình hình bệnh nhân, đo nhiệt độ, nồng độ oxy trong máu, lấy mẫu bệnh phẩm, lấy máu xét nghiệm, phục vụ bệnh nhân ăn sáng, thực hiện các y lệnh của bác sĩ trong chăm sóc bệnh nhân như: tiêm truyền, phát thuốc, hỗ trợ bệnh nhân thở oxy, vỗ rung... Công việc nối tiếp nhau không ngừng.
Mỗi kíp trực tại Khoa Bệnh Nhiệt đới kéo dài từ 8-12h đồng hồ. Tuy nhiên, với khối lượng công việc lớn; liên tục có bệnh nhân diễn biến, trở nặng, cần được chỉ định can thiệp kịp thời, các bác sĩ, nhân viên y tế ở đây không có khái niệm giờ giấc.
"Trực ngày từ 7h sáng đến 7h tối, công việc trong khu điều trị F0. Khi trực, chúng tôi phải hoàn thiện tất cả hồ sơ bệnh án, xử trí bệnh nhân của ngày tiếp theo và bàn giao cho bác sĩ trong bệnh phòng cho ngày tiếp theo. Nhiều khi công việc phải kết thúc vào 12h đêm, thậm chí muộn hơn. Bởi vì phải xong việc thì mới được nghỉ không thì ngày hôm sau công việc sẽ bị ùn ngay. Nếu bệnh nhân trong đêm có diễn biến thì bệnh án phải được hoàn thành"- BS Nguyễn Thị Vân Anh, khoa Răng – Hàm – Mặt (Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp) đã có thời gian tăng cường 1 tháng tại Khu điều trị F0 chia sẻ.
Thức trắng nhiều đêm liền, 14h – 15h chiều chưa ăn sáng là chuyện bình thường đối với các nhân viên y tế của Khoa Bệnh nhiệt đới. Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Hải Ninh, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới cơ sở An Đồng (Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng) chia sẻ, tất cả mọi nhu cầu của bệnh nhân đều là nhân viên y tế làm, từ xoay trở bệnh nhân, cho ăn cho uống, nâng đỡ, vỗ rung đến những nhu cầu tối thiểu như vệ sinh, thay bỉm... "Sẽ rất bình thường nếu các anh chị thấy các bác sĩ lãnh đạo khoa đi vần bình oxy cho bệnh nhân thở, sẵn sàng đi vỗ rung, hút đờm cho bệnh nhân. Cũng không phân biệt việc của bác sĩ hay của điều dưỡng, của người nhà hay lãnh đạo... Mọi người cùng chung tay chăm sóc bệnh nhân tối đa có thể"- BS Vũ Hải Ninh cho biết.
Mặc dù tỉ lệ bệnh nhân trở nặng tại Hải Phòng thấp hơn so với trung bình cả nước, nhưng với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, số lượng F0 lớn như hiện nay, số ca bệnh nặng nhập viện cũng tăng. Các bác sĩ, điều dưỡng của Khoa bệnh nhiệt đới đã nhiều tháng không về nhà, không có một giấc ngủ ngon giấc; mọi công việc gia đình phải gửi gắm người thân. Chị Nguyễn Thị Vân Anh, điều dưỡng trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Việt Tiệp - Cơ sở An Đồng có 2 con nhỏ, một cháu học lớp 4, một cháu mới học lớp 2. Mỗi ngày, chị chỉ tranh thủ được 15 phút sau khi hết việc, thường là vào 22-23h đêm để gọi điện về nhà, trò chuyện với các con.
"Khi đã tham gia chống dịch, mình đã xác định khi nào dịch ổn định thì sẽ về. Bây giờ nhân lực cơ hữu của khoa cũng có rất ít. Hầu hết là các anh chị em tăng cường. Vì vậy với các công việc cần thực hiện tại cơ sở điều trị bệnh nhân Covid thì mình vẫn xác định bố trí sắp xếp công việc gia đình để tham gia điều trị bệnh nhân Covid, hoàn thành tốt nhiệm vụ chống dịch và đảm bảo an toàn cho người bệnh"- chị Nguyễn Thị Vân Anh cho biết.
Suốt 2 năm qua, thời gian chị Vũ Thị Sinh, điều dưỡng Khoa Bệnh nhiệt đới Cơ sở An Đồng (Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp Hải Phòng) ở nhà với gia đình và các con chưa đầy 3 tháng. Chỉ riêng năm 2021, chị tham gia 3 đợt chống dịch, mỗi đợt ít nhất 2 tháng, riêng đợt 3 từ tháng 7 đến qua Tết Nguyên đán. Chồng chị Sinh là bộ đội Cảnh sát biển, cũng thường xuyên công tác xa nhà, chị phải gửi hai con nhỏ nhờ bà ngoại chăm sóc.
"Nhà tôi có 2 cháu, một bạn học lớp 8, một bạn học lớp 5. Từ ngày đi chống dịch, do đặc thù công việc, không được về nhà. Đối với nhân viên y tế, ai cũng có gia đình cả, mỗi người có một khó khăn riêng. Có bạn con con nhỏ 1, 2 tuổi, còn khó khăn hơn mình nhiều hoặc bố mẹ già yếu nhưng nhìn chung mọi người đều sắp xếp và rất sẵn sàng"- Điều dưỡng Vũ Thị Sinh chia sẻ.
Dù khó khăn, vất vả, dù số lượng bệnh nhân tăng, công việc nhiều, các bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp (Hải Phòng) luôn nỗ lực hết mình và lặng thầm cống hiến. Tất cả vì sự an toàn của bệnh nhân, góp phần cùng cả nước chiến đấu và sớm chiến thắng dịch./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/trong-khu-dieu-tri-f0-nang-nhat-tai-hai-phong-post926904.vov