Trụ đỡ của nền kinh tế

Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế khi kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, mức cao nhất trong những năm gần đây.

Xuất khẩu sầu riêng đạt hơn 2 tỷ USD năm 2023. Ảnh: Kim Thanh.

Xuất khẩu sầu riêng đạt hơn 2 tỷ USD năm 2023. Ảnh: Kim Thanh.

Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 53 tỷ USD

Đánh giá về bức tranh xuất khẩu (XK) nông, lâm, thủy sản năm 2023, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Phùng Đức Tiến cho biết, 2023 là năm đặc biệt khó khăn đối với ngành nông nghiệp, không chỉ Việt Nam mà với nhiều quốc gia. Cùng với đó, biến động về kinh tế cũng khiến nhiều thị trường giảm nhập khẩu. Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là về thị trường XK lâm sản và thủy sản, nhưng năm 2023 tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp ước đạt 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây. Trong đó, một số mặt hàng XK tăng cao kỷ lục như: Rau quả tăng trên 70%, gạo tăng trên 36%, đây là con số cao nhất từ trước tới nay. Trước đó, tại Hội nghị Thượng đỉnh lúa gạo toàn cầu, gạo ST25 được công nhận là gạo ngon nhất thế giới. Việc gạo Việt một lần nữa được vinh danh ở giải thưởng cao nhất của một cuộc thi gạo ngon là một tín hiệu vui cho việc phát triển thương hiệu gạo Việt, giúp hoạt động xuất khẩu gạo – một trong những mặt hàng thế mạnh trong nhóm nông, lâm, thủy sản có thêm kỳ vọng tăng trưởng thời gian tới.

Cùng với gạo, rau quả, XK hạt điều đạt con số 3,31 tỷ USD, tăng 17,4%. Đặc biệt, XK sản phẩm từ ngũ cốc đạt 1,08 tỷ USD, tăng 5,4%. Như vậy đến nay ngành nông nghiệp có 6 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị XK trên 3 tỷ USD gồm cà phê (3,5 tỷ USD), gạo (4,41 tỷ USD), rau quả (5,3 tỷ USD), trong đó sầu riêng đóng góp hơn 2 tỷ USD, hạt điều (3,3 tỷ USD), tôm (3,4 tỷ USD), gỗ và sản phẩm gỗ (12 tỷ USD).

“Với kết quả kim ngạch XK toàn ngành đạt trên 53 tỷ USD, thặng dư thương mại toàn ngành đạt trên 11 tỷ USD. Đây là mức cao nhất trong những năm gần đây và chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước… Kết quả này cho thấy, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Có được kết quả trên, theo ông Tiến, ngành nông nghiệp đã nỗ lực đàm phán để tháo gỡ rào cản kỹ thuật, thương mại và mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều nông sản vào các thị trường lớn và tiềm năng. Đến nay theo thống kê, rau quả Việt Nam được xuất khẩu đến trên 85 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có các thị trường đòi hỏi chất lượng cao như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Riêng tại thị trường Trung Quốc, Việt Nam có 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: tổ yến và sản phẩm từ tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, thạch đen, vải, chanh dây và sầu riêng. Các mặt hàng này đã giúp mang về doanh thu hàng tỷ USD, trong đó sầu riêng mang về tới 2,2 tỷ USD.

Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, bên cạnh nỗ lực của ngành chức năng, năm 2023 ghi nhận sự vượt khó từ cộng đồng doanh nghiệp (DN). Chính sự nỗ lực vượt khó này đã tạo nên những thành quả trong xuất khẩu nông nghiệp. Thực tế cho thấy, khả năng chống chọi của DN thời gian qua tương đối tốt. Mặc dù tình hình khó khăn, thủy sản và lâm sản có kim ngạch giảm đến trên 20%, song DN đã tìm mọi cách để khơi thông thị trường trong nước, chắt chiu từng cơ hội cho hoạt động xuất khẩu.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chế biến và Xuất khẩu nông sản Việt Nguyễn Văn Huỳnh cho biết, tận dụng lợi thế ưu đãi từ các Hiệp định được ký kết, công ty đã đẩy mạnh XK trái cây như dứa gai, dưa bao tử, vải thiều... sang thị trường EU, châu Á và một số nước: Nga, UAE, Anh, Kazakhstan, Uzbekistan...

“Mục tiêu của DN trong năm 2023 là xuất khẩu đạt 4 triệu USD. Đến thời điểm hiện nay, giá trị xuất khẩu đã đạt 3 triệu USD. Doanh nghiệp đang chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng cho đối tác nước ngoài và hoàn thành mục tiêu...” - ông Huỳnh chia sẻ.

Xuất khẩu gạo dự kiến bứt tốc mạnh mẽ trong năm 2024. Ảnh: Thế Hoàng.

Xuất khẩu gạo dự kiến bứt tốc mạnh mẽ trong năm 2024. Ảnh: Thế Hoàng.

Mở rộng thị phần xuất khẩu

Theo các chuyên gia, sự bứt phá ngoạn mục trong XK nông sản đến từ chất lượng sản phẩm đã được cải thiện rõ rệt, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Việt trên thị trường thế giới. Trong khi đó, theo số liệu từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc cũng cho thấy, thế giới đang có dấu hiệu bất ổn về lương thực. Đáng chú ý, 36 quốc gia đang có báo động về tình trạng thiếu lương thực, dự trữ lương thực toàn cầu ở mức thấp nhất so với mức dự trữ bình quân của 25 năm qua, trong khi gạo được coi là thức ăn chính của một nửa dân số thế giới, khoảng 4 tỷ người. Đây chính là cơ hội để nông sản Việt tiếp tục bứt tốc trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NNPTNT), cho biết, cơ hội và dư địa cho XK nông sản, lương thực của Việt Nam trong thời gian tới, nhất là trong năm 2024 là rất lớn.

Với ngành hàng rau quả, ông Tiến cho rằng, dư địa cho rau quả của Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường Trung Quốc còn rất lớn. Từ sự đột phá mạnh mẽ của trái sầu riêng và một số mặt hàng trái cây chủ lực sẽ là chất xúc tác, là động lực quan trọng để ngành hàng rau quả nước nhà hiện thực hóa tham vọng thu thêm hàng tỷ USD, trở thành “cường quốc” về xuất khẩu rau quả trên toàn cầu.

Tuy nhiên, để cụ thể hóa tham vọng đó, đòi hỏi các ngành hàng này cần có những “bước nhảy” quan trọng, nhất là việc tuân thủ các tiêu chuẩn về chất lượng, đẩy mạnh các hoạt động giao thương, quảng bá thương hiệu. Đây cũng là thời điểm quan trọng để các DN trong ngành hàng rau quả nhận thức được các điểm hạn chế để khắc phục nhằm có thể tiến xa.

Thực tế cho thấy, không chỉ đợi đến năm 2024 mà ngay những tháng gần đây, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đang rơi vào tình trạng cháy hàng thiếu nguồn cung như gạo, cà phê, hồ tiêu, sầu riêng… từ đó đẩy giá lên cao. Cơ hội thì lớn nhưng làm sao để tận dụng được cơ hội này cũng là vấn đề đặt ra. Bởi thực chất, DN, ở Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều thách thức cả về nguồn lực cũng như nguồn nguyên liệu.

Bộ NNPTNT cũng nhận định, các thị trường lớn của Việt Nam đang phục hồi mạnh là cơ hội để giữ vững và từng bước mở rộng thị phần XK nông sản từ nay đến sang năm 2024. Thêm vào đó, chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản có vốn tín dụng khoảng 15.000 tỷ đồng được giải ngân thì hai ngành này cũng sẽ vươn lên, đóng góp tích cực vào giá trị XK hàng nông sản trong thời gian tới. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội tăng tốc XK nông sản, cần phải chứng minh cho người tiêu dùng thế giới thấy được chất lượng vượt trội của nông sản Việt Nam, cùng với đó, đảm bảo nông, lâm, thủy sản XK được chuẩn hóa, đồng bộ về chất lượng, bao bì, nhãn mác, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, có logo, nhãn hiệu, thương hiệu quốc gia.

Theo Bộ NNPTNT, dự kiến từ nay đến cuối năm, chúng ta có cơ hội ký 4 nghị định thư, triển vọng có thêm 4 sản phẩm (dược liệu, dừa, hoa quả đông lạnh, dưa hấu) chuyển từ xuất khẩu truyền thống sang xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Việc triển khai hiệu quả các nghị định thư này sẽ có thêm cơ hội đóng góp vào XK nông sản. “Song hành, trong chiến lược phát triển bền vững, ngành nông nghiệp vẫn tập trung nâng cao chất lượng, tăng chế biến XK, chủ động ứng phó khi thị trường thế giới biến động” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, các thị trường lớn của Việt Nam đang phục hồi mạnh là cơ hội để giữ vững và từng bước mở rộng thị phần xuất khẩu nông sản từ nay đến sang năm 2024. Thêm vào đó, chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản có vốn tín dụng khoảng 15.000 tỷ đồng được giải ngân thì hai ngành này cũng sẽ vươn lên, đóng góp tích cực vào giá trị xuất khẩu hàng nông sản trong thời gian tới.

Lê Minh Long

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tru-do-cua-nen-kinh-te-10270456.html