Trồng thử nghiệm thành công cây dâu tây ở Hướng Hóa
Vùng Bắc Hướng Hóa có tiểu vùng khí hậu giao thoa giữa Đông và Tây Trường Sơn nên nền khí hậu tương đối ôn hòa quanh năm. Đặc biệt, có biên độ nhiệt độ giao động giữa ngày và đêm khá lớn (8 - 10 độ C) nên rất thích hợp cho sự sinh trưởng của nhiều loại cây trồng. Nhằm từng bước tìm ra nhiều loại cây phù hợp với tiểu vùng khí hậu này, Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Thông tin KHCN tỉnh đã trồng thử nghiệm thành công cây dâu tây và đang bắt đầu nhân rộng ở vùng Bắc Hướng Hóa.
Trên cơ sở kết quả khảo sát các điều kiện tự nhiên ở địa phương và học tập kinh nghiệm ở một số vùng trồng dây tây trong nước, Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Thông tin KH&CN tỉnh đã triển khai dự án trồng thử nghiệm cây dâu tây không sử dụng đất trong nhà kính ứng dụng công nghệ cao, hệ thống điều khiển tự động được kết nối với hệ thống máy tính kiểm soát. Ba loại giống dâu tây đưa vào trồng thử nghiệm được nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Newzeland với diện tích 500 m2 (2.500 chậu) nhằm đánh giá khả năng thích nghi, khả năng sinh trưởng, phát triển và hiệu quả kinh tế của mỗi loại giống, đồng thời xây dựng quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc phù hợp với điều kiện khí hậu vùng Bắc Hướng Hóa.
Thời gian thực hiện dự án từ năm 2019 - 2020. Chủ nhiệm đề tài Nguyễn Thị Minh Huyền cho biết: “Trung tâm tiến hành theo dõi, thu thập, xử lý số liệu trong quá trình áp dụng quy trình sản xuất dâu tây thương phẩm, để từ đó đánh giá hiệu quả kỹ thuật, hiệu quả kinh tế và rút kinh nghiệm, hoàn thiện quy trình sản xuất dâu tây thương phẩm phù hợp tại vùng Bắc Hướng Hóa. Đồng thời, tổ chức cho người dân tham quan, học tập tại mô hình, đánh giá kết quả và xác định hướng phát triển cây dâu tây cho những năm sau”.
Thời gian từ trồng đến khi ra hoa của 3 giống dâu tây từ 115 ngày đến 130 ngày, từ khi ra hoa đến khi thu hoạch quả là 25 - 30 ngày. Thời vụ trồng, đối với cây dâu nuôi cấy mô là trồng tháng 5 - 6. Đối với cây dâu ngó trồng tháng 8 - 9. Mật độ đặt 5chậu/m2 . Bước đầu cho thấy cả 3 giống dâu tây này khá phù hợp với khí hậu tại vùng Bắc Hướng Hóa. Cây sinh trưởng tốt, quả có màu sắc đẹp, độ bóng trái cao, hương thơm và vị ngọt dịu…
Năng suất giống Newzeand 10,05 tấn/ha, giống Hàn Quốc 8,44 tấn/ha và giống Nhật Bản đạt 7,82 tấn/ha. Với điều kiện thời tiết như khu vực Bắc Hướng Hóa thì việc lựa chọn giống Nhật Bản cho mục đích sản xuất và nhân rộng sẽ đem lại nhiều hiệu quả hơn do: Tỉ lệ nhiễm các loại nấm bệnh thấp hơn, quả có độ ngọt cao phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của thị trường, tỉ lệ lợi nhuận cao hơn, cho lợi nhuận ròng gần 760 triệu đồng/ha (quy đổi).
Dự án thành công đã khẳng định khả năng thích nghi của dâu tây ở vùng Bắc Hướng Hóa mở ra cho địa phương hướng đi trong việc lựa chọn các loại cây trồng mới thích nghi với điều kiện khí hậu thời tiết, trình độ thâm canh, thị trường tiêu thụ và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Đồng thời, giải quyết nhu cầu về nguồn thực phẩm an toàn góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho cộng đồng.
Tác động đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo ra ngành nghề sản xuất mới, nhân rộng mô hình đối với các hộ dân tại địa phương. Hình thành, xây dựng và phát triển vùng sản xuất dâu tây theo hướng thương mại hóa sản phẩm. Việc trồng cây dâu tây phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng sẽ tận dụng được lợi thế của từng vùng, giảm thiểu việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tăng khả năng sử dụng phân bón hợp lý và hiệu quả, giảm ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn sức khỏe cho con người. Ngoài ra với đặc trưng là giá thể trồng dâu có thể tận dụng được nhiều lần sẽ làm giảm việc khai thác dinh dưỡng từ đất, giảm độ phụ thuộc và giảm các tác động xấu đến nguồn tài nguyên. Giá thể trồng dâu còn có thể được tận dụng làm phân hữu cơ vi sinh vừa nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần bảo vệ môi trường.
Dâu tây là loại cây ăn quả có giá trị dinh dưỡng cao, ăn nhiều dâu tây có thể giúp phòng được nhiều loại bệnh. Các hợp chất như hợp chất chống ô xy hóa và nhiều chất dinh dưỡng khác có trong quả dâu tây sẽ phát huy tác dụng bảo vệ sức khỏe. Đây là một loại cây đặc sản dùng để ăn tươi, chế biến làm mứt, nước giải khát, dùng trong công nghiệp hóa phẩm chế biến rượu, hương vị thực phẩm. Dâu tây là loại cây trồng đòi hỏi kỹ thuật và điều kiện chăm sóc kỹ càng.
Do vậy, để đem lại hiệu quả thì người sản xuất cần nắm vững kỹ thuật, có kinh nghiệm trong quá trình sản xuất từ giai đoạn xử lý nguyên liệu đầu vào đến giai đoạn chăm sóc và thu hoạch, bảo quản. Ngoài ra, khi được tổ chức, đầu tư hợp lý và triển khai nhân rộng, mô hình chắc chắn sẽ thu hút khách tham quan thúc đẩy nền du lịch phát triển, tăng thêm nguồn thu cho việc trồng dâu; giúp chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, tạo nguồn thực phẩm sạch, an toàn, có giá trị cao phục vụ nhu cầu tiêu dùng.
Để cây dâu tây ở khu vực Bắc Hướng Hóa được nhân rộng và phát triển, đối với chính quyền địa phương cần xây dựng kế hoạch phát triển trồng dâu gắn với lồng ghép các chương trình khác cũng như xây dựng cơ chế chính sách về đất đai; tín dụng; hỗ trợ đào tạo, tập huấn kỹ thuật; quảng bá thương hiệu sản phẩm và tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Trên cơ sở mô hình ứng dụng, đội ngũ kỹ thuật viên, các cơ quan, đoàn thể, chính quyền cơ sở cùng phối hợp với cơ quan chủ trì, tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình của dự án. Cơ quan chủ trì tiếp tục phối hợp với địa phương và hộ dân triển khai thực hiện việc chuyển giao kỹ thuật gắn với đào tạo, tập huấn cho người dân. Sản phẩm của dự án mới được tiêu thụ tại chỗ trong tỉnh thông qua bán buôn, bán lẻ. Tuy nhiên, về lâu dài khi mở rộng phát triển sản xuất, sản lượng khai thác nhiều, cần có sự hỗ trợ của các cấp, các ngành trong việc quảng bá giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm các doanh nghiệp tiêu thụ; tạo điều kiện cho người sản xuất giải quyết sản phẩm đầu ra.